Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác còn có ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ THCS. Tiếp và làm việc với đoàn công tác, có ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; ông Vũ Đình Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan.
Vượt qua khó khăn
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là việc đại sự, thể hiện bước chuyển mình lớn từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đây là thách thức, khó khăn khi giáo viên là người trực tiếp tạo ra “sản phẩm” giáo dục. Dù đã chuẩn bị 7 năm nhưng bước đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ, vướng mắc. Do vậy, hơn ai hết, hiệu trưởng phải là người dẫn dắt giáo viên và thực hiện tốt cả 3 khâu dạy tốt, học tốt, quản lý tốt.
Về triển khai chương trình lớp 1, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá công tác triển khai của Tuyên Quang được thực hiện chặt chẽ, bài bản, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Công việc tiếp theo, các nhà trường cần xây dựng đề án đổi mới từ lớp 1 đến lớp 5, báo cáo Phòng GD để trình UBND huyện, tỉnh chuẩn bị phương án chủ động thực hiện các năm tiếp theo. Cùng với đó, nhà trường cần quan tâm xây dựng, bồi dưỡng giáo viên; giáo viên cần hiểu biết sâu sắc về chương trình GDPT mới. Giáo viên không chỉ dạy bằng kiến thức mà bằng cả nhân cách của người thầy...
Chia sẻ với đoàn công tác tại huyện Sơn Dương, cô Hoàng Thị Kim Thu – Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Lợi cho biết: Triển khai CT GDPT mới đối với lớp 1, nhà trường có nhiều thuận lợi như hệ thống văn bản rõ ràng; Sở, Phòng thường xuyên có những chỉ đạo sâu sát. Nhà trường đã lựa chọn giáo viên dạy lớp 1 từ 47 thầy cô toàn trường. Các thầy cô được tập huấn kỹ lưỡng ở cấp Sở, Cụm, trường.
“Sở, huyện đều thành lập các tổ tư vấn để hỗ trợ giáo viên bằng nhiều kênh cả trực tiếp và gián tiếp qua nhóm zalo, viber. Các hội nghị trực tuyến được thường xuyên diễn ra để kịp thời giải đáp, hỗ trợ giáo viên những khó khăn, vướng mắc. Ví dụ khi dạy tiếng Việt, lúc đầu giáo viên gặp khó khăn khi dạy 3-4 âm/bài học nhưng qua các hội nghị trực tuyến, các tổ tư vấn, thì được hướng dẫn sử dụng tiết buổi chiều hỗ trợ học sinh, không nhất thiết phải dạy hết 1 tiết học và đây cũng là điều tâm đắc của chương trình mới - đó là dành quyền tự chủ cho trường”, cô Hoàng Thị Kim Thu cho biết thêm.
Trường Tiểu học Đông Thọ 2 (Sơn Dương, Tuyên Quang) là trường có đa số học sinh là người đồng bào dân tộc, điều kiện về cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhà trường đã có nhiều giải pháp trong triển khai chương trình lớp 1 mới. Thầy Nguyễn Hữu Thọ - Hiệu trưởng cho biết: Với Trường TH Đông Thọ 2, giáo viên được lựa chọn dạy lớp 1 đều là những thầy cô tâm huyết, giỏi nghề. Lúc đầu còn gặp bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng qua những hỗ trợ, tư vấn của Sở, Phòng thì giáo viên dần thấy thuận lợi trong giảng dạy, học sinh nhờ đó cũng đọc viết tốt hơn. Đến giờ, khẳng định học sinh đọc tốt hơn những năm học trước, kể cả đối với học sinh người đồng bào dân tộc; còn với tập viết thì học sinh có tiến bộ vượt bậc.
Ưu tiên cho lớp 6
Tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai chương trình GDPT mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học này là năm đặc biệt của GDPT, năm học khai thông 1 chủ trương lớn, một mình ngành giáo dục không thể thực hiện được mà phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Do đó, Sở GD&ĐT Tuyên Quang cần tăng cường kiểm tra thực tế tại các địa phương và trao đổi với hiệu trưởng nhà trường để việc triển mang tính sẵn sàng cao, không bị bất ngờ, thụ động.
Về lựa chọn sách giáo khoa mới đối với lớp 2 và lớp 6, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Việc chọn SGK là rất quan trọng, Bộ tạo cơ chế để giáo viên, nhà trường phát huy, thể hiện được chính kiến, vai trò trong việc lựa chọn SGK và UBND tỉnh phải quyết định lựa chọn sách trước khai giảng 5 tháng nên hạn của tỉnh là ngày 5/4. Do vậy, các nhà trường cần thực hiện đúng quy trình, đúng thời gian gửi nhận xét, đánh giá và lựa chọn sách giáo khoa mới về Phòng GD&ĐT để Phòng báo cáo Sở, từ đó Sở tham mưu để UBND tỉnh quyết định lựa chọn SGK mới.
Tới đây, việc giảng dạy đối với lớp 6 là mới, nhất là việc dạy học môn tích hợp. Nếu triển khai mà lỗi hệ thống ở 1 trường không thành công thì ảnh hưởng đến toàn cuộc. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị, Tuyên Quang dù thiếu nhưng vẫn phải ưu tiên bố trí giáo viên cho lớp 6. Giống như lớp 1, lớp 6 cũng cần ưu tiên những gì tốt nhất. Giáo viên phải tốt nhất, nắm chương trình mới tốt nhất, phải là những người có kinh nghiệm, trách nhiệm. Trưởng phòng GD phải quán triệt, động viên, giao trách nhiệm cho giáo viên thực hiện tốt chương trình mới. Giáo viên lên lớp phải dạy học vì học sinh, vì sự tiến bộ của các em. Đội ngũ giáo viên phải đảm bảo 3 yếu tố là đủ số lượng, đồng bộ cơ cấu và đảm bảo chất lượng. Khuyến khích việc dạy chính ban, từng bước dạy trái ban hoặc kiêm nhiệm.
Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Tuyên Quang đã nêu những thuận lợi, khó khăn và kết quả bước đầu đạt được đối với việc triển khai chương trình lớp 1. Về kế hoạch thay SGK lớp 2, lớp 6, UBND tỉnh tiếp tục ban hành và kiện toàn các văn bản theo đề xuất của Sở GD&ĐT; thành lập Hội đồng lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ phông theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT; Thành lập Hội đồng thẩm định Tài liệu Giáo dục địa phương theo Thông tư 33. Đồng thời, chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 theo Thông tư 43, 44 của Bộ để đề nghị UBND tỉnh trang cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang còn chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các nhà xuất bản giới thiệu các bản mẫu SGK mới; cử giáo viên cốt cán, tổ chuyên môn cốt cán tham gia góp ý mẫu SGK; Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng giáo viên, CBQL sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 trong các cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh...