Dù công tác tập huấn, hướng dẫn chấm thi được Bộ GD&ĐT và các địa phương triển khai chu đáo, quy trình chặt chẽ, tính bảo mật cao, thế nhưng liên quan đến khâu này, dư luận vẫn có ít nhiều băn khoăn, nhất là việc chấm thi môn Ngữ văn.
Khác với các môn thi trắc nghiệm, việc chấm thi cơ bản chính xác, ít xảy ra sai sót, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, có nhiều thí sinh đăng ký nhất, đề thi theo hướng mở, nên việc chấm phức tạp hơn. Cứ vào mỗi mùa chấm thi, một số người lại lo ngại về tình trạng “chấm chặt, chấm lỏng”, đề mở chấm đóng, hoặc cho điểm theo chủ quan của người chấm, hay theo “chủ trương riêng” của hội đồng.
Lo ngại của dư luận cũng có cơ sở, bởi thực tế các mùa thi qua, tình trạng chấm lệch điểm môn Ngữ văn giữa hai giám khảo từ 1,5 - 2,5 điểm không phải hiếm. Không những thế, còn có tình trạng vênh điểm môn Ngữ văn học bạ và điểm thi tốt nghiệp giữa các địa phương.
Năm 2022, đối sánh cho thấy, điểm trung bình học bạ lớp 12 của cả nước là 7,21 trong khi trung bình điểm thi chỉ đạt 6,51 (lệch 0,7 điểm) là phù hợp. Song khi so sánh thứ hạng hai chỉ số này, một số địa phương có thay đổi lớn. Chẳng hạn, Bắc Kạn có trung bình điểm học bạ xếp thứ 63, nhưng trung bình điểm thi xếp thứ 35, TPHCM có trung bình học bạ xếp thứ 18 (7,31 điểm) nhưng trung bình điểm thi xếp thứ 34 (6,34 điểm)…
Bản chất văn chương không dễ định lượng nên việc chấm thi môn Ngữ văn thường không dễ dàng. Những năm gần đây, nếu phần Đọc hiểu khá dễ để định lượng, thì phần Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học thường theo hướng mở, đòi hỏi giám khảo không chỉ bám vào đáp án, mà còn phải có năng lực cảm thụ thiên về cảm tính, chủ quan để đánh giá.
Mặc dù, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn khá kỹ, cả với những câu trả lời chưa khớp đáp án mà có tính sáng tạo, nhưng vẫn có một số giám khảo chưa thực sự “cứng tay” trong chấm thi. Gặp giám khảo non tay, thiếu kinh nghiệm, một số thí sinh sáng tạo có thể mất điểm khi trả lời phương án khác, cho dù đúng định hướng, có tính phát hiện.
Để đáp ứng tiến độ chấm thi, mỗi tỉnh phải triệu tập rất đông giáo viên đi chấm, ít thì gần 100, nhiều thì khoảng 600 giáo viên. Có nơi vì các lý do khách quan, thiếu người, buộc phải triệu tập cả giáo viên mới vào nghề vài năm, hay giáo viên không dạy Ngữ văn lớp 12. Thiếu bám sát chương trình lớp 12, kinh nghiệm thực chiến, những giám khảo chấm thi lần đầu không tránh khỏi lúng túng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 năm học, mà còn là căn cứ để nhiều trường đại học tuyển sinh. Chất lượng chấm thi, trong đó có chấm thi môn Ngữ văn là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm tính khách quan, công bằng cho thí sinh, nên rất cần sự vào cuộc của đội ngũ giám khảo chất lượng.
Muốn vậy, công tác bồi dưỡng, lựa chọn giáo viên tạo nguồn tham gia chấm thi cần được các địa phương thực hiện chu đáo nhất, không để xảy ra bị động, phải điều động những nhân sự chưa đủ chín.
Việc tổ chức chấm thử với mẫu phiếu chấm tốt nghiệp, triển khai mô phỏng bồi dưỡng năng lực chấm ở tổ chuyên môn… phải là những công việc được các trường thực hiện thường xuyên, không chỉ với giáo viên Ngữ văn đang dạy lớp 12, mà với tất cả giáo viên Ngữ văn THPT. Có như thế các trường/địa phương mới sẵn sàng nguồn giám khảo chất lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng non tay chấm, góp phần làm nên thành công của kỳ thi.
Tác giả bài viết: Gia Khánh
Ý kiến bạn đọc