Điểm chuẩn tăng đều
Năm nay, ngoài nhóm ngành Khoa học Máy tính, Máy tính & Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật Cơ điện tử… có điểm chuẩn tăng mạnh, khối ngành Kinh tế cũng ghi nhận sự lên ngôi của nhiều ngành như: Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đối ngoại, Thương mại điện tử…
Đáng chú ý, khối trường XH&NV năm nay cũng ghi nhận sự tăng điểm lớn khi 2/3 số ngành có điểm chuẩn tăng so với năm 2019. Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tăng từ 1 - 3 điểm đều ở các ngành, trong đó ngành Báo chí có điểm chuẩn lên tới 27,50 điểm, ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, ngành Truyền thông đa phương tiện có điểm trúng tuyển trên 27 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển vào ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cũng tăng mạnh. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) có điểm chuẩn tới 28,50 điểm, ngành Đông Phương học (C00) đến 29,75 điểm, ngành Hàn Quốc học 30 điểm. Nhóm ngành Tâm lý học, Quản trị Văn phòng, Công tác xã hội, Quan hệ công chúng… xét theo tổ hợp C00 cũng có điểm trúng tuyển từ 28 - 29 điểm.
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông & Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, việc điểm chuẩn các trường năm nay tăng cao, đặc biệt ở nhiều ngành vốn dĩ có sức hút mạnh sẽ khiến không ít thí sinh dù điểm thi không thấp, cũng phải ngậm ngùi rời cuộc đua chờ cơ hội ở việc xét tuyển các nguyện vọng sau.
Cân nhắc khi xét tuyển bổ sung
Theo lịch tuyển sinh đại học năm 2020 của Bộ GD&ĐT, các trường phải công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 5/10. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 10/10. Sau thời gian này, nếu thí sinh không xác nhận nhập học, trường sẽ hủy kết quả trúng tuyển. Các trường còn chỉ tiêu có thể tiếp tục xét tuyển bổ sung. Những thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích đợt 1 vẫn còn cơ hội để tìm kiếm cơ hội ở đợt sau.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin & Tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, “cánh cửa” trúng tuyển vào ngành học hot thí sinh chọn lựa ban đầu là không nhiều. Bởi ngoài việc chỉ tiêu nếu còn cũng sẽ rất ít và điểm chắc chắn sẽ không thể thấp hơn. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ khi xét nguyện vọng bổ sung.
“Các em có thể chọn những ngành, trường có đặc điểm na ná ngành mình thích, thuộc tốp dưới để xét, thay vì cứ theo đuổi mục tiêu xa tầm với của mình, tránh việc mất cả chì lẫn chài” - Thạc sĩ Quán nói.
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông & Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, sở hữu điểm thi đến 26 - 27 điểm, nhiều em khá tự tin vào cơ hội trúng tuyển của mình. Tuy nhiên, do năm nay đề thi được đánh giá dễ, đồng nghĩa với việc điểm chuẩn trúng tuyển nhiều ngành các trường tăng mạnh (tăng trung bình 3 - 4 điểm) nên việc thí sinh vì quá tự tin vào điểm thi mà không tính đến các yếu tố khác để rồi rớt là không hiếm.
PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM nhìn nhận: “Điểm chuẩn tăng được dự báo từ sớm, công tác tư vấn và định hướng cho thí sinh cũng được các trường làm rất kỹ, với lời dặn nhắc đi nhắc lại: Kỹ lưỡng, không được chủ quan và phải sát với điểm thi của mình. Tuy nhiên, nhiều thí sinh dù đã thận trọng nhưng vẫn không thể lường hết được mức tăng cao của điểm chuẩn khiến bị loại. Do đó, ở các nguyện vọng sau, thí sinh cần phải lựa chọn thật kỹ ngành và trường mình theo học. Ngoài việc căn mức điểm, tỷ lệ chỉ tiêu còn lại của từng ngành học, từng trường, cần xác định rõ một mục tiêu (1 trường) hướng đến để tránh bị phân tâm”.
Trường ĐH Sài Gòn, điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Toán 26,18, Sư phạm Hóa 24,98, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử có ngưỡng điểm từ 22,50 - 24,25. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 dao động từ 25 - 31, trong đó, ngành Giáo dục Tiểu học có điểm trúng tuyển đến 31 điểm…