Nỗ lực tăng tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày
Ngày 14/8, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-205, tuyên dương khen thưởng Hội thi giáo viên giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học.
Báo cáo tại hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, năm học 2023-2024 toàn thành phố có 561 trường tiểu học và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học gồm công lập và tư thục với 576 điểm trường, trong đó có 522 trường tiểu học công lập với hơn 637 nghìn học sinh.
Học sinh học 2 buổi/ngày chiếm tỉ lệ 78,8% (tăng 4% so với cùng kì năm trước). Sĩ số bình quân: 36,6 học sinh/lớp (giảm 1,8 học sinh/lớp so với cùng kì năm trước).
Trong đó các đơn vị: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 10, quận Phú Nhuận, và 2 huyện Cần Giờ, Nhà Bè có tỉ lệ học 2 buổi/ngày đạt 100%.
“Thành phố luôn dành sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại; từng bước giảm sĩ số và tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Hoàng cũng cho biết, ở các trường công lập, toàn thành phố có 1.327 cán bộ quản lý, 25.372 giáo viên. Các trường thực hiện tốt việc bồi dưỡng chương trình GDPT 2018: 100% giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 được tập huấn sử dụng sách giáo khoa trước khi giảng dạy.
Các trường luôn quan tâm công tác giữ gìn trường lớp xanh-sạch-đẹp. Có nhiều trường lắp đặt hệ thống nhạc ở các nhà vệ sinh học sinh; các phòng học được trang trí đúng yêu cầu. Nhiều trường đã thực hiện mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”, “Tủ sách lưu động”, “Góc thư viện” nhằm khơi dậy nếp sống đẹp, văn minh trong “Văn hoá đọc” trong học sinh.
Các thiết bị dạy học hiện có và mua sắm bổ sung, thiết bị dạy học tự làm cơ bản đáp ứng việc dạy và học khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa trước khi bắt đầu năm học mới.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng Học bạ số để làm cơ sở triển khai thống nhất toàn thành phố. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt chuyển đổi số trong phục vụ người dân thông qua hệ thống thông tin địa lí giáo dục và hệ thống tuyển sinh đầu cấp.
TPHCM tiếp tục duy trì mô hình lớp học số tại 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi còn thiếu giáo viên, tổ chức dạy học trực tuyến thời gian thực, chọn lọc đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học có chất lượng, tạo điều kiện giúp các trường còn thiếu giáo viên có thể giải quyết nhu cầu học tiếng Anh, Tin học của học sinh.
Tại hội nghị, đại diện phòng Giáo dục tiểu học cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục tiểu học như: Tỉ lệ 1 phòng học/lớp chưa đảm bảo; tỉ lệ 2 buổi/ ngày của thành phố chưa đạt 100%, một số trường còn thiếu các phòng chức năng. Một số trường sĩ số học sinh còn quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Ngoài ra, việc thiếu giáo viên nhiều môn, bộ môn nên phải hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo đủ nhân sự giảng dạy các lớp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Tại hội nghị, bà Lâm Hồng Lãm Thuý, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) nhấn mạnh: “Thực tế, dù đã có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt 100%. Chúng tôi biết rằng các thầy cô chịu áp lực về gia tăng dân số cơ học cũng như sự ổn định dân cư trong từng địa bàn cũng phức tạp. Do đó, việc đảm bảo sĩ số học sinh/lớp cũng như tỉ lệ 2 buổi/ ngày khó hoàn thành”.
Bà Thúy cũng đề nghị các phòng giáo dục các quận, huyện và TP Thủ Đức hỗ trợ công tác tuyển sinh, tuyển dụng, có cơ sở vật chất, đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo tỉ lệ học 2 buổi/ngày.
“Đối với học bạ số, giáo dục STEAM đã được triển khai trong năm học qua và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm học 2024-2025. Đặc biệt, công tác chuyển đổi số, các nội dung dạy học tích hợp vẫn là trọng tâm trong năm học tới”, bà Thúy nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chúc mừng ngành giáo dục tiểu học TP đã đạt được nhiều thành công trong năm học 2023-2024; đồng thời bày tỏ tin tưởng kết quả sẽ giúp ngành đạt được những mục tiêu, thắng lợi trong năm học 2024-2025.
Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng đã điểm lại những dấu ấn đặc biệt của bậc giáo dục tiểu học TPHCM đã đạt được trong năm học 2023-2024 với nhiều hội thi được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt: Hội thi giáo viên giỏi; Ngày hội Em yêu sử Việt; Ngày hội giáo dục STEM; Liên hoan phim tiếng Anh cho học sinh tiểu học...
Ngoài ra, trong năm học vừa qua, TPHCM đã tổ chức tập huấn sách giáo khoa cho 100% giáo viên theo từng khối lớp, chú trọng mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, giúp thực hiện tốt chương trình, sử dụng hiệu quả thiết bị. Triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp 1, 2, 3, 4. 100% học sinh được học tiếng Anh từ lớp 3, 4, góp phần giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường.
Các trường tiểu học đã chủ động xây dựng các tiết học mở, lớp học mở. Duy trì thực hiện lớp học số giúp hạn chế bớt khó khăn về giáo viên ở một số môn học đặc thù.
Ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, trong năm học mới 2024-2025 là lộ trình cuối thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học với khối lớp 5. Do đó được xem là năm học bản lề triển khai hiệu quả Chương trình ở bậc tiểu học.
“Năm học 2024-2025 TPHCM xác định chủ đề là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TPHCM”, với nhiệm vụ hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng của ngành và của thành phố”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết.
Trong năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT tổ chức Hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học. Kết quả có 333 giáo viên bảng giáo viên tiểu học và 38 giáo viên ở bảng giáo viên dạy khuyết tật được công nhận đạt danh hiệu giáo viên giỏi thành phố, trong đó có 7 giải nhất, 9 giải nhì, 15 giải ba, 17 giải khuyến khích. Hội thi cũng đã nhận được 333 sản phẩm là bài giảng số, góp phần làm giàu kho tài nguyên bài giảng số tiểu học của TPHCM.
Tác giả bài viết: Minh Anh
Ý kiến bạn đọc