Nhìn vào đợt này có thể thấy, điểm đầu vào của các trường, các ngành năm nay tăng cao hơn so với năm 2020. Những ngành hot, trường tốp đầu vẫn tiếp tục giữ phong độ đỉnh cao, với mức tăng từ 0,3 - 1 điểm. Các trường tốp cuối dù mức điểm chuẩn xấp xỉ sàn nhưng cũng trội hơn năm ngoái.
Đáng chú ý điểm chuẩn năm nay tăng khá mạnh ở nhóm trường công lập chưa tự chủ tài chính. Trường ĐH Tài Nguyên Môi trường Hà Nội có rất nhiều ngành tăng 3 - 5 điểm như Marketing, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Quản trị khách sạn, trong đó đặc biệt ngành Luật tăng đến 9 điểm.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ngành Văn hóa học - Nghiên cứu văn hóa; ngành Thông tin thư viện có điểm chuẩn tăng từ 2 điểm. Trường Đại học Thủy lợi có ngành CNTT tăng 2,5 điểm. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM tăng tới 4,25 điểm với nhóm ngành Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng. Nhóm ngành Ngôn ngữ cũng ghi dấu với mức tăng khủng. Như ở Trường Đại học Mở Hà Nội ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tăng hơn 2 điểm. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ngành ngôn ngữ Anh điểm chuẩn tăng tới 4 điểm.
Điểm chuẩn tăng không ngoài dự đoán bởi năm nay có hơn 750 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển với 3,8 triệu nguyện vọng nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh không đổi. Trong lúc điểm thi năm nay cao hơn, đặc biệt là môn Tiếng Anh. Nhiều thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được quy đổi điểm cao, khiến tổng điểm xét tuyển các tổ hợp có chứa môn ngoại ngữ tăng theo.
Về phổ điểm, phần lớn tổng điểm 3 môn xét tuyển nằm trong khoảng từ 20 - 25 điểm. Do vậy, các ngành có mức 18 - 19 của những năm trước nay tăng thêm vài điểm cũng không có gì bất ngờ. Nhiều thí sinh giỏi có mong muốn đi du học nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, hiện vẫn xét tuyển ĐH trong nước, cũng góp thêm sự cạnh tranh.
Năm nay, các trường lại đa dạng hoá phương thức xét tuyển nhiều hơn, khiến chỉ tiêu tuyển xét từ điểm tốt nghiệp THPT ở nhiều trường giảm. Thí sinh đã biết cân nhắc lựa chọn các phương thức xét tuyển phù hợp với mình ở các đợt xét riêng trước đó.
Đáng chú ý, tự chủ đại học, nhiều trường tăng học phí nên những thí sinh học giỏi nhưng có điều kiện tài chính hạn chế đã chuyển hướng chọn trường công lập chưa tự chủ, nơi có mức học phí thấp nhất để theo học. Đó cũng là lí do khiến điểm chuẩn ở nhóm trường này tăng mạnh hơn, nhất là những ngành hot.
Trong khi đó, một số thí sinh khác có điều kiện kinh tế lại quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ học tập hơn là học phí, đã tập trung chọn các ngành học hấp dẫn của đại học tư thục, các chương trình chất lượng cao. Điểm chuẩn nhiều ngành ở nhóm trường/chương trình này như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics… nhiều nơi khá cao.
Những thí sinh trúng tuyển đang tự tin chuẩn bị nhập học. Nhưng những thí sinh chưa đạt kết quả như ý cũng không hẳn quá buồn vì vẫn còn nhiều cơ hội. Ngay trong thông báo trúng tuyển đợt 1 có nhiều trường ĐH thông tin tiếp tục xét tuyển bổ sung bằng điểm thi đợt 2 hoặc xét học bạ, đặc biệt là các trường tư thục, ĐH địa phương, các phân hiệu ĐH.
Đặc biệt, có rất nhiều trường trung cấp, cao đẳng vẫn rộng cửa đón thí sinh. Nhiều thí sinh mức điểm khiêm tốn, rớt đợt 1 cho biết, sẽ chọn liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên ĐH, con đường vòng ít chi phí, áp lực hơn, để tiếp tục hoàn thiện giấc mơ giảng đường.
Đợt 1 xét tuyển điểm thi tốt nghiệp đang dần chuẩn bị khép lại. Phương thức này vẫn tiếp tục chứng tỏ là lựa chọn của phần lớn học sinh và là phương thức tuyển sinh quan trọng của nhiều trường. Điểm chuẩn đợt 1 đã phản ánh đúng thực tế năng lực học tập cũng như xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh, cho thấy người học ngày càng thực tế hơn, thông minh hơn trong hướng nghiệp, hướng trường. Hiện thực này đòi hỏi các trường ĐH phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ, cạnh tranh cả về học phí để thu hút được thí sinh như mong muốn cả về chất và lượng.