Chiều 22/3, tại TP Bắc Giang (Bắc Giang), Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học lần thứ 12, năm học 2023 - 2024.
Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT; ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố và thầy cô giáo, học sinh đến từ 74 đơn vị tham dự Cuộc thi.
“Cú hích”phong trào học tập, nghiên cứu
Cuộc thi diễn ra trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024) tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Sau 3 ngày làm việc công tâm, khách quan, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, Ban tổ chức trao 106 giải, trong đó có 10 giải Nhất, 17 giải Nhì, 23 giải Ba, 27 giải Tư và 29 giải Triển vọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao sự phấn đấu miệt mài, học tập, say mê, nghiên cứu KHKT của các em học sinh để có những đề tài, dự án tham dự cấp trường, cấp tỉnh và quốc gia. Các em đại diện cho hàng triệu học sinh, trên mọi miền tổ quốc, vinh dự của 74 đoàn với 149 dự án có mặt tại đây.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại lễ bế mạc và trao giải. |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cũng như các đơn vị đồng hành, các Bộ, ban, ngành, các sở GD&ĐT, các trường học, phụ huynh đều quan tâm thì rõ ràng GD&ĐT của chúng ta luôn lấy học sinh làm trung tâm, tất cả hướng về các em.
Kết quả hôm nay có em đạt giải, có em chưa đạt giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gửi gắm đến các em câu nói nổi tiếng của nhà Vật lý học Albert Einstein: “Thất bại chỉ là thành công đang tiến triển”. Vì vậy, Cuộc thi này, những học sinh đoạt giải dù cao hay thấp hãy tiếp tục phấn đấu để khẳng định, để mình trở nên có giá trị. Những em chưa đoạt giải thì không có nghĩa là thất bại. Sau Cuộc thi vẫn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng, hoài bão trong cuộc sống nói chung và khoa học nói riêng.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo Cuộc thi Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, Cuộc thi năm nay thành công tốt đẹp. Đây là năm thứ 12 cuộc thi diễn ra nên chỉ đạo, lãnh đạo là phải phát huy tối đa những ưu điểm, hạn chế, rút kinh nghiệm những tồn tại của những cuộc thi trước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp, tham gia, chu đáo, tận tình, chuyên nghiệp, trách nhiệm của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Bắc Giang. Mọi khâu chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để các đoàn, các em học sinh yên tâm tham dự cuộc thi.
Đại biểu dự lễ bế mạc và trao giải. |
Thứ trưởng BG&ĐT cũng ghi nhận và đánh giá cao sự công tâm, khách quan của Ban giám khảo. Những đề tài của học sinh năm nay tham gia, lựa chọn chất lượng hơn, những dự án dự thi đoạt giải cũng rất xứng đáng.
Thành công của cuộc thi là cú hích rất lớn, tạo nên phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đối với học sinh trung học tiếp nối từ nhiều năm. Để tổ chức được phong trào này Thứ trưởng ghi nhận sự cố gắng, tận tụy, tâm huyết của đội ngũ giáo viên phổ thông, phụ huynh học sinh, các đơn vị, nhà tài trợ tham gia từ cấp cơ sở đến nay.
Thứ trưởng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và mong rằng sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ GD&ĐT trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao giải Nhất và tặng hoa cho các dự án. Ông Nguyễn Đức Nguyên - Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn trao huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo. |
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT (bên phải) và ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang tặng hoa và trao giải Nhì. |
Bà Nguyễn Thị Nhung - phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) và ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang tặng hoa và trao Giải Ba cho các thí sinh. |
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam và ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang tặng hoa và trao giải Tư. |
Các dự án có chất lượng cao, phù hợp thực tiễn
PGS.TS Trần Huy Hoàng - Trưởng ban Giám khảo Cuộc thi nhấn mạnh, với 149 dự án và đến từ 74 đơn vị dự thi (62/63 Sở GD&ĐT và 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho thấy sức lan tỏa rộng rãi của Cuộc thi KHKT dành cho học sinh lứa tuổi trung học trong cả nước.
Ban giám khảo đã bám sát các tiêu chí Cuộc thi, kiểm tra các ý tưởng sáng tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, tìm tòi và đổi mới của học sinh. Đặc biệt tìm hiểu các ý tưởng tư duy khoa học của học sinh được thể hiện như thế nào, khả năng làm, thực hiện ra làm sao để có được những kết quả sáng tạo.
PGS.TS Trần Huy Hoàng phát biểu tại lễ bế mạc và trao giải. |
PGS.TS Trần Huy Hoàng cũng đánh giá, các lĩnh vực nghiên cứu và lựa chọn để dự thi năm nay khá phong phú, nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp thực tiễn. Ban Giám khảo ghi chép quá trình thực hiện dự án và trình bày báo cáo khoa học thực hiện theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học.
