Thi KHKT cho học sinh trung học: Phần tất yếu của đổi mới giáo dục

Thứ tư - 31/03/2021 00:31 278 0
GD&TĐ - Học sinh, nhà giáo và chuyên gia đều khẳng định việc Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là cần thiết.
Thi KHKT cho học sinh trung học: Phần tất yếu của đổi mới giáo dục

Đây là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng lực sáng tạo; thúc đẩy đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Kiến thức quý báu cho thầy và trò

Trong 3 ngày (từ 25 - 27/3), tại Thừa Thiên - Huế, Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (Cuộc thi) năm học 2020 – 2021.  Mục đích Cuộc thi là khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật và vận dụng kiến thức của môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Hoạt động này góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; thực hiện giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán. Sau thời gian dài tổ chức, ý nghĩa tích cực của cuộc thi này ngày càng được ghi nhận.

Là Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi năm học 2020 - 2021, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế  khẳng định: Đây là hoạt động giúp học sinh làm quen và đam mê lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Ông Nguyễn Tân cho rằng: Vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn là một trong những mục tiêu hình thành năng lực cho học sinh phổ thông. Các trường phổ thông triển khai hoạt động dạy - học và trải nghiệm dưới nhiều hình thức phong phú; trong đó có tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật để nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, bước đầu giúp học sinh nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh giáo dục STEM...

“Qua theo dõi hoạt động này ở cơ sở, Ban tổ chức nhận thấy tinh thần dám nghĩ, dám làm để tiến thân vào con đường khoa học của học sinh. Cuộc thi tại cơ sở cũng phản ánh được tiềm năng sáng tạo phong phú, thiết thực trên nhiều lĩnh vực của học sinh phổ thông, mà những người làm công tác giáo dục, khoa học không thể không chú ý khơi gợi, phát triển. Với các trường, Cuộc thi góp phần thúc đẩy mạnh hơn đổi mới dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện mục tiêu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Cuộc thi đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo, thực hành trong tổ chức dạy học; là nền móng để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong thế hệ trẻ. Có thể nói, đây là hoạt động trải nghiệm không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn của nhà trường” – ông Nguyễn Tân nhận định.

Từng tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật, Nguyễn Minh Thư, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết em đã học hỏi được rất nhiều; trong đó có tăng kỹ năng làm việc nhóm, tự nghiên cứu. Sản phẩm nghiên cứu của Minh Thư và bạn học - máy ATM đa năng – đã giành giải Nhì thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; đồng thời được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.

Chia sẻ góc nhìn từ trường ĐH, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa – cho biết: Nhà trường chú trọng trải nghiệm, đổi mới sáng tạo. Trải nghiệm tốt nhất là học sinh chủ động, tích cực tham gia các dự án, trực tiếp giải quyết những vấn đề thực tiễn. Việc các em tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học chính là cơ hội để trải nghiệm, từ đó phát huy sự sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và hình thành tinh thần đồng đội. Đây là những phẩm chất vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

“Năm nay, Trường ĐH Phenikaa hỗ trợ 2 đội thi đến từ Trường THPT chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên và Trường THPT chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn. Hai dự án đã giành giải Nhì và giải Ba Cuộc thi khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc vừa tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Thực tế cho thấy, qua quá trình triển khai dự án, kiến thức thu được với cả thầy và trò đều rất quý báu. Học sinh được đến Trường ĐH Phenikaa thực hiện các thí nghiệm, tiếp xúc với  trang thiết bị hiện đại, được nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực các em quan tâm. Qua đó cũng tác động tích cực đến định hướng nghề nghiệp của học sinh” – PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ.

Thi KHKT cho học sinh trung học: Phần tất yếu của đổi mới giáo dục - Ảnh minh hoạ 2
Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là sân chơi bổ ích cho mỗi người học.

Cơ hội cho người học

Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, việc Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học là cần thiết, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh; tạo điều kiện phát triển giáo dục STEM... Các biểu hiện tiêu cực (nếu có) chỉ là hiện tượng cá biệt, không phải là bản chất của Cuộc thi.

Tuy nhiên, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cũng cần có biện pháp cần thiết, khả thi để kiểm tra, sàng lọc các ý tưởng đã tham gia. Theo đó, các đơn vị tham dự phải tự rà soát và chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT về dự án dự thi. Bộ GD&ĐT nên công bố các dự án dự thi (tên, lĩnh vực, tóm tắt cấu tạo, cách vận hành...) trước thời gian tổ chức cấp quốc gia 1 tuần để đơn vị tham gia rà soát, phát hiện dự án trùng lắp,...

Góp ý để Cuộc thi hiệu quả hơn, PGS Nguyễn Phú Khánh cho rằng: Nên có sự gắn bó khăng khít hơn nữa giữa trường ĐH và phổ thông để tận dụng tối đa nguồn lực và kinh nghiệm từ trường ĐH; từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn nữa cho học sinh.

Đưa ý kiến từ cơ sở, ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thái Thụy, Thái Bình, cho rằng: Giáo dục là một quá trình. Sản phẩm giáo dục có được là do quá trình học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Với hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kỹ thuật, ngay từ đầu không thể có chuyện học sinh tự làm được, mà tất yếu phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên. Trong việc này, bởi vậy đòi hỏi cao sự kiên trì của mỗi giáo viên, từng nhà trường. Khi tham gia, chắc chắn học sinh sẽ được củng cố, thậm chí được cung cấp thêm một lượng kiến thức nhất định về toán, kỹ thuật, công nghệ… Các em có thói quen, kỹ năng tốt hơn khi giải quyết vấn đề thực tiễn. Dù Cuộc thi đâu đó còn có hạn chế, nhưng chúng ta cần có giải pháp quản lý hoạt động này tốt hơn chứ không phải là dừng lại; trước hết là từ trách nhiệm của mỗi giáo viên làm công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

Quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm của mỗi giáo viên hướng dẫn, nhà trường, sở GD&ĐT. Từ đó, không làm sai lệch mục đích cũng như ý nghĩa của cuộc thi. “Ý nghĩa của Cuộc thi góp phần giáo dục phát triển học sinh toàn diện trong bối cảnh đổi mới giáo dục là không thể phủ nhận” – ông Nguyễn Tân nhấn mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập826
  • Hôm nay55,852
  • Tháng hiện tại333,982
  • Tổng lượt truy cập51,689,941
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944