Ngày 25/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đây là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong ngành Giáo dục một cách hệ thống, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và cơ sở giáo dục.
Một trong những mục tiêu đến 2025 tại Quyết định số 31/QĐ-TTg là 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Trong đó, 100% người học và nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc… Số hóa hồ sơ, sổ sách, trong đó có sử dụng học bạ số là phần việc không thể thiếu để tiến tới mục tiêu này.
Ngày 30/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên gồm 2 tiêu chí: Chuyển đổi số trong dạy, học; chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục. Việc “có triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử” là một phần trong tiêu chí “chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục” Bộ GD&ĐT đưa ra.
Thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong giáo dục được toàn ngành triển khai mạnh mẽ; nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý học bạ. Thực tế cho thấy, đưa học bạ lên môi trường số mang lại nhiều tiện ích: Tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, quản lý sổ sách; lưu trữ, bảo quản thuận tiện, chuyên nghiệp, khoa học; giảm tải thủ tục hành chính, giảm áp lực về hồ sơ sổ sách…
Đặc biệt, học bạ điện tử làm tăng tính công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh. Phụ huynh thuận tiện tra cứu kết quả học tập của con em, qua đó làm tốt hơn công tác phối hợp trong giáo dục học sinh.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng nảy sinh không ít khó khăn, bất cập. Trong đó, việc chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng học bạ điện tử; hệ thống học bạ điện tử không liên thông giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ… là vướng mắc lớn. Thậm chí có địa phương, trong cùng một tỉnh, mỗi phòng GD&ĐT lại có phương án triển khai riêng và các phòng cũng có thể không chấp nhận học bạ của nhau nên khó khăn trong chuyển trường. Nhiều trường đại học, cao đẳng chưa chấp nhận học bạ điện tử; các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng chưa chấp nhận học bạ điện tử trong hồ sơ lý lịch…
Dù đã triển khai học bạ điện tử nhưng thầy cô vẫn phải in ra giấy để lưu trữ và khi chuyển hồ sơ học sinh vẫn sử dụng học bạ giấy. Khai thác, tra cứu học bạ trên hệ thống còn khó khăn do chưa thống nhất hệ thống lưu trữ. Một số vấn đề kỹ thuật chưa thống nhất, đồng bộ giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, thống nhất và trình độ giáo viên về CNTT cũng là vấn đề khó khăn…
Mới đây, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm học bạ số ở tiểu học. Việc Bộ GD&ĐT triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu về học bạ; triển khai Cổng tra cứu học bạ điện tử; quy định cấu trúc dữ liệu, phương thức kết nối trao đổi dữ liệu liên quan đến học bạ; hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai thử nghiệm học bạ số, hỗ trợ kỹ thuật khi cần... giúp tháo gỡ cơ bản những khó khăn hiện nay.
Các địa phương hy vọng việc này sẽ được triển khai ở các cấp học để hoàn thiện tính đồng bộ, hệ thống. Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định về học bạ số cũng được địa phương mong chờ để triển khai thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và phục vụ cho công tác chuyển đổi số quốc gia.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc