Xây dựng kịch bản đón sinh viên
Hiện tại, phần lớn các trường đại học tại Hà Nội vẫn đang tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên. Tuy nhiên, việc đón sinh viên quay trở lại các trường trong thời gian tới như thế nào là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đơn vị này đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để đón sinh viên quay lại trường.
Thứ nhất, nhà trường sẽ thu thập thông tin của toàn bộ sinh viên ở các vùng xanh, vùng vàng, vùng da cam và vùng đỏ, số liệu này phải được cập nhật 24h một lần. Trong đó, số em đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 là bao nhiêu, số lượt tiêm, tiêm loại nào. Trường sẽ căn cứ vào đó để có sơ loại ban đầu.
Thứ hai, trường chuẩn bị các điều kiện về vệ sinh phòng dịch như giảng đường, kí túc xá, nước sát khuẩn, khẩu trang. Đặc biệt, ĐH Sư phạm Hà Nội dành ra hai tầng của một tòa nhà để làm khu cách ly tạm thời nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ.
Thứ ba, thông báo thông tin thường xuyên với sinh viên khi các em trở lại trường. Đối với những trường hợp ở trọ bên ngoài, nhà trường sẽ có những hướng dẫn qua nhiều kênh để các em thực hiện đúng các quy định về phòng dịch theo chỉ đạo của thành phố, ngành y tế.
Thứ tư, trường sẽ liên hệ với các cơ sở y tế để chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các em có đủ điều kiện. GS. Minh cho rằng, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin với người từ đủ 18 tuổi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt cao. Tuy nhiên, với các tỉnh thành khác thì số lượng còn khá thấp.
Về lộ trình triển khai, nếu được thành phố cho phép, với các sinh viên đáp ứng yêu cầu, nhà trường sẽ có phương án tập trung trước với sinh viên thực tập, các em học năm thứ nhất và năm thứ 4; còn lại sẽ học online và tập trung sau khi đủ điều kiện an toàn.
"Không sợ nhưng phải thận trọng"
Đó là nhận định của PGS.TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội khi nói về việc xây dựng phương án đón sinh viên quay trở lại học trực tiếp. Trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà trường đã thực hiện kết hợp cả đào tạo trực tuyến và trực tiếp tùy từng giai đoạn.
Nhấn mạnh tới sự khó lường của dịch, hiện tại Hà Nội đang khá an toàn nhưng nếu tiếp nhận cùng lúc hàng trăm nghìn sinh viên từ các tỉnh/thành lên học thì cần phải tính toán kỹ. Chúng ta không sợ nhưng phải thận trọng. Hơn nữa, tỉ lệ tiêm phủ vắc xin cho người dân ở các tỉnh ngoài Hà Nội cũng còn khá hạn chế.
"Ngay cả ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An quê tôi, mới chỉ phủ được vắc xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch thôi, các đối tượng khác còn khiêm tốn lắm. Khái niệm vùng xanh, vùng đỏ cũng chỉ là tương đối và chỉ đúng ở từng thời điểm. Ta phải chuẩn bị trước các phương án, nhất là đón sinh viên trở lại trường", ông Quý cho biết.
PGS.TS Trần Đức Quý cho rằng, mỗi trường sẽ có phương án riêng để phù hợp với điều kiện thực tế. Trường thuộc vùng ngoại thành khác với trường thuộc vùng nội thành.
Với trường nào thuộc vùng xanh thì lớp nào thực tập, khóa nào ra trường thì gọi lên thực tập trả nợ cho xong rồi sẽ cho nghỉ. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là đơn vị vẫn hoàn thành tiến độ việc cho sinh viên ra trường. Muốn vậy nhà trường phải linh hoạt trong đào tạo và đánh giá sinh viên.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nếu duy trì hình thức dạy học online trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của cả thầy và trò.
Ông Tuấn cho biết, để tổ chức một hoạt động ngoại khóa hay diễn đàn của sinh viên trên mạng vất vả hơn rất nhiều so với việc tổ chức ngoài thực tế. ĐH Ngoại thương là một trong số các trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
"Nếu được phép, dự kiến từ ngày 15/11, chúng tôi sẽ đón 50% sinh viên trở lại trường học trực tiếp, còn lại sẽ tiếp tục học online để đảm bảo chương trình cũng như yêu cầu về phòng dịch", Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương thông tin.
Nếu chúng ta quá rụt rè và cái gì cũng sợ thì không thể tổ chức được bất cứ việc gì cả. Nhưng nếu ta làm theo hướng mạnh quá, cởi mở quá thì cũng không được. Do đó, chúng tôi cũng quán triệt tới các bộ phận theo tinh thần chỉ đạo chung, là làm mạnh dạn nhưng phải đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.
Trường cũng kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của trường. Đồng thời, xây dựng các kịch bản phương án khác nhau để đối phó với các tình huống có thể xảy ra tại trường. Qua khảo sát sơ bộ, tỉ lệ sinh viên của trường đã tiêm vắc xin mũi 1 được khoảng 54%, tiêm mũi 2 được 29%.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ rà soát lại điều kiện về cơ sở vật chất. Phòng học, máy móc, thiết bị đều phải rà soát lại và sửa chữa nếu cần thiết. Kí túc xá của trường cũng đang được trưng dụng làm khu cách ly của quận. Nếu tình hình dịch được cải thiện, trường sẽ làm công văn đề nghị UBND quận bàn giao lại kí túc xá cho nhà trường.