Thoát ly văn mẫu: Đột phá từ kiểm tra, đánh giá

Thứ ba - 05/10/2021 03:31 307 0
GD&TĐ - Học sinh tham khảo văn mẫu để hỗ trợ cho quá trình học tập sẽ tốt. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc đến mức học thuộc lòng văn mẫu sẽ đi ngược lại với mục tiêu của môn học.
Thoát ly văn mẫu: Đột phá từ kiểm tra, đánh giá

Kỹ thuật ra đề sẽ hạn chế được tình trạng văn mẫu

Một giáo viên Ngữ văn thường xuyên đi chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT lớp 12 ở Đà Nẵng kể: “Cách đây gần chục năm, khi đi chấm thi vào lớp 10, rất dễ bắt gặp những bài thi mà phần mở bài và kết luận không khác gì nhau. Học sinh vẫn truyền tai nhau có những trung tâm luyện thi mà giáo viên cung cấp sẵn bài văn mẫu, sẽ có người dò bài để kiểm tra mức độ “nhuần nhuyễn” của học sinh”.

Tuy nhiên, khi Sở GD&ĐT Đà Nẵng thay đổi cách ra đề, những bài văn không bám sát, không hiểu được yêu cầu của đề, chép thuộc những đoạn văn mẫu bất kỳ có điểm rất thấp. Với cách học tủ, học thuộc văn mẫu, chỉ cần đề thi đòi hỏi học sinh phải có lập luận, so sánh giữa hai tác phẩm, hai đoạn trích, trình bày chính kiến, có tranh luận, phản biện sẽ gây khó cho thí sinh.

Thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Việc ra đề thế nào để hạn chế văn mẫu nằm trong khả năng của giáo viên và cũng tùy thuộc vào ý muốn của giáo viên ngay trong các đề kiểm tra đánh giá thường xuyên chứ không cần đến sự chỉ đạo chuyên môn của ban giám hiệu”.

Theo thầy Hòa, bản thân không phản đối việc học sinh đọc văn mẫu, vì đây là những chuẩn mực để học sinh hướng tới. Có lớp học, nếu học sinh có ý thức tốt, thầy Hòa cho học sinh sử dụng sách tham khảo để xem.

“Các em có thể lấy ý, luận điểm để làm bài. Nhưng tuyệt đối không được chép lại văn mẫu. Chỉ cần phát hiện ra trong bài có khoảng vài đoạn bê nguyên từ các bài văn mẫu, học sinh sẽ nhận điểm thấp” – thầy Hòa chia sẻ. Trong cung cấp tài liệu cho học sinh tham khảo, thầy Nguyễn Đình Hòa thường chọn những tài liệu chỉ triển khai dưới dạng gạch đầu dòng chứ không cung cấp những bài văn hoàn chỉnh. Bởi giữa các gạch đầu dòng là cơ hội để học sinh thể hiện được sự sáng tạo trong triển khai ý, chuyển đoạn…

Thoát ly văn mẫu: Đột phá từ kiểm tra, đánh giá - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn trà, TP Đà Nẵng) trong giờ học Ngữ văn.

Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - nhận xét rằng, vấn nạn văn mẫu không chỉ có ở bậc học THCS, THPT mà ngay cả bậc tiểu học, cũng có nhiều giáo viên áp cho học sinh học theo văn mẫu. “Sự sáng tạo của học sinh đã bị “thui chột” ngay từ khi làm quen với môn Tiếng Việt, Tập làm văn sẽ dần hình thành thói quen phụ thuộc vào văn mẫu của học sinh” – thầy Phong khẳng định. Chính vì vậy, nhiều trường học, ban giám hiệu chỉ cần một kỹ thuật nhỏ trong ra đề tập làm văn là biết ngay giáo viên có bắt học sinh học thuộc hay không để yêu cầu điều chỉnh cách dạy.

Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã trao quyền cho giáo viên trong ra đề các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên. “Giáo viên chủ động trong sử dụng hình thức kiểm tra như phỏng vấn nhanh, làm bài tập nhóm, thuyết trình, dự án học tập. Kết cấu đề kiểm tra định kỳ theo đề chung của toàn khối. Ngoài đề mở ở câu nghị luận xã hội, cách ra đề cũng có những kỹ thuật để tránh việc học sinh học thuộc văn mẫu. Chẳng hạn, đề nghị luận văn học có thể yêu cầu học sinh chỉ phân tích, cảm nhận về một ý nhỏ, một đoạn trích trong tác phẩm để làm nổi bật quan điểm, nhận xét…” - thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Thoát ly văn mẫu: Đột phá từ kiểm tra, đánh giá - Ảnh minh hoạ 3
Tiết dạy văn của thầy Nguyễn Đình Hòa, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Vai trò của người dẫn đường

Em Lê Minh Bảo Châu, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng, đoạt giải Nhất môn Ngữ văn, kỳ thi học sinh giỏi thành phố Đà Nẵng năm học 2020 – 2021, nhận xét: “Đọc văn mẫu không hẳn là không tốt cho việc học văn. Cách đọc và mục đích đọc như thế nào mới là điều quan trọng. Đọc để tích luỹ thêm một số tri thức, không đọc để rập khuôn tư duy và giới hạn sức sáng tạo của bản thân”.

Theo Bảo Châu, cách dạy và kiểm tra, đánh giá của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến quyết định đến việc học sinh học thuộc văn mẫu hay chỉ dùng văn mẫu để tham khảo. “Thầy cô là người truyền tải kiến thức, tri thức cũng như cảm hứng đến học sinh. Nếu thầy cô không dạy theo hướng gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy, cảm xúc và sức sáng tạo thì một số học sinh sẽ chọn văn mẫu là nơi để kiếm tìm kiến thức, khó tránh khỏi việc hình thành thói quen học theo văn mẫu quá nhiều dẫn đến phụ thuộc, lạm dụng”, Bảo Châu bày tỏ.

Cho rằng cách kiểm tra, đánh giá của giáo viên sẽ góp phần “đẩy” học sinh tới văn mẫu, thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh - bày tỏ: Trong quá trình dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá, giáo viên nên chấp nhận và trân trọng những cảm nhận ban đầu của học sinh, có thể nó không được tròn trịa, nhưng đó là cách cảm nhận riêng của các em. Nếu đặt yêu cầu cao hơn mặt bằng tiếp nhận, diễn đạt thông thường, buộc học sinh phải tìm tới văn mẫu để lấp đầy những gì các em đang thiếu hụt.

Thầy Nguyễn Quang Hưng ví dụ, lâu nay, giáo viên vẫn mặc định hình ảnh đoàn tàu trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” là biểu hiện cho khát vọng, ước mơ. Nhưng ở mức độ cảm nhận của học sinh đại trà, nếu không tiếp cận văn mẫu, các em có thể chỉ cảm nhận ở mức đó là sự tò mò, háo hức của nhân vật. “Nếu giáo viên cứ yêu cầu học sinh diễn đạt một cách hoa mỹ, tròn trịa, học sinh buộc phải học thuộc văn mẫu”.

Thầy Nguyễn Đình Hòa cũng cho rằng, với những bài văn của học sinh học theo văn mẫu, vỏ ngôn ngữ của các em sẽ rất “đẹp”, có thể một vài bài đầu đọc sẽ rất thích. Nhưng dần dà, học sinh rất khó để có thể diễn đạt những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân mình, không chỉ đối với một tác phẩm văn học mà với nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Theo nhận xét của thầy Nguyễn Đình Hòa, những năm gần đây, đáp án chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT đã theo hướng mở, không còn đóng khung nữa. Thế nhưng, với những bài văn đạt điểm 10, xã hội và cả thầy cô giáo thường đặt yêu cầu rất cao. “Đây cũng chính là áp lực khiến nhiều giáo viên không vượt qua được những rào cản tâm lý khi cho điểm tuyệt đối một bài thi môn Ngữ văn. Còn việc cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn cần có tính ổn định là đương nhiên vì nó quyết định đến tâm lý dạy học và ôn tập của giáo viên và học sinh” – thầy Hòa chia sẻ. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập659
  • Hôm nay40,669
  • Tháng hiện tại318,799
  • Tổng lượt truy cập51,674,758
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944