Giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa Trịnh Đan Ly thông tin, quy mô mạng lưới trường lớp tiếp tục ổn định và đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn quận cũng như bảo đảm chất lượng giáo dục. Toàn quận có 47 trường công lập đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 75,8%.
Tham gia hội thi dạy giỏi cấp thành phố, giáo viên quận Đống Đa đã đạt thành tích xuất sắc với 5/5 giáo viên tiểu học tham gia đều đạt giải (2 giải Nhất, 3 giải Nhì); 6/6 giáo viên trung học cơ sở tham gia đều đạt giải (4 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba).
Đặc biệt, trong năm học 2023 - 2024, quận Đống Đa có 4 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cụ thể, Nhà giáo Phạm Thu An, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Tự; nhà giáo Trần Thị Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Liên; nhà giáo Nguyễn Thị Xuân Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên và nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tự.
Học sinh trung học cơ sở quận Đống Đa cũng đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi, trong đó có 15 giải quốc gia, quốc tế; 164 giải thành phố và gần 400 giải cấp quận. Các trường trung học cơ sở có nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi là: Nguyễn Trường Tộ, Bế Văn Đàn, Đống Đa, Thịnh Quang, Khương Thượng, Thái Thịnh, Láng Thượng, Cát Linh...
Tại hội nghị tổng kết, ông Lê Tuấn Định - Chủ tịch UBND quận Đống Đa ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, thành tích toàn ngành GD-ĐT quận đạt được. Năm học mới 2024-2025 đang chính thức bắt đầu với những hứa hẹn về sự bứt phá, sáng tạo, là năm trọng điểm thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, ông Lê Tuấn Định đề nghị ngành GD-ĐT quận nghiên cứu, tổ chức, triển khai một số nội dung trọng tâm. Trong đó, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2024 - 2025 linh hoạt, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành GD-ĐT trong quận tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Năm học 2024 - 2025, quận Đống Đa với 80 trường (gồm 63 trường công lập, 17 trường ngoài công lập), 75 nhóm trẻ độc lập tư thục với tổng số 56.035 học sinh, 4.251 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Thực hiện chủ đề năm học "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo". Ngành GD-ĐT quận Đống Đa tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đồng thời, toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025; “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo”; Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, toàn ngành cũng tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trường học hạnh phúc; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho học sinh. Đồng thời, tổ chức các phong trào thi đua và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 70 năm ngày thành lập Ngành GD-ĐT Hà Nội.
Cũng trong năm học 2024 - 2025, quận Đống Đa tập trung làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học.
Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cũng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất quận về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND quận trình Quận ủy ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục trên địa bàn quận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, toàn ngành cũng tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các giải pháp nâng cao hiệu quả năm học đầu tiên thực hiện thi vào lớp 10 theo chương trình mới.
Tác giả bài viết: Đăng Chung
Ý kiến bạn đọc