Tới dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Ngọc Chiến- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Huỳnh Tấn Việt- Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn- Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Bùi Quang Huy- Bí thư Trung ương Đoàn; Hoàng Thị Hạnh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ngô Thị Minh- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô được tổ chức nhằm tôn vinh tri ân và ghi nhận những thầy cô giáo công tác ở những lĩnh vực địa bàn đặc biệt khó khăn đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp GD. Năm 2020, trong lần thứ 6 tổ chức, chương trình tiếp tục tri ân các thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số đang ngày đêm thầm lặng miệt mài cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Các thầy cô được tuyên dương là 63 thầy cô giáo đến từ 24 dân tộc thiểu số, trong đó những thầy cô thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người. Thầy giáo nhiều tuổi nhất đã công tác hơn 33 năm, cô giáo trẻ nhất sinh năm 1996, đã có hơn 3 năm công tác.
Tuy nhiên, chặng đường đến với sự nghiệp trồng người của các thầy cô dài hơn rất nhiều. Đó là chặng đường đến với những cậu bé cô bé đồng bào dân tộc hàng ngày theo cha mẹ lên nương rẫy, đó là chặng đường của những cậu bé cô bé được cha mẹ thầy cô truyền cảm hứng để thắp lên ngọn lửa ước mơ trở thành những người mang con chữ về với bản làng.
Đó là những chặng đường của những nỗ lực cố gắng thực hiện ước mơ vượt qua những khó khăn vất vả của đời sống vật chất và cả tinh thần để lựa chọn và theo đuổi sự nghiệp trồng người vinh quang. Tất cả các thầy cô giáo đều trải qua những chặng đường rất dài và gian nan.
Chương trình được tổ chức giúp mỗi thầy cô cảm nhận được sự chia sẻ, động viên, khích lệ để có thêm sức lực gắn bó với nghề, qua đó sẽ giúp hàng nghìn hàng vạn em nhỏ ở những vùng khó khăn nhất của đất nước được dạy dỗ được yêu thương và có cơ hội thay đổi số phận của mình cũng như bản làng mình.
Hơn thế nữa rất nhiều thầy cô giáo khác cũng vô cùng xứng đáng nhưng vì điều kiện hạn hẹp của chương trình không có mặt tại buổi lễ cũng sẽ được lan tỏa niềm vui ấy, biết được xã hội trân trọng công lao của các thầy cô, cùng hướng về và chia sẻ với gian khó của các thầy cô, để các thầy cô có thêm nhiệt huyết trên con đường mà các thầy cô đã chọn.
Khó khăn đó có thể kể đến là những thầy cô mỗi ngày di dạy có thể vượt qua những cung đường dài vài chục cây số gập gềnh hiểm trở, một bên là vách cao, một bên là vực sâu. Đó là các thầy cô ở lại với những phòng học tranh tre nứa lá, trời mưa thì dột, trời rét thì lạnh thấu xương, nhường những chỗ tốt nhất cho học trò của mình để các em có thể yên tâm an toàn học tập.
Đó là những thầy cô gửi lại con thơ cho vợ chồng hay cha mẹ già chăm sóc để có thể giúp thêm các em nhỏ khác có thêm kiến thức, có thêm sự nâng đỡ yêu thường, có thêm cơ hội để thay đổi cuộc đời. Nhiều thầy cô có con cái đau ốm, bố mẹ yếu già, bản thân có thể mang bệnh nan y nhưng vẫn vượt lên tất cả, không những dạy học mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Đó còn là những thầy cô dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoài giờ lên lớp soạn giáo án vẫn tìm các công việc làm thêm vất vả để có thêm tiền hỗ trợ các em học sinh quyển vở, cái bút hay manh áo bữa cơm để các em yên tâm đến lớp mỗi ngày. Các thầy cô không chỉ dạy học trò kiến thức mà như người cha, người mẹ thứ hai.
Vượt lên những khó khăn thường nhật, nén bao giọt nước mắt vào lòng, các thầy cô đã lặng thầm cống hiến tuổi thanh xuân để mang đến những mầm xanh hy vọng cho những mảnh đất khô cằn, thắp sáng ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số.
Nhiều thế hệ học sinh của các thầy cô ngày hôm nay đã trưởng thành và quay trở lại để đóng góp cho bản làng, cho quê hương, đất nước. Các thầy cô đều nói: Một khi đã yêu nghề và mong muốn những trẻ em vùng cao cũng được học hành như các em miền xuôi thì những khó khăn đó là điều hết sức bình thường.