Người “đưa đò” cần mẫn
Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (nay thành ĐH UEH) kỉ niệm 45 năm thành lập thì Nhà giáo Nhân dân (NGND) Võ Thanh Thu đã có 44 năm đứng lớp và giảng dạy tại ngôi trường này.
Sự gắn bó bền bỉ của cô không chỉ minh chứng rõ nét cho sự tâm huyết của người mang nghiệp “đưa đò”, mà nó còn cho thấy sự tận tụy đến bền bỉ của một Nhà giáo khi bước qua bao nhiêu biến chuyển, thời cuộc của đất nước.
Năm 1977, sau khi học 5 năm tại Liên Xô cô được Bộ GD&ĐT phân công vào làm công tác giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM với nhiệm vụ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho miền Nam sau giải phóng.
“Một giảng viên mà không gắn với nghiên cứu thì giống như người “thợ giảng”, tính mới và tính thực tiễn trong nội dung giảng dạy bị hạn chế. Chỉ có nghiên cứu mới giúp tính khoa học và tính thực tiễn của bài giảng tăng lên. Bởi việc tham gia nghiên cứu nhiều sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác phản biện chính sách của Đảng và Nhà nước ở các cấp quản lý, đóng góp nhiều hơn cho đời sống-xã hội.
Vì lẽ đó suốt những năm theo đuổi nghiệp “đưa đò” điều tôi luôn căn dặn sinh viên của mình là phải biết hài hòa trong học tập và nghiên cứu. Phải luôn chủ động tìm tòi và khai phá những điều mới mẻ từ trong chính những bài giảng lý thuyết khô khan nhằm làm mới kiến thức và tư duy của mình”- GS Võ Thanh Thu chia sẻ.
Nhận nhiệm vụ cô luôn cố gắng làm thật tốt vai trò của một Nhà giáo qua từng tiết dạy, giờ nghiên cứu khoa học và không ngừng nâng cao ngiệp vụ sư phạm cho bản thân. Vừa giảng dạy vừa song hành hoạt động NCKH suốt chiều dài sự nghiệp trong lĩnh vực chuyên sâu về thương mại Quốc tế, Xuất nhập khẩu, Quan hệ Quốc tế, thương mại Quốc tế và đầu tư quốc tế…
Cô không chỉ vun đắp kiến thức cho bao nhiêu thế hệ sinh viên của mình mà còn xuất bản trên 20 đầu sách, hơn 100 bài báo khoa học và hơn 30 công trình nghiên cứu cấp Tỉnh, cấp Bộ và Nhà nước…,gián tiếp xây dựng kho học liệu chuyên sâu vào lĩnh vực mình đang giảng dạy, nghiên cứu cũng như góp phần cải thiện cơ chế chính sách, chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, TP và Vùng kinh tế phía Nam.
44 năm miệt mài giảng dạy và NCKH, điều mà NGND Võ Thanh Thu luôn đau đáu trăn trở chính là xây dựng và kiến tạo được một môi trường học tập đa dạng, có tính tương tác giữa lý thuyết và thực tiễn tốt nhất cho sinh viên.
Để nâng cao khả năng học tập của sinh viên, khi giảng dạy hay làm NCKH, NGND Võ Thanh Thu luôn cố gắng cho sinh viên, giảng viên trẻ của mình cùng tham gia. Bởi theo cô, sự cọ sát và trải nghiệm khoa học thường xuyên sẽ giúp sinh viên, giảng viên trẻ hay nghiên cứu sinh có thêm kiến thức, kinh nghiệm phản biện để trưởng thành.
“Phải trải nghiệm thực tế nhiều thì các em mới có thể trưởng thành và thành công. Với tôi, vai trò và vị trí của người giảng viên phải luôn là bệ đỡ cho học trò mình. Thành công của các em cũng chính là thành công của mình, là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của người gieo những “hạt mầm” khoa học”- NGND Võ Thanh Thu nói
Giáo dục đại học đang có cơ hội “cất cánh” hơn lúc nào hết
Chính bởi tư duy luôn mới mẻ và tích cực như vậy nên trong suốt sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh của mình, GS Võ Thanh Thu không bao giờ bị “lạc nhịp” trước những biến chuyển của thời cuộc và sự đòi hỏi ngày càng cao của môi trường GD Đại học.
Cô không chỉ là người giỏi chuyên môn mà còn là một giảng viên có sự chủ động trong đổi mới, ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy khá sớm ở trường. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, phù hợp bối cảnh dịch Covid-19 suốt 2 năm nay, ngoài giảng dạy bằng phương pháp truyền thống, NGND Võ Thanh Thu còn tận dụng tối đa của phương pháp trực tuyến (LMS) thông qua các giảng dạy, hướng dẫn luận văn cho tất cả các hệ giảng: tiến sĩ, giảng thạc sĩ và cử nhân từ xa.
NGND Võ Thanh Thu cho biết: giáo dục đào tạo đại học khác với đào tạo học sinh phổ thông. Vì vậy, khi giảng dạy đại học giảng viên chỉ nên giới thiệu các kiến thức nền, giới thiệu khung nội dung của vấn đề, cung cấp tài liệu và danh sách tài liệu tham khảo, khuyến khích sinh viên tự nghiên cứu, thực hiện thảo luận, bình luận.
“Điều quan trọng là giảng viên phải khơi mở được tư duy tìm tòi nơi sinh viên Đối với các lĩnh vực kinh tế, kiến thức hôm nay trao cho sinh viên hôm nay có thể mới, nhưng ngày mai sẽ lạc hậu. Nếu giảng viên chỉ quan tâm trao kiến thức cụ thể mà ít trao phương pháp, khuyến khích tự học, tự nghiên cứu của sinh viên thì chất lượng nguồn nhân lực ít đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Quan trọng hơn, hạn chế về sự năng động, tư đổi mới và bổ sung kiến thức, hay ứng dụng sáng tạo kiến thức trong thực tế sẽ khiến sinh viên thui chột đi khả năng sáng tạo và nghiên cứu của mình”-NGND Võ Thanh Thu nói.
Hiện nay, ngoài giảng dạy chính quy, NGND Võ Thanh Thu còn tham gia các lớp giảng dạy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực Nam Bộ như: Lớp CEO cao cấp cho các trung tâm huấn luyện tại TPHCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Nai, Long An…. việc này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ở các tỉnh phía Nam.
NGND Võ Thanh Thu nhìn nhận, hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay đang có cơ hội rất lớn để “cất cánh” và chuyển mình khi các trường ĐH đang đầu tư rất mạnh cho công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, thư viện nối kết toàn cầu. Ngoài ra các trường còn đang sở hữu một lực lượng giảng viên trẻ, nhà khoa học có chuẩn trình độ cao và hàm lượng khoa học tốt khi họ được đào tạo bài bản từ nhiều nước tiên tiến.
Đặc biệt là họ rất năng động, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu. Cộng thêm chính sách tốt cho đội ngũ của nhiều trường đại học đã giúp giảng viên, nhà khoa học toàn tâm, toàn ý cho giảng dạy và nghiên cứu. Họ yêu nghề hơn, yêu sinh viên của mình nhiều hơn, tâm huyết và hát vọng nhiều hơn.