Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%, cấp tiểu học là 89,9%, THCS 93,8%, THPT 99,9%.
So với năm học 2022-2023, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non tăng thêm 1,9%, cấp tiểu học tăng thêm 5,5%, cấp THCS tăng thêm 2,9%.
Các địa phương đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo đúng quy định. Từ năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kho học liệu số về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên hệ thống TEMIS.
Từ đó, các địa phương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên trên cơ sở nhu cầu của giáo viên và điều kiện thực tế của địa phương. Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi, được điều động sang làm công tác quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản đáp ứng được công tác lãnh đạo và quản lý ở các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT khẳng định, năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Một bộ phận nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên nên việc bồi dưỡng còn hình thức, đối phó, thời gian dành cho việc tự học, tự bồi dưỡng còn hạn chế.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.
Bộ GD&ĐT cho biết, các mô đun bồi dưỡng thường xuyên được Bộ GDĐT ban hành từ năm 2018 (15 mô đun với cán bộ quản lý; 18 mô đun với giáo viên) đến nay đã có những bất cập cần bổ sung, thêm mới để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Ý kiến bạn đọc