Đi cùng đoàn của Bộ GD&ĐT có lãnh đạo Sở và Phòng giáo dục huyện Thạch Hà. Đến thăm, kiểm tra thực tế tại các trường Tiểu học Thạch Khê, Tiểu học Thạch Tân và Tiểu học Thạch Vĩnh, đoàn công tác của Bộ nghe báo cáo tình hình công tác giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa mới cho năm học tới.
Tại Trường Tiểu học Thạch Khê, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá đội ngũ cán bộ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất tại trường đều đảm bảo. "Được như vậy là nhờ vào sự chăm lo của chính quyền địa phương. Sự đồng lòng, cố gắng của ngành giáo dục tỉnh, đội ngũ giáo viên nhà trường. Đây là điều kiện cần và đủ để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới" – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng nhắc nhở: "Chúng ta không chủ quan, không quá hài lòng về những gì đang có mà cần tiếp tục quan tâm, cố gắng, nâng cấp nhiều về cơ sở vật chất, nâng cao đội ngũ giáo viên để chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào thực hiện tốt hơn".
Sau khi đi khảo sát tại các cơ sở trường học, đoàn đã có buổi làm việc với hơn 40 cán bộ, giáo viên của huyện Thạch Hà tại Trường tiểu học Thạch Vĩnh. Tại đây, đoàn nghe ý kiến của lãnh đạo địa phương, giáo viên xung quanh điều kiện cơ sở vất chất, chuyên môn, công tác giảng dạy sắp tới về đổi mới sách giáo khoa.
Một số ý kiến của một giáo viên đặt ra, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được học 2 buổi/ngày, định biên tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, Hà Tĩnh chỉ biên chế 1,42 gv/lớp, nhiều trường chỉ có 1,38-1,4 gv/lớp. Giáo viên tiếng Anh chỉ có 0,8 gv/lớp, giáo viên Tin học, Thể dục được tính 0,2 gv/lớp. Do định mức quy định của tỉnh như trên nên nhiều trường không có giáo viên bộ môn. Việc không đủ định biên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cũng nêu ý kiến: "Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề dạy ngoại ngữ cần bố trí đủ giáo viên đủ, đưa tiếng Anh vào tiểu học ngay từ lớp 1, 2. Bộ và các cấp ngành cần quan tâm tăng định biên giáo viên tiếng Anh để các lớp học không quá đông do thiếu giáo viên và đủ điều kiện cho học sinh lớp 1, 2 được làm quen với bộ môn này 2 tiết/tuần. Nếu không thể tăng định biên giáo viên cho các nhà trường thì có văn bản pháp lý, tạo cơ chế chính sách rõ ràng để cho các nhà trường thực hiện xã hội hóa, tự sắp xếp đội ngũ giáo viên...".
Chia sẻ tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài thông tin: "Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn cụ thể chương trình giáo dục lớp 1. Khi triển khai thì các văn bản, thông tư đã ban hành kịp thời, các đơn vị cứ thế thực hiện đúng. Ngoài ra, các hiệu trưởng được quyền số hóa hoàn toàn hồ sơ, có quyền xây dựng nội quy hồ sơ của trường. Nghĩa là hiệu trưởng tự chủ được trong việc dạy và học tại trường mình".
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục huyện Thạch Hà đã đạt được, Thứ trưởng cũng cho rằng, có cơ sở, đội ngũ giáo viên của huyện như vậy là rất tốt. Phải làm sao cấp ủy chính quyền địa phương, người dân đồng hành mới là vấn đề cốt lõi. Không được tổ chức giáo dục trong bốn bức tường mà phải mở rộng ra. Trong công tác chỉ đạo, cần triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản của cấp trên.
Để thực hiện tốt, Thứ trưởng đề nghị lưu ý một số vấn đề: "Phát huy truyền thống vượt khó, chủ động, sáng tạo để áp dụng tốt trong giáo dục và đào tạo; chủ động sáng tạo trong công tác chỉ đạo, nhất là về hệ thống các văn bản về giáo dục; cân nhắc lựa chọn trường học, tổ bộ môn để lựa chọn tốt chương trình sách giáo khoa mới; dù Sở, phòng chuẩn bị tốt tới đâu mà năng lực tự học của thầy cô, học sinh không tốt thì công tác giáo dục sẽ không cao; nắm bắt thông tin, kiểm tra giám sát thường xuyên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới".
"Để thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa mới, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tăng cường kỷ cương, nề nếp dạy và học; mong muốn đội ngũ cán bộ giáo viên hết sức coi trọng chất lượng giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng linh hoạt, sáng tạo, dạy ít - học nhiều; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông kết hợp dạy chữ, dạy người; cần quan tâm xây dựng một nền giáo dục trung thực và có chất lượng" – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chiều nay, đoàn công tác Bộ GD&ĐT tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh.