Trẻ em Ukraine tiếp cận giáo dục sau tiếng súng

Thứ bảy - 23/04/2022 22:39 130 0
GD&TĐ - Từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, có hơn 4 triệu người Ukraine đã rời khỏi quê hương. Hai triệu người trong số đó là trẻ em.
Trẻ em Ukraine tiếp cận giáo dục sau tiếng súng

Là cơ quan của Liên Hợp Quốc được giao nhiệm vụ điều phối và dẫn đầu về giáo dục toàn cầu, UNESCO đang xác định cách các quốc gia hỗ trợ và cung cấp giáo dục cho trẻ tị nạn Ukraine.

Bảo vệ tạm thời

Sau một tháng xảy ra xung đột, Ukraine báo cáo, có hơn 733 cơ sở giáo dục đã bị hư hại hoặc phá hủy. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho biết, ngoài việc học tập, giáo dục còn cung cấp một môi trường bảo vệ phù hợp hơn với các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, đặc biệt là trẻ em.

UNESCO cũng thông báo đang vận động hỗ trợ cho việc học liên tục, thông qua Liên minh Giáo dục Toàn cầu. Được thành lập vào năm 2020 để tạo điều kiện cho các giải pháp đào tạo từ xa trong đại dịch Covid-19, tổ chức sẽ cung cấp phần cứng máy tính và các công cụ học tập kỹ thuật số cho những trẻ em tị nạn.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo nào cũng là cuộc khủng hoảng giáo dục. Song, một yếu tố chưa từng có của cuộc chiến ở Ukraine, đó là Liên minh châu Âu (EU) đã sớm quyết định kích hoạt chương trình bảo vệ tạm thời. Nhờ đó, cho phép hàng triệu người rời khỏi Ukraine được hưởng các quyền bình đẳng.

Chương trình cấp quyền tiếp cận “cho những người dưới 18 tuổi được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời với các điều kiện tương tự như công dân của họ và công dân EU”. Được thông qua vào ngày 4/3, chưa đầy hai tuần sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, chỉ thị đã có tác động ngay lập tức.

Nhờ đó, thúc đẩy người tị nạn, bao gồm công dân Ukraine di chuyển tự do vào các nước EU. Theo UNESCO, động thái này kêu gọi sự phối hợp tăng cường của các quốc gia cả trong và ngoài EU. Qua đó, hỗ trợ người học, giáo viên và nhân viên giáo dục Ukraine.

Giúp học sinh hoà nhập

Trẻ em Ukraine tiếp cận giáo dục sau tiếng súng - Ảnh minh hoạ 2
Trẻ em Ukraine học tập và vui chơi tại một trường học ở Ba Lan.

UNESCO đã xác định cách các quốc gia hỗ trợ nhu cầu giáo dục của người tị nạn Ukraine. Một số biện pháp bao gồm: Chuyển tiếp để tích hợp người học vào giáo dục chính khóa; cân nhắc về ngôn ngữ và chương trình giảng dạy; hỗ trợ tâm lý xã hội, đào tạo và công nhận giáo viên. Ngoài ra, một số bước thiết thực khác liên quan đến quản trị, đăng ký, chứng nhận và hỗ trợ tài chính.

Trong lần đánh giá đầu tiên, UNESCO đã phân tích các điều khoản của 29 quốc gia và chia kết quả nghiên cứu thành các loại: Chuyển tiếp so với lồng ghép trực tiếp, giảng dạy và giáo viên, tín chỉ và kỳ thi, nguồn tài chính.

Nhiều quốc gia đã đề cập đến các chương trình và quy trình hiện có để đưa người nước ngoài vào hệ thống giáo dục của họ. Ví dụ, ở Bồ Đào Nha, sinh viên quốc tế có thể đăng ký trực tiếp vào các lớp pre-K (mẫu giáo). Trong khi đó, người học lớn hơn được đánh giá hoặc trải qua quy trình chuyển tiếp. Mục đích là để sinh viên Ukraine hòa nhập càng sớm càng tốt.

Do đó, Bồ Đào Nha đã đưa ra các biện pháp đặc biệt để người học Ukraine hội nhập nhanh chóng. Trong đó, các thủ tục được đơn giản hóa để cấp bằng nước ngoài tương đương cho học sinh Ukraine. Tương tự, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Litva, Slovakia và Tây Ban Nha đã đề cập đến các lớp học “bắc cầu”, “tiếp nhận” hoặc “thích ứng”.

Các biện pháp chuyển tiếp này cung cấp lớp học ngôn ngữ, giúp học sinh làm quen với hệ thống giáo dục địa phương. Đồng thời, cung cấp các cố vấn hỗ trợ tâm lý và đánh giá năng lực. Khi học sinh củng cố các kỹ năng ngôn ngữ và được đánh giá, trẻ có thể hòa nhập vào các lớp học bình thường.

Một số quốc gia cung cấp chương trình giáo dục công lập với việc giảng dạy bằng ngôn ngữ thiểu số. Ví dụ, ở Romania, có 45 trường học và 10 trường trung học phổ thông giảng dạy bằng tiếng Ukraina.

Một số sáng kiến cũng bao gồm kết nối sinh viên tị nạn Ukraine với các lựa chọn học từ xa bằng tiếng Ukraina. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng tuyên bố sẽ cho phép sinh viên Ukraine tiếp cận các cơ sở giáo dục đại học của họ, như Áo, Pháp,

Hungary, Ba Lan, Romania. Những quốc gia này đồng thời đề nghị miễn học phí hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Ví dụ, Vương quốc Anh đang khởi động Đề án Ngôi nhà cho Ukraine. Đề án dành cho các đơn xin thị thực từ người Ukraine được tài trợ.

Những người đến theo chương trình này có thể sống và làm việc ở Vương quốc Anh trong tối đa 3 năm. Họ cũng sẽ được chăm sóc sức khỏe, trợ cấp, hỗ trợ việc làm. Trong khi đó, con của họ sẽ được đi học tại các trường địa phương và học tiếng Anh.

Rào cản ngôn ngữ

Trẻ em Ukraine tiếp cận giáo dục sau tiếng súng - Ảnh minh hoạ 3
UNICEF đã cung cấp dụng cụ giáo dục mầm non cho trẻ em Ukraine tị nạn ở Ba Lan.

Theo UNESCO, một lượng lớn sinh viên tị nạn Ukraine sẽ mang lại những thách thức cụ thể cho các tổ chức giáo dục, như rào cản ngôn ngữ. Giáo viên sẽ cần hỗ trợ để giải quyết vấn đề đó, cũng như cách dần đưa học sinh vào một lớp học thân thiện. Giáo viên cũng cần giải quyết vấn đề làm thế nào để thảo luận về cuộc tấn công của Nga và tình trạng chiến tranh ở quê hương của họ. Đồng thời, tìm cách cung cấp cho người học sự hỗ trợ về văn hóa và tâm lý.

Bên cạnh việc cung cấp tài liệu và đào tạo về cách xử lý rào cản ngôn ngữ do Bộ giáo dục của một số quốc gia cung cấp, các lựa chọn khác bao gồm: Thử nghiệm tài liệu song ngữ, học tiếng Ukraina cơ bản, sử dụng ứng dụng dịch và sử dụng dịch vụ phiên dịch cho các giao tiếp phức tạp hơn.

Ngoài hỗ trợ ngôn ngữ, một biện pháp thường được đề cập trên các trang web của Bộ giáo dục các nước là cung cấp tài liệu và hướng dẫn cho giáo viên về cách thảo luận tới cuộc chiến với học sinh, bao gồm hội thảo trên web và podcast.

Ví dụ, Croatia, Cộng hòa Séc và Slovakia có những cẩm nang về cách bảo vệ sức khỏe tinh thần của học sinh, ngăn ngừa xung đột trong lớp học và nói về các chủ đề nhạy cảm. Thủ đô Paris (Pháp) đã thành lập một “đơn vị xử lý khủng hoảng” Ukraine. Một trong những dịch vụ của tổ chức này là cung cấp cho giáo viên thông tin trực tuyến về cách hỗ trợ những học sinh bị tổn thương.

Khoảng trống chính sách và các nguồn lực sẵn có

Theo UNESCO, thông qua chính sách về cách các quốc gia tổ chức thi cuối kỳ, chuyển đổi tín chỉ trong giáo dục đại học và kiểm định chất lượng giảng dạy, đến nay, có rất ít sự chuẩn bị để giúp đỡ sinh viên Ukraine. Hơn nữa, một số chính phủ đã phát triển các biện pháp tài chính để hỗ trợ đáp ứng giáo dục, như phân bổ ngoài ngân sách. Đó là trường hợp của Pháp, Italy, Ba Lan và Romania. Ví dụ,  Italy đã chi 1 triệu euro để đưa sinh viên Ukraine vào các hệ thống giáo dục quốc gia.

Về hỗ trợ tài chính trực tiếp, hầu hết các biện pháp tập trung vào sinh viên học đại học. Ví dụ, Áo đã miễn học phí cho sinh viên đại học Ukraine đang theo học tại các cơ sở giáo dục của nước này. Tại Litva, tùy thuộc vào năng lực của tổ chức, các nghiên cứu của công dân Ukraine sẽ được nhà nước tài trợ. Một số quốc gia cũng đang hỗ trợ ở giai đoạn đầu, như Romania. Tại đây, học sinh Ukraine có thể được ở miễn phí trong các trường nội trú. Người học cũng sẽ nhận được tiền trợ cấp.

Tăng cường đào tạo từ xa

Theo dữ liệu của Viện Thống kê UNESCO, tổng dân số trong độ tuổi đi học của Ukraine là hơn 6,84 triệu, từ cấp giáo dục mầm non đến đại học. Để đáp ứng các nhu cầu trên thực tế, UNESCO đang liên hệ thường xuyên với chính quyền địa phương, tất cả các đối tác liên quan. Qua đó, bảo vệ và khôi phục nền giáo dục trong nước, tập trung vào đào tạo từ xa.

“Phù hợp với các khuyến nghị của UNESCO, Ukraine đã có một hệ thống hiệu quả để đối phó với việc đóng cửa trường học do đại dịch Covid-19, thông qua nền tảng Trường học toàn Ukraine”, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục Stefania Giannini cho biết. Cũng theo bà Giannini, UNESCO đang làm việc với chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu hiện tại.

Trong bối cảnh cuộc xung đột tiếp diễn, dòng người rời Ukraine ngày càng tăng, UNESCO đang áp dụng một cách tiếp cận mở rộng đối với dự án dữ liệu của mình. Dữ liệu và phân tích sẽ diễn ra theo từng đợt với số lượng các quốc gia tăng dần. Nội dung cũng sẽ ngày càng chi tiết. Trong khi đó, các cách lọc và hình dung thông tin ngày càng phát triển.

Dữ liệu cũng sẽ chỉ rõ liệu có quốc gia không thuộc EU nào dựa vào luật hiện hành để tiếp cận giáo dục hay đang ban hành chỉ thị đặc biệt cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Phương pháp này cũng sẽ cho phép các quốc gia sở tại nắm bắt những bước cụ thể để hỗ trợ người học và giáo viên Ukraine, bao gồm cả sinh viên quốc tế đăng ký học tại các cơ sở giáo dục đại học Ukraine.

Theo UN

Tác giả bài viết: Kim Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập839
  • Hôm nay55,652
  • Tháng hiện tại333,782
  • Tổng lượt truy cập51,689,741
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944