Đại học công lập chuyển sang tự chủ tài chính: Tăng học phí đi liền chính sách hỗ trợ

Thứ sáu - 29/10/2021 06:14 1.576 0
GD&TĐ - Tự chủ đại học là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Đại học công lập chuyển sang tự chủ tài chính: Tăng học phí đi liền chính sách hỗ trợ

Thực hiện cơ chế tự chủ, tăng học phí giúp các trường ĐH công lập có cơ hội đầu tư cho chất lượng đào tạo nhưng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho người học khó khăn bằng các chính sách miễn giảm, hỗ trợ chi phí. 

Học phí và chất lượng đào tạo

Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) vừa công bố đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ từ năm học 2022 - 2023. Theo đề án, mức học phí hệ đại trà dự kiến dao động từ 16 - 24 triệu đồng/năm, hệ chất lượng cao là 60 triệu đồng/năm.

Trước đó, trong đề án tuyển sinh công bố khi chuyển sang cơ chế tự chủ, mức học phí năm học 2021 - 2022 của Trường ĐH Bách khoa TPHCM là 24 triệu đồng/năm với hệ đại trà và 27,5 triệu đồng/năm vào năm 2023. Với hệ chất lượng cao tùy ngành mức học phí sẽ từ 50 - 66 triệu đồng/năm.

Hay như Trường ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM khi chuyển sang cơ chế tự chủ mức học phí cũng tăng lên 50 - 80%. Hiện, mức học phí hệ đại trà của 2 trường trên dao động từ 17 - 22 triệu đồng đồng/năm. Học phí chương trình chất lượng cao, chương trình đặc thù dao động từ 22 - 36,3 triệu đồng/năm.

Việc các trường đại học công lập đang nhận hỗ trợ ngân sách đào tạo, chuyển sang tự chủ (tự thu - tự chi) và tăng học phí, theo nhiều cán bộ quản lý là chuyện không thể khác nhằm  bảo đảm chất lượng đào tạo, gia tăng phúc lợi, dịch vụ phục vụ sinh viên cũng như bảo đảm nguồn lực nhất định để tái đầu tư cho cơ sở vật chất, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH)…

Đại học công lập chuyển sang tự chủ tài chính: Tăng học phí đi liền chính sách hỗ trợ - Ảnh minh hoạ 2
Một góc không gian trong thư viện hiện đại của HUFI.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhìn nhận: Cơ chế tự chủ mang lại cho trường sự thay đổi rất lớn. Ngoài việc có hệ thống cơ sở vật chất (thư viện, phòng thí nghiệm, giảng đường) hiện đại, các phúc lợi chăm sóc cho sinh viên, người lao động đều tốt hơn trước rất nhiều.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, một đơn vị đại học muốn nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới hội nhập với quốc tế thì chính sách đầu tư vật chất, thu hút nhân tài không thể không thực hiện. Mà muốn thực hiện tốt điều đó trong bối cảnh người giỏi ít, ngoài môi trường học thuật, NCKH tốt, hiện đại thì cơ chế đãi ngộ phải tốt.

“Học phí vì thế buộc phải biến động theo cơ chế trượt giá của thị trường. Tất nhiên, không thể mượn danh tự chủ để tăng học phí một cách vô tội vạ (phải thực hiện theo NĐ 81/2021), nhưng về cơ bản bất cứ trường nào theo cơ chế tự chủ buộc phải bảo đảm bài toán cân đối thu chi nhằm tạo sự phát triển mang tính bền vững cho nhà trường”, PGS.TS Xuân Hoàn nói.

GS.TS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM thì cho rằng đã đến lúc người học cần chấp nhận việc trả một mức phí cao hơn khi theo học tại các trường công hoạt động theo cơ chế tự chủ là điều bình thường, coi đây là khoản đầu tư cho chính tương lai của mình. Bởi theo GS Hà, nói đến tự chủ mà không tăng học phí, rất khó để có một chất lượng đào tạo tương xứng.

“Tự chủ sẽ giúp nguồn thu của các trường tăng lên. Trường có cơ hội trích lập các khoản tài chính để tái đầu tư cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển nhà trường.

 Quan trọng hơn, khi nguồn thu đảm bảo và ổn định, lợi ích và phúc lợi phục vụ cho người học sẽ tốt hơn: Chính sách hỗ trợ, học bổng sẽ nhiều và đầy đủ… nhằm bảo đảm nguyên tắc học phí tăng đi kèm với tăng chất lượng, gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho sinh viên sau khi ra trường bằng việc ngưỡng, chuẩn đầu ra cao hơn”, GS Hà chia sẻ. 

Đại học công lập chuyển sang tự chủ tài chính: Tăng học phí đi liền chính sách hỗ trợ - Ảnh minh hoạ 3
Nhờ đổi mới cơ chế tài chính mà HUFI có được hệ thống cơ sở vật chất, thư viện hiện đại. 

Nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho sinh viên khó khăn

Điều mà phụ huynh và xã hội băn khoăn nhất trong câu chuyện học phí trường công theo cơ chế tự chủ tăng mạnh là cơ hội học tập của sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thực tế cho thấy, thời gian qua các trường tư chủ đã quan tâm vấn đề này, không để sinh viên nào bị “bỏ lại”, không thể tiếp tục học vì khó khăn.

ThS Trần Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho biết: Trong đề án, bên cạnh việc tăng học phí để bù đắp phần nào phần chi phí thường xuyên không được nhận từ ngân sách Nhà nước, nhà trường có nhiều giải pháp để hỗ trợ người học.

Nhà trường đã nghiên cứu và xây dựng mức học phí phù hợp với ngành đặc thù. Song song đó, trường có chương trình khuyến học, khuyến tài do các nhà tài trợ và đơn vị đồng hành hỗ trợ cho sinh viên khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội học tập. Ở cấp ĐHQG, Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia có chương trình tín dụng học tập lãi suất 0%, nhà trường cũng có chính sách học bổng dành cho chương trình đặc thù theo lộ trình phù hợp.

“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng tính toán phù hợp trong việc trích lập nguồn lực từ học phí để chăm lo cho người học, chúng tôi tin sẽ không có bất cứ sinh viên nào khó khăn về tài chính mà phải gián đoạn việc học”, ThS Trần Nam nói.

Tự chủ từ năm 2021, Trường ĐH Kinh tế - Luật trích lại tối thiểu 8% nguồn thu từ học phí cho vào quỹ học bổng sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường còn chuẩn bị một nguồn quỹ đồng hành (đã huy động được gần 5 tỉ đồng) dành cho sinh viên khó khăn vay không lãi suất suốt bốn năm học.

Tương tự, dù học phí năm học mới vẫn giữ ổn định nhưng nhiều năm nay, Trường ĐH Kinh tế TPHCM-UEH luôn dành khoản trích lập rất lớn (hàng chục tỉ đồng) từ nguồn thu học phí, hỗ trợ của doanh nghiệp cho thêm vào Quỹ học bổng nhằm hỗ trợ sinh viên thuộc diện chính sách, học giỏi vượt khó, tài năng…  Mức hỗ trợ học bổng tối đa là 100% học phí.

Ngoài ra, trường cũng đặc biệt quan tâm và hỗ trợ cho sinh viên khó khăn, khuyết tật đang theo học tại trường. Năm học 2021 - 2022, UEH chủ động xét, cấp các suất học bổng 100% dành cho sinh viên khuyết tật nặng và 50% dành cho sinh viên khuyết tật nhẹ. Ngoài ra, người học khuyết tật học tập tại UEH được tặng thêm 1 triệu đồng/năm cho việc mua sắm các dụng cụ học tập cá nhân.

“Trước khi tự chủ, nguồn lực cho học bổng, hỗ trợ sinh viên khó khăn chỉ hơn 11 tỉ đồng/ năm. Từ khi tự chủ con số này tăng lên 21 tỉ đồng, rồi 24 - 30 tỉ đồng/năm. Riêng năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngoài việc thực hiện chính sách song hành với người học, miễn giảm học phí trong năm học mới, nhà trường cũng dành một khoản khá lớn để xét miễn giảm cho sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Vì vậy, tổng các nguồn lực dành chi hỗ trợ cho sinh viên khó khăn năm 2021 lên tới gần 40 tỉ đồng. Đây là minh chứng rõ nét cho sự chủ động rất lớn mà cơ chế tự chủ mang lại”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1394 | lượt tải:304

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1127 | lượt tải:292

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2416 | lượt tải:381

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2913 | lượt tải:482

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2233 | lượt tải:324
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập365
  • Hôm nay21,509
  • Tháng hiện tại110,926
  • Tổng lượt truy cập50,659,302
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944