Tự chủ đồng nghĩa với dễ dãi?
Hai năm trở lại đây, nhất là khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực, việc tự chủ trong tuyển sinh của các trường ngày càng thoáng hơn, công tác tuyển sinh được mở rộng hơn (tăng phương thức xét tuyển) đã gián tiếp gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.
Mùa tuyển sinh 2019 và 2020 nhiều trường đã không ngần ngại đẩy mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét học bạ THPT lên tới 30 - 40%, thậm chí trong năm 2020 (ảnh hưởng của dịch Covid-19), đề án tuyển sinh của nhiều trường thông báo với Bộ GD&ĐT đã đẩy chỉ tiêu xét điểm phương thức học bạ ở mức 70% tổng chỉ tiêu. Điều đáng nói, yêu cầu điểm bảo đảm tối thiểu theo phương thức trên được nhiều trường đưa ra khá thấp, từ 6,0 - 6,5 là đủ điều kiện xét tuyển.
Nhìn lại mùa tuyển sinh năm 2018 và 2019, chúng ta có thể thấy, vì mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu, không ít trường gần như buông lỏng điểm xét đầu vào khi chỉ cần điểm thi trung bình mỗi môn 3,5 điểm có thể đi học đại học.
Đánh giá về vấn đề trên, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng ĐH FPT cho rằng: Khi tự chủ trong tuyển sinh, các trường có thể chọn phương án chất lượng hoặc số lượng. Nếu chọn chất lượng, trường đó sẽ ấn định mức điểm nhận hồ sơ cao ngay từ đầu nhằm sàng lọc nguồn tuyển, và tất nhiên sẽ phải đối mặt với việc có thể tuyển không đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, khi chọn chất lượng, trường có thể gặp khó khăn ban đầu nhưng khi định hình được uy tín trong xã hội trường sẽ có học sinh tìm đến. Còn nếu trường chọn số lượng, chất lượng không bảo đảm, sớm muộn xã hội cũng phát hiện. Lúc đó, việc tuyển sinh càng khó.
“Việc các trường hạ thấp đầu vào sẽ xảy ra 4 khả năng: Đầu vào thấp đầu ra sẽ thấp; Đầu vào thấp, sau quá trình học, sinh viên không thể ra được trường; Đầu vào thấp vì ngành học không cần đầu vào cao; Đầu vào thấp, trường dạy tốt thì nhân lực đầu ra tốt.
Nếu khả năng 1 xảy ra, xã hội sẽ phải gánh chịu, còn ở giả thiết thứ 2 tất yếu sẽ là sự lãng phí cho cả gia đình và xã hội. Nếu khả năng thứ 4 xảy ra, trường đó phải là một trường có đội ngũ và chất lượng đào tạo rất tốt. Còn thực tế, phần đông các trường (cả công và tư) vẫn đang chạy theo số lượng, tìm cách tuyển đủ chỉ tiêu như kế hoạch. Điều này dẫn đến một số trường hạ điểm chuẩn, thậm chí xuống rất thấp để tuyển cho đủ, hệ lụy là tự làm khó mình” - TS Tùng nói.
Cái giá phải trả
Nhắn tin đến từng học sinh mời chào nhập học, gửi giấy trúng tuyển hàng loạt sau khi xét học bạ THPT là cách tuyển sinh của một số trường đại học ngoài công lập đang áp dụng. Thậm chí, năm nay nhiều trường còn áp dụng giải pháp khuyến mãi như tặng điểm, tặng tiền, laptop cho thí sinh nộp tiền học phí và xác nhận nhập học sớm.
Quan điểm hạ điểm chuẩn tuyển sinh để hướng tới mục tiêu tuyển đủ kế hoạch năm đã khiến không ít trường phải “ôm hận”. Bài học của các trường ĐH: Phạm Văn Đồng, Đông Á, Xây dựng miền Tây, Xây dựng miền Trung trong mùa tuyển sinh năm 2017, 2018 là một ví dụ. Hệ lụy của việc thả cửa đầu vào đại học mà các trường phải đối diện là tỉ lệ sinh viên rơi rụng cao trong quá trình học tập, gây lãng phí lớn cho xã hội; nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…
Theo TS Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa TPHCM (BKC), việc mà đơn vị phải đối mặt đầu tiên khi có điểm sàn thấp chính là chất lượng nguồn tuyển thấp. Nguồn tuyển thấp chắc chắn áp lực trong đào tạo của đơn vị sẽ rất lớn.
“Sinh viên học xong ra trường mà không có việc làm rõ ràng đó là một thất bại của đơn vị. Càng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm vì năng lực và kỹ năng nghề nghiệp yếu thì uy tín và thương hiệu đơn vị sẽ ngày một thụt lùi theo thời gian. Vì vậy, ở BKC chúng tôi xác lập rất rõ điều gì cần làm trong quá trình đào tạo cho sinh viên.
Sinh viên ngay từ năm nhất, ngoài việc học tập trong môi trường doanh nghiệp, trui rèn các kỹ năng thực tế của nghề từ người thầy là thợ cả, các em còn được đào tạo bổ sung nhiều mảng kiến thức xã hội. Mục tiêu chính của sinh viên sau ra trường là việc làm, tuyển sinh và đào tạo để rồi ra trường các em không có việc làm, rõ ràng trách nhiệm thuộc về chúng ta - những người thầy” - TS Phúc nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, các trường muốn phát triển bền vững phải tập trung chất lượng. Chạy theo số lượng có thể giải quyết khó khăn tạm thời nhưng gặp vấn đề lớn trong tương lai. Phát triển trường đại học là việc lâu dài. Vì vậy, một trường có thể tuyển sinh không đạt chỉ tiêu trong 1 - 2 năm nhưng hướng đi học thuật, chất lượng vẫn được bảo đảm và duy trì đó chính là nền tảng tốt để tạo đà cho các năm tiếp theo. Còn nếu vì số lượng để đánh đổi chất lượng không sớm thì muộn cũng sẽ mất đi thương hiệu. Mà quan trọng hơn là cam kết của nhà trường với xã hội về chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo. Mất đi cam kết này là mất hết” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện nói.