Chọn trường hay chọn nghề trước?

Chủ nhật - 24/04/2022 04:57 200 0
GD&TĐ - Nhiều học sinh có tư duy muốn chọn trường đại học trước rồi mới xác định ngành nghề sau.
Chọn trường hay chọn nghề trước?

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cùng nhiều thầy cô đã có những phản biện xung quanh vấn đề này để giúp học sinh, phụ huynh cùng nắm rõ. 

Chọn nghề trước

Thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) cho hay: Chọn nghề thích hợp là quan trọng nhất. Chọn nghề thường theo nguyện vọng, chọn trường lại theo khả năng. Quá trình chọn nghề, chọn trường các em phải tỉnh táo để có quyết định phù hợp với bản thân. Ví dụ, cùng muốn làm một công việc nhưng học tốt có thể thi vào trường tốp đầu, trình độ chưa tốt thì thi vào cùng khoa đó nhưng của trường tốp sau. Khi vào trường đại học và nỗ lực vươn lên, học sinh này có thể không thua kém các bạn học giỏi mà ít kỹ năng thực tế.

Cũng theo thầy Nhâm, để học sinh hiểu được điều đó cần phải tổ chức các buổi tư vấn, cho các em tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, khám phá bản thân, thực hiện các bài khảo sát trắc nghiệm về nghề nghiệp. Trong nhiều năm qua, nhà trường đã mời chuyên gia giỏi đến trao đổi và hướng dẫn học sinh.

Tổ chức họp chung và gặp riêng phụ huynh để tư vấn hướng nghiệp bằng nhiều cách khác nhau: Chia nhóm ngành nghề của phụ huynh trong lớp, tổ chức thảo luận rút ra những điểm cơ bản từ “đời nghề” để phụ huynh trực tiếp tư vấn cho học sinh. Các phụ huynh đã chia sẻ tâm huyết, những lời “ruột gan” về nghề của mình. Có những trường hợp học sinh chọn nghề chưa phù hợp, nhầm cái mình thích với cái theo đuổi suốt đời, thầy cô sẽ hướng dẫn “đổi ước mơ”. Có em nghĩ mình sẽ là ca sĩ nổi tiếng, nhưng thực tế em đó có thể thành công trong một công việc khác và vẫn là cây văn nghệ nổi bật trong cơ quan của mình.

“Bên cạnh đó, nhà trường sẽ lấy nguyện vọng của học sinh và cha mẹ. Sau đó đối chiếu để phát hiện điểm “chênh” rồi trao đổi, tư vấn cho phụ huynh và học trò. Trường cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm về nghề tại các cơ sở sản xuất, làng nghề, trung tâm thực hành ở các trường đại học, cao đẳng. Trong năm học nếu điều kiện cho phép, học sinh được đến các trường đại học để thăm quan, trải nghiệm thực tế cũng như mời đại diện trường đại học trong và ngoài nước về tư vấn về các ngành nghề đào tạo. Qua đó góp phần thắp lên ngọn lửa ước mơ cho các em”, thầy Hà Xuân Nhâm nhấn mạnh thêm.

Với hơn 400 học sinh lớp 12, theo cô Nguyễn Thị Minh Thu – Hiệu trưởng Trường THPT B Phủ Lý (Hà Nam), do điều kiện dịch bệnh Covid-19 nên thời gian qua, nhà trường không thể tổ chức được nhiều hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Thầy trò cơ bản vẫn bám theo từng chủ đề của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành mảng hướng nghiệp.

Thực tế cho thấy, vẫn có bộ phận học sinh và phụ huynh có tư tưởng “chọn trường trước rồi chọn nghề sau”. Khi đó, thầy cô sẽ tư vấn, trao đổi để các em và gia đình hiểu được rằng, ngành nghề mình lựa chọn sau này mới là điều quan trọng chứ không phải là ngôi trường đại học nào. Nếu vào được trường danh giá mà không được học đúng chuyên ngành mình yêu thích và có sở trường thì sau này ra trường sẽ rất khó khăn. Do vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp để học sinh chọn nghề, chọn trường phù hợp với bản thân luôn đóng vai trò quan trọng.

Chọn trường hay chọn nghề trước? - Ảnh minh hoạ 2
PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). 

Nên lập kế hoạch khi chọn được nghề

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Chọn trường, chọn ngành hay chọn nghề, thí sinh nên tập trung vào cái gì? Nhiều khi việc trả lời câu hỏi này khiến không ít phụ huynh và học sinh khó nghĩ. Theo kinh nghiệm cá nhân, câu hỏi chung để bắt đầu suy nghĩ về nghề nghiệp là bạn muốn trở thành ai khi lớn lên. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể tưởng tượng ra mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nó sẽ giúp các em suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp để thu hẹp khoảng cách lựa chọn với việc muốn học ngành/chuyên ngành gì.

Trong bối cảnh có quá nhiều chương trình đào tạo. Chương trình nào cũng tuyên bố hùng hồn về chuẩn đầu ra và vị trí việc làm khiến các gia đình hoang mang và bắt đầu từ chọn trường vì tìm kiếm thông tin liên quan dễ hơn tìm kiếm thông tin về các ngành đào tạo uy tín. Thực trạng này cũng xuất hiện ở một số quốc gia khác. Có số liệu cho thấy, so với những em chọn lựa ngành học, số bắt đầu bằng việc chọn trường có tỷ lệ bỏ học cao hơn.

Thời gian tốt nghiệp trung bình dài hơn vì họ hay thay đổi ngành đào tạo. Điều này còn làm tăng gánh nặng chi phí tài chính của các gia đình. Thậm chí, nhiều trường đại học trên thế giới còn cho phép thí sinh nếu chưa tìm được ngành học mình thực sự ưng ý có thể lựa chọn hình thức “không khai báo”. Và với những trường có chính sách này, sinh viên năm nhất lựa chọn hình thức “không khai báo” chuyên ngành thường chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: Các em hãy nhớ, việc lựa chọn ngành không phải là một bản án không thể thay đổi được. Nếu chưa xác định được ngành thì lựa chọn “chưa xác định” cũng là một phương án. Nhưng ngay sau đó phải có phương hướng để hiểu mình, hiểu ngành nghề giúp sớm ra quyết định. Để hiểu mình, có nhiều công cụ trắc nghiệm tiêu chuẩn cho việc này. Hãy xác định mình thích gì, kỹ năng nào tốt, có tài lẻ nào, những giá trị của cá nhân mình là gì, tính cách bản thân, thích công việc linh hoạt hay lặp lại…

Ngoài ra, để hiểu về ngành nghề, chúng ta có thể tra cứu danh mục các nghề nghiệp ở Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế ấn hành với hơn 185 nghề. Học sinh có thể nghiên cứu kỹ bản mô tả chương trình đào tạo mà các trường công khai về ngành học, đọc xem các học phần trong đó có gì hấp dẫn.

“Các em có thể tìm hiểu nghề nghiệp qua việc đăng ký thực tập trải nghiệm, làm tình nguyện viên giúp việc hoặc có thể trải nghiệm qua game mô phỏng. Có nhiều cách thức giúp học sinh khám phá, trải nghiệm nghề nghiệp. Thời gian không đợi, tiền bạc không cho phép để cho ta lần lượt thử xem thế giới rộng lớn kia có cái gì hợp với mình nên dù chọn gì trước chúng ta đều phải lập kế hoạch cho phép mình có thể hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định” – PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.

Tác giả bài viết: Khôi Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập848
  • Hôm nay53,049
  • Tháng hiện tại331,179
  • Tổng lượt truy cập51,687,138
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944