Thông luồng hướng nghiệp: Tắc từ nhiều phía

Chủ nhật - 15/05/2022 22:53 179 0
GD&TĐ - Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS ở Việt Nam được chỉ đạo thực hiện từ lâu và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động này cho đến nay vẫn còn những trăn trở, khó khăn.
Thông luồng hướng nghiệp: Tắc từ nhiều phía

Trường nghề chưa hấp dẫn

Chủ trương phân luồng mạnh sau THCS được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và các văn bản pháp quy. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định mục tiêu: “…Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng…”.

Nhấn mạnh điều này, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) cho rằng: Một trong những thuận lợi của công tác phân luồng là hệ thống các trường đào tạo nghề, khu công nghiệp sẵn sàng tiếp nhận học sinh từ cấp THCS, THPT để đào tạo, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp của khu công nghiệp. Chương trình định hướng nghề nghiệp được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Tuy nhiên, thầy Minh cũng thẳng thắn nhận định chất lượng và hiệu quả các trường giáo dục nghề nghiệp thấp. Nhiều em sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thất nghiệp, không tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và trình độ được đào tạo. Năng lực nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và tin học, năng lực hợp tác và cạnh tranh của lao động Việt Nam còn hạn chế so với lao động các nước. Các trường nghề chưa hấp dẫn và khó thu hút học sinh vào học, dẫn đến khó khăn trong việc phân luồng.

Khó khăn trong phân luồng, theo thầy Minh, còn đến từ những hạn chế về chính sách lao động, việc làm và chính sách lương đối với người tốt nghiệp trình độ sơ và trung cấp chưa cao dẫn đến hạn chế trong việc thu hút học sinh vào học các trường nghề. Bên cạnh đó, việc nhiều trường đại học tuyển sinh bằng xét học bạ, nhiều em được trúng tuyển đại học dẫn đến tâm lý không muốn tham gia học các trường nghề…

Từ góc độ trường THCS, cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (huyện Châu Thành, An Giang) cũng nhìn nhận công tác phân luồng học sinh với cả thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là công tác này được sự quan tâm của lãnh đạo ngành, địa phương. Nhà trường luôn tư vấn học sinh kịp thời ngay từ đầu năm học và kết hợp với các trung tâm dạy nghề giới thiệu ngành nghề đang có nhu cầu, đồng thời phù hợp với đối tượng học sinh THCS. Giáo viên chủ nhiệm nắm rõ năng lực học trò để tư vấn kịp thời đến phụ huynh trong việc lựa chọn hướng đi cho con em mình sau khi tốt nghiệp...

Khó khăn là vẫn còn một số phụ huynh, học sinh chưa hiểu rõ việc chọn lựa hướng đi phù hợp với năng lực sau khi tốt nghiệp. Việc chọn nghề hay tiếp tục học tập lên THPT vẫn còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh sống của từng gia đình. Học sinh cấp THCS vẫn còn nhỏ tuổi, nên nhiều em chưa hiểu biết sâu rộng trong định hướng ở tương lai; từ đó ý thức chưa cao trong việc chọn hướng đi cho mình. Trung tâm đào tạo nghề ở địa phương chưa đa dạng ngành nghề, nhất là các nghề phù hợp với đối tượng học sinh nữ. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của học sinh (nhiều em bỏ học đi làm khi chưa tốt nghiệp)...

“Trường THCS Quản Cơ Thành nằm trên địa bàn nông thôn, có khu công nghiệp, dân trí thấp nên không đầu tư vào việc học hành. Phụ huynh quan niệm thi không đạt thì nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình, do đó không chọn lựa trường THPT phù hợp, không tha thiết vào học trường nghề (chỉ muốn lao động tự do). Đây cũng là khó khăn khiến tỷ lệ phân luồng hằng năm chưa đạt” - cô Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Thông luồng hướng nghiệp: Tắc từ nhiều phía - Ảnh minh hoạ 2
 Học sinh học nghề điện và công nghệ tin tại Trung tâm GDNN - GDTX Đoan Hùng (Phú Thọ).

Vướng từ nhận thức

Chia sẻ về nội dung này, thầy Đặng Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) cho rằng, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong trường phổ thông được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp, ngành. Nhà nước có nhiều chế độ chính sách khuyến khích, hỗ trợ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề (học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề được miễn toàn bộ học phí..). Bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho các em, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội đối với việc chọn nghề, chọn ngành…

Trường phổ thông đã chủ động trong công tác tuyên truyền cũng như giáo dục hướng nghiệp; chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh. Các chủ đề giáo dục hướng nghiệp được tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp các em nhận thức được thế mạnh của bản thân để lựa chọn hướng đi phù hợp. Nhiều trường phổ thông đã chủ động phối hợp với trường trung cấp, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn trong công tác giáo dục hướng nghiệp; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông với hoạt động tư vấn tuyển sinh.

“Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Đoan Hùng khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT; khoảng 28% học sinh vào học tại trung tâm hoặc tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, được học song song 2 chương trình GDTX và trung cấp nghề. Trên 90% học sinh của Trung tâm GDNN-GDTX Đoan Hùng đều tham gia học cả 2 chương trình, nhiều em sau khi tốt nghiệp đã xin được việc làm phù hợp với nghề mà mình đã chọn với mức thu nhập ổn định”, thầy Đặng Ngọc Thắng cho hay.

Nói về hạn chế, bất cập, điều thầy Đặng Ngọc Thắng đề cập tới đầu tiên là dù học sinh đã hiểu được vai trò của định hướng nghề nghiệp, xác định được tầm quan trọng nghề nghiệp đối với tương lai của chính mình nhưng khi nêu lên nguyện vọng về ngành nghề vẫn còn dựa vào cảm tính, ít tính tới năng lực, tính cách, năng khiếu… của bản thân trong mối quan hệ với nghề nghiệp mình đã chọn. Xu hướng tiếp tục học lên các bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp THCS và THPT vẫn là chủ yếu; ít học sinh lựa chọn vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gây lãng phí cả về tiền của, công sức, thời gian của bản thân, gia đình và rộng hơn là cả xã hội.

Ngoài ra, nhận thức về nghề nghiệp, việc làm còn đơn giản, phiến diện. Nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn những ngành nghề được cho là ổn định, không phải lo đầu ra, những ngành nghề có thu nhập cao, xu hướng muốn làm việc ở thành phố… Do đó, không ít học sinh lựa chọn không đúng ngành nghề, hướng đi cho chính mình.

Thầy Đặng Ngọc Thắng cũng cho rằng, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông trong thời gian qua chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp. Nguyên nhân do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chưa có giáo viên chuyên trách tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. 

Thông tin thị trường lao động nghèo nàn

PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở” được tài trợ bởi Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 chia sẻ: Năm 2017, theo kết quả khảo sát của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông”, học sinh sau THCS học lên trung học phổ thông chiếm 79,6%, học hệ giáo dục thường xuyên là 5,6%, học các trường nghề là 7,8%, đi làm 4,6%. Thứ tự ưu tiên được các em lựa chọn là: Lớp 10 phổ thông công lập, lớp 10 bổ túc văn hóa, lớp 10 tư thục rồi mới học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề và tham gia thị trường lao động.

Ngoài ra, do việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh hiện nay chủ yếu dựa vào cảm tính, hứng thú, sở thích cá nhân, ít tính tới năng lực bản thân và đặc điểm công việc, chủ yếu chọn các ngành có thu nhập cao lại nhàn hạ như kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán… không chú ý đến điều kiện gia đình và nhu cầu của thị trường lao động đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm...

Một số nguyên nhân được PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan đưa ra trong đề tài là do nhận thức của một bộ phận người dân, nhà trường và xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với lập thân, lập nghiệp của người lao động chưa đúng, chưa đầy đủ. Hệ thống văn bản pháp quy khá đầy đủ, nhưng thực tế triển khai đã bộc lộ những bất cập: Thiếu chính sách khuyến khích học sinh THCS học nghề và khuyến khích các trường nghề tuyển học sinh THCS; thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động qua đào tạo nghề nghiệp thấp; chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên dạy nghề chưa phù hợp.

Trong Luật Dạy nghề 2006 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2015 chưa có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp về việc đóng góp kinh phí cho việc duy trì, phát triển hệ thống dạy nghề. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chưa thực sự có hiệu quả do thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, chuyên gia am hiểu về tâm lí học nghề nghiệp, về thông tin thị trường lao động, về thực tế ngành nghề xã hội, về kinh tế học lao động. Nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng giáo dục hướng nghiệp và thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp…

PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cũng nhắc đến thực trạng công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS chưa có sự đồng thuận ủng hộ, tham gia tích cực của chính quyền địa phương; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan và toàn xã hội. Hệ thống thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn, thiếu thông tin và chưa kịp thời, nên gia đình và học sinh không đủ thông tin để lựa chọn ngành nghề phù hợp…

Từ thực trạng trên, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan khuyến cáo: Cần đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm giúp học sinh nhận thức đầy đủ việc chọn nghề nghiệp phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS. Giải quyết đồng bộ 3 nhiệm vụ: Hướng nghiệp, phân hóa theo hướng tự chọn, phân luồng HS; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu đào tạo và nhu cầu nhân lực; tham khảo kinh nghiệm về phân luồng học sinh sau THCS của một số nước có truyền thống văn hóa và giáo dục gần với Việt Nam.

Lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ không có việc làm. Để khắc phục những tồn tại này, theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng trong phát triển nguồn nhân lực; tăng cường sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1437 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1155 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2464 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2943 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2257 | lượt tải:339

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1437 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1155 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2464 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2943 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2257 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay4,004
  • Tháng hiện tại76,730
  • Tổng lượt truy cập51,928,213
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944