Thái Nguyên: Phân loại nhóm học sinh có điểm xét tuyển thấp để bồi dưỡng

Thứ tư - 19/06/2019 11:32 431 0

Thái Nguyên: Phân loại nhóm học sinh có điểm xét tuyển thấp để bồi dưỡng

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Thái Nguyên vừa công bố điểm thi, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường THPT không chuyên trên địa bàn. Sẽ không có điều gì đáng chú ý nếu không có trường lấy điểm chuẩn xét tuyển từ 5.9 điểm như trường hợp Trường THPT Đại Từ.

Trong dư luận xã hội đang dấy lên một số ý kiến băn khoăn với những trường hợp học sinh có điểm đầu vào lớp 10 thấp như trên; Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề làm thế nào để giữ vững chất lượng giáo dục trung học của tỉnh.

Trường vùng khó không tránh được chất lượng đầu vào thấp

Theo danh sách trúng tuyển của Hội đồng tuyển sinh Trường THPT Đại Từ, năm học này, chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 đầu cấp của trường là 669 học sinh. Trong đó điểm xét tuyển (ĐXT) cao nhất đạt 43,9; Có 246 học sinh đạt tổng ĐXT trên 25 điểm.

Đây là năm đầu tiên học sinh Thái Nguyên thi môn thứ ba là Ngoại ngữ cùng với hai môn Toán, Văn ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Điểm bình quân sẽ được tính như sau: điểm Toán, Văn nhân hệ số 2 cộng với điểm ngoại ngữ chia 5;

Như vậy, theo danh sách này, số học sinh có điểm bình quân trên 5 điểm/môn của trường là 246 em. Số còn lại là (423) học sinh có điểm bình quân dưới 5 điểm/môn; Trong đó có 149 học sinh đạt từ 14,9 - 5,9 điểm (bình quân dưới 4 điểm/môn); 24 em trong số này có ĐXT dưới 10 điểm (bình quân dưới 2 điểm/môn) và ĐXT thấp nhất là 5,9 điểm, điểm chuẩn của trường.

Cũng theo danh sách xét tuyển của Trường THPT Đại Từ, tổng số học sinh đề nghị xét tuyển là 669 học sinh có tổng ĐXT từ 5,9 trở lên và không có bài thi nào bị điểm 0; Có 657 ĐKXT nguyện vọng 1 vào trường; 12 ĐKXT nguyện vọng 2. Số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Đại Từ năm nay là 657 em.

Lý giải việc nhà trường lấy điểm đỗ thấp như trên, ông Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: trường THPT Đại Từ có một số em ĐXT thấp nhưng không nhiều. “Theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh đã được UBND tỉnh phê duyệt nên các trường phải lấy cho đủ số chỉ tiêu. Trong quy chế kỳ thi không có ngưỡng hạn chế nên các trường vẫn có thể tuyển đủ học sinh theo chỉ tiêu”- ông Đức cho biết.

Nói về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, ông Phạm Việt Đức phân tích: Kỳ thi được Sở tổ chức hàng năm là phương thức để các trường có ĐKDT vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh tuyển chọn đầu vào. Mặt khác, kỳ thi cũng nhằm khảo sát năng lực đầu vào THPT, đồng thời đánh giá chất lượng dạy - học ở THCS trong tỉnh đang ở mức nào để Sở điều chỉnh kế hoạch dạy và học của các cơ sở giáo dục sao cho phù hợp;

Đây cũng chính là lý do nhiều tỉnh ở vùng miền khó khăn, không tổ chức kỳ thi này mà dùng phương thức xét tuyển đối với các trường THPT đại trà, chỉ tuyển sinh đối với các trường chuyên biệt, như: THPT chuyên, trường PTDTNT THPT.

“Trong việc tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức các kỳ thi, trong đó có thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nếu địa phương nào không có áp lực tuyển sinh đầu cấp hoặc nhận thấy xét tuyển thuận lợi hơn thi tuyển thì hoàn toàn có thể bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thay vào đó là dùng phương thức xét tuyển” – ông Đức khẳng định.

Có kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu kém

Thái Nguyên: Phân loại nhóm học sinh có điểm xét tuyển thấp để bồi dưỡng - Ảnh minh hoạ 2
 "Giáo dục THPT nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS..." - Luật Giáo dục 2005. Ảnh Minh họa, Việt Hà

Cũng theo Giám đốc Sở - Phạm Việt Đức: Các học sinh có ĐXT thấp đa phần là những học người dân tộc thiểu số, hoặc học sinh ở vùng sâu, vùng cao có điều kiện sinh hoạt, học tập thiếu thốn, đi lại khó khăn. Nhưng các em vẫn có nguyện vọng tiếp tục học lên THPT;

Các trường THPT vẫn còn chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp nên tuyển các em vào học là phù hợp với mục tiêu của giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục: “Giáo dục THPT nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”.

“Chính vì vậy, học sinh có nguyện vọng tiếp tục học lên THPT và kế hoạch tuyển sinh của các nhà trường vẫn thiếu, chẳng có lý do gì lại không tuyển các em. Trong khi đó, tuyển những học sinh vùng sâu, vùng xa vào học, các trường THPT cũng đồng thời làm tốt công tác nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài của ngành giáo dục tỉnh” - ông Đức khẳng định.

“Mặt khác là trên địa bàn huyện Đại Từ ngoài 3 trường THPT công lập, không có trường tư thục nào. Do vậy tuyển các em vào học là đúng, dù điểm thấp. Ngoài Trường THPT Đại Từ, còn 1 - 2 trường khác ở vùng khó khăn của tỉnh Thái Nguyên cũng phải lấy ĐXT đầu vào thấp, tuy không nhiều. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có kế hoạch bồi dưỡng những học sinh này sau khi các em vào học lớp 10 THPT” - ông Phạm Việt Đức chia sẻ thêm.

Đề cập ở góc độ chuyên môn, bà Phạm Thị Thúy Hồng - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Thái Nguyên - chia sẻ: Những trường vùng sâu, vùng xa, điểm đầu vào thường là thấp. Năm nay, một số trường công lập ở những vùng này của Thái Nguyên thậm chí con số ĐKDT còn ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Hầu hết các trường này đều ở vùng khó khăn, thuộc “vùng lõm” về chất lượng của giáo dục trong tỉnh.

“Sau kỳ tuyển sinh đầu cấp, Sở sẽ có chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục trình Sở phê duyệt. Trong đó việc phân loại nhóm học sinh có ĐXT thấp để có kế hoạch bồi dưỡng là một nhiệm vụ trọng tâm năm học.

Hằng năm, theo học kỳ, thậm chí theo tháng, kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu kém được các nhà trường điều chỉnh để có kế hoạch giảng dạy, PPDH phù hợp, phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy để giúp nhóm học sinh này tiến bộ; Sở thường xuyên kiểm tra kế hoạch này của các nhà trường nhằm đảm bảo củng cố chất lượng giáo dục của các trường THPT trên địa bàn tỉnh ” - bà Hồng cho biết.

Tác giả bài viết: Bá Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại474,408
  • Tổng lượt truy cập51,830,367
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944