Trong đó có một số đề tài đã tiếp cận được những vấn đề lớn, có tính khái quát hoặc cần có những kỹ thuật cao, đặc biệt là rất nhiều dự án tiếp cận theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong nghiên cứu. Điều này có thể thấy rằng các em đã phát hiện ra nhiều vấn đề mới, giúp cho các em được rèn luyện và nâng cao được năng lực nghiên cứu khoa học cho bản thân.
"Các đề tài năm nay được chuẩn bị công phu hơn và đúng theo quy định của công trình khoa học dự thi. Đặc biệt có một số dự án đã quy tụ được những ý tưởng khoa học khá độc đáo, hàm lượng khoa học cao. Đa số các đề tài đều có sự đầu tư đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung, trình bày đẹp, hấp dẫn và đủ nhu cầu...", PGS.TS Trần Huy Hoàng đánh giá.
Trưởng ban Giám khảo Cuộc thi mong muốn, các cơ sở giáo dục trung học, bậc phụ huynh, thầy giáo tiếp tục quan tâm, khuyến khích các em xây dựng vấn đề nghiên cứu khoa học có chất lượng phù hợp với lứa tuổi và xuất phát từ suy nghĩ của học sinh.
"Đôi khi những thành công bất ngờ có thể đến từ những cái ý tưởng này. Qua cuộc thi này, phụ huynh và thầy cô giáo hãy tự hào về con, học trò của mình. Đồng thời, chung tay giúp đỡ trẻ con, nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và tin tưởng rằng các em sẽ trở thành các nhà khoa học chủ động và sáng tạo trong tương lai...", PGS.TS Trần Huy Hoàng tin tưởng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng và bà Lê Thị Mai Oanh tặng Bằng khen Công đoàn Giáo dục Việt Nam và hoa chúc mừng 10 giáo viên bồi dưỡng học sinh có dự án đạt giải Nhất. |
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang (bên trái) trao cờ cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, đơn vị đăng cai năm tiếp theo. |
Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm 2024 - 2025 dự kiến được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Danh sách nhóm dự án đạt giải Nhất:
1. Hoàng Nam Khánh, Đinh Phan Anh (đoàn Hà Nội) - lĩnh vực hoá học với dự án Nghiên cứu công nghệ sản xuất N-Acetyl-DL-Leucin quy mô Pilot làm nguyên liệu bào chế thuốc.
2. Nguyễn Vũ Gia Nguyên và Lê Đức Minh (đoàn Hà Nội) - lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi với dự án Tác động của video ngắn đến hoạt động học tập và tương tác xã hội của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3. Phạm Chu Quang Minh và Phạm Trần Khắc Nguyên (đoàn Tuyên Quang) - lĩnh vực khoa học vật liệu với dự án Tổng hợp xanh vật liệu nanocomposite Fe/CoFe2O4/rGO ứng dụng làm xúc tác quang dư lượng chất diệt cỏ trong môi trường nước.
4. Hoàng Việt Hà và Bùi Phương Tuệ (đoàn Hải Phòng) - lĩnh vực y học chuyển dịch với dự án Xây dựng phần mềm dự đoán khả năng mắc bệnh, chẩn đoán giai đoạn và tiên lượng hội chứng xơ cứng teo cơ (ALS).
5. Đoàn Ngọc Phương Linh và Hoàng Dương Quốc Bảo (đoàn Hải Phòng) - lĩnh vực kỹ thuật môi trường với dự án Định tuyến linh hoạt cho hệ thống vận chuyển rác đô thị bằng mô hình hóa thuật toán tối ưu kết hợp dữ liệu thực.
6. Trần Ngọc Long (đoàn Quảng Trị) - lĩnh vực robot và máy thông minh với dự án Găng tay điện tử chuyển đổi ngôn ngữ kí hiệu thành ngôn ngữ tự nhiên dành cho người câm điếc.
7. Lê Hoàng Trường Giang và Lê Hà Thanh Phong (đoàn Lâm Đồng) - lĩnh vực hệ thống nhúng với dự án Ứng dụng AI, IOT và ChatGPT vào mô hình nuôi tằm của bà con nông dân.
8. Nguyễn Lê Quốc Bảo và Lê Tuấn Hy (đoàn TP Hồ Chí Minh) - lĩnh vực phần mềm hệ thống với dự án Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tìm nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa.
9. Võ Thuỳ Trang và Nguyễn Quốc Mạnh (đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - lĩnh vực kỹ thuật y sinh với dự án Nghiên cứu xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ phát hiện sớm và điều trị bệnh đái tháo đường.
10. Lê Thanh Lâm và Phan Minh Tiến (đoàn Trường Hữu nghị 80) - lĩnh vực kỹ thuật cơ khí với dự án Tháp sinh thái xanh đa năng.
Tác giả bài viết: Đăng Chung
Ý kiến bạn đọc