Ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ. Cho ý kiến về Luật Nhà giáo, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; đồng thời có lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi trong thực tế và bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Thủ tướng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
Mặt khác, thu hút người tài vào ngành giáo dục, những người tâm huyết công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…; có chính sách đặc thù phù hợp với giáo viên từng cấp (mầm non, tiểu học, trung học, đại học...).
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý giáo dục vì giáo viên ở cơ sở, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo giáo viên; tạo thuận lợi cho nhà giáo hành nghề trong khuôn khổ pháp luật.
Cùng với đó, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm chi phí tuân thủ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và nhà giáo.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 (sáng 19/8), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, chủ đề của năm học mới là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.
Thứ trưởng cho biết, trong 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục xác định, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo.
Sau hơn 2 năm triển khai, đến tháng 4/2024, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành quy trình lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.
Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật. 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Ý kiến bạn đọc