Trẻ từ mầm non đến lớp 6: Chờ ngày gặp mặt

Thứ tư - 09/02/2022 23:26 219 0
GD&TĐ - Phụ huynh, học sinh, các nhà trường và thầy cô đang mong chờ ngày mở cửa trường để đón học sinh mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6.
Trẻ từ mầm non đến lớp 6: Chờ ngày gặp mặt

Đến nay, công tác đón học sinh ở các cấp lớp này được các cơ sở phía Nam hoàn tất và trong trạng thái sẵn sàng.

Sẵn sàng đón trò đến lớp

Dịch Covid-19 đã dần ổn định tại các địa phương phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Theo kế hoạch, học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TPHCM có thể đi học trở lại 2 buổi/ngày hoặc bán trú tất cả khối lớp.

Những ngày qua, TPHCM tiếp tục duy trì cấp độ 1 của dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế. Mới đây, UBND TPHCM đã ra thông báo, trẻ mầm non, các học sinh tiểu học và lớp 6 sẽ học trực tiếp theo lộ trình, dựa trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc và học sinh. Theo đó, từ 10 - 13/2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, tập huấn công tác chống dịch Covid-19. Từ 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và tiểu học đến trường, trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận thì học sinh tiếp tục học trên truyền hình và các loại hình phương tiện truyền thông khác.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết: Sở đã giao quyền cho hiệu trưởng các trường phổ thông chủ động xây dựng phương án dạy học cho học sinh. Sở GD&ĐT TPHCM khuyến khích các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mở lớp bán trú, nội trú, mở cửa căng tin nhà trường... nếu đạt điều kiện về phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT TPHCM cũng lưu ý các trường THCS, THPT không được tổ chức các hình thức dạy học, hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường. Đối với bậc mầm non, sở dự kiến sẽ cho trẻ 3 - 6 tuổi đi học trước, nhằm giúp các trường từng bước thích ứng, có kinh nghiệm xử lý tình huống khi toàn bộ trẻ đi học lại.

Thời gian đầu, các trường mầm non được tổ chức bán trú nhưng không có ăn sáng. Giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác vệ sinh cá nhân như rửa tay, đeo khẩu trang, sát khuẩn đúng cách; giáo dục ý thức giữ gìn sức khỏe bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh. Với trẻ 5 tuổi, nhà trường đảm bảo nội dung giáo dục nhằm chuẩn bị nền tảng, kỹ năng học tập trước khi vào lớp 1.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM còn yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ hoạt động giáo dục thể chất, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được vận động thể lực, tham gia hoạt động ngoại khóa trong khuôn viên nhà trường. Các cơ sở giáo dục trước khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại phải được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của TPHCM kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng dịch.

Học sinh tham gia học tập trực tiếp theo tinh thần tự nguyện, việc tổ chức, biên chế lớp học do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên và được đánh giá kết quả học tập vào mỗi cuối tuần. Riêng môn Tiếng Anh lớp 1, 2, học sinh sẽ ôn tập kiến thức trong giai đoạn học gián tiếp, tập trung kỹ năng nghe, nói; tránh, giảm các hoạt động mang tính tiếp xúc gần. Với lớp 3, 4, 5, khảo sát tình hình tiếp thu của học sinh trong giai đoạn học trực tuyến, chuẩn bị kiến thức trọng tâm trong 2 tuần đầu, sau đó dạy theo đúng tiến độ chương trình.

Trẻ từ mầm non đến lớp 6: Chờ ngày gặp mặt - Ảnh minh hoạ 2
Thầy, cô giáo vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Q. Ngữ

Thời điểm chín muồi để học sinh đến trường

Theo chia sẻ của các giáo viên và phụ huynh, sau Tết Nguyên đán là thời điểm chín muồi để cho học sinh tiểu học đến trường. Học sinh, nhất là học sinh tiểu học không thể ở nhà và học trực tuyến mãi. Trẻ cần giao tiếp để phát triển vốn từ, rèn kỹ năng mềm...

Hay tin con trở lại trường vào ngày 14/2, chị Trần Thanh Ngân, ngụ xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), vui mừng cho biết: “Trước khi mở cửa trường tiểu học, lãnh đạo ngành y tế cần thực hiện công tác truyền thông thật kỹ, giải thích rõ cho phụ huynh biết học sinh tiểu học khi đi học thì mức độ lây nhiễm Covid-19 như thế nào, có nguy hiểm đến tính mạng không. Phụ huynh cần phải chuẩn bị gì cho con mình. Dù đa số phụ huynh mong muốn con em trở lại học trực tiếp nhưng vẫn còn một số e ngại dịch bệnh”.

Theo ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, từ ngày 14/2 học sinh từ lớp 1 - 5 học trực tiếp. Công việc trước tiên là các cơ sở giáo dục cần tham khảo ý kiến của phụ huynh học sinh để tạo sự đồng thuận.

“Tỉnh đang tập trung thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, giúp học sinh vượt qua khó khăn trong thời gian dài học trực tuyến để sớm ổn định tâm lý khi trở lại học trực tiếp. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, y tế địa phương, cha mẹ trong việc quản lý các em; kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; tuyệt đối không để dịch bệnh xảy ra trong trường học”, ông Gan nhấn mạnh.

Tại Tiền Giang, sở GD&ĐT dự kiến trình UBND tỉnh thời gian trở lại trường từ 14/2 đối với học sinh khối lớp 1, 2, 5, 6 và mầm non 5 tuổi. Từ ngày 21/2, học sinh khối 3, 4 và mầm non, nhóm trẻ còn lại đến trường theo tinh thần tự nguyện. Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Học sinh được trở lại trường là điều đáng mừng đối với toàn ngành Giáo dục trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Ngành Giáo dục tỉnh đã lưu ý các cơ sở giáo dục tổ chức tốt các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường. Sau khi ổn định, các trường tiếp tục giảng dạy những nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá các nội dung trong chương trình học kỳ II năm học 2021 - 2022 một cách phù hợp.

Theo ông Lê Quang Trí, thực tế cho thấy, sau thời gian học trực tuyến kéo dài, khá nhiều học sinh xuất hiện “sức ỳ tâm lý”, không muốn đi học trở lại. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, khi đi học trực tiếp, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch bệnh, rất cần sự phối hợp từ phía nhà trường và gia đình nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để cùng chia sẻ, hướng dẫn các em trong những ngày đi học trực tiếp trở lại. Học sinh cần phải xác định vấn đề đi học trực tiếp là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Tác giả bài viết: Nam Anh - Quốc Ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập674
  • Hôm nay40,759
  • Tháng hiện tại318,889
  • Tổng lượt truy cập51,674,848
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944