Sáng tạo và trách nhiệm
Ngành GD Trấn Yên đã tổ chức sinh hoạt liên trường để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ GV. Những khối lớp triển khai thực hiện Chương trình GD phổ thông mới trước, ưu tiên đảm bảo đủ số lượng GV theo quy định đối với mỗi cấp học. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ GV theo định mức thì có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng địa phương để bảo đảm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.
Trong giờ học của cô và trò lớp 1A Trường TH&THCS Kiên Thành, huyện Trấn Yên, không có máy chiếu, bảng thông minh hỗ trợ bài giảng, cô giáo đã sáng tạo sử dụng hình ảnh từ chiếc tivi treo tường. Với cách làm này, giáo viên đã tạo được sự hấp dẫn cho các môn học, thể hiện những điều hay mà sách mới đem lại, cách làm này khiến học sinh cảm thấy thú vị, dễ hiểu bài hơn.
Thầy Đào Trọng Hai - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường thuộc địa bàn xã vùng 3 của huyện, trên 90% học sinh là con em gia đình dân tộc thiểu số còn khó khăn. Do vậy, khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, khó khăn về cơ sở vật chất là điều khó tránh khỏi. Với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm nên 100% học sinh lớp 1 của nhà trường đều có sách giáo khoa theo chương trình mới.
Trong điều kiện chưa có máy chiếu và bảng thông minh thì tất cả các lớp học thực hiện chương trình thay sách lớp 1 đều có tivi sử dụng thay. Linh hoạt và sáng tạo trong cách làm, các cô giáo đã kết nối với máy tính cá nhân để trình chiếu trên tivi cho học sinh quan sát những hình ảnh trực quan. Những sáng tạo này nhỏ thôi nhưng lại đem lại hiệu quả tốt.
Còn ở Trường TH&THCS Hòa Cuông, huyện Trấn Yên cũng chưa có phòng học thông minh với bảng tương tác. Thực hiện chương trình GDPT 2018, với 3 chiếc máy chiếu di động ưu tiên dùng cho 2 lớp 1 và một số hoạt động của các lớp khác, cô giáo Phạm Thị Kiều Vân - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hòa Cuông chia sẻ: Các cô giáo đã tận dụng tối đa thiết bị có sẵn và quan trọng hơn cả là tình yêu nghề, bằng kinh nghiệm và nhiệt huyết đã truyền tải bài học đến các em hiệu quả nhất.
Tự tin cho thay sách 2 – 6
Ông Vũ Quốc Long – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên chia sẻ: Bài học kinh nghiệm thực hiện thành công thay sách lớp 1 trước tiên là tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong khó khăn của giáo viên. Tiếp đó là sự đồng lòng của phụ huynh học sinh trong triển khai thực hiện, từ mua sách giáo khoa, xây dựng cơ sở vật chất đến việc đồng hành cùng con sau mỗi bài học. Các giáo viên và nhà trường đã nhập cuộc nhanh chóng, sáng tạo trong từng môn học và mỗi giờ lên lớp.
Trường TH&THCS số 2 Hồng Ca đóng trên địa bàn vùng khó của huyện Trấn Yên với đa số là học sinh người dân tộc H’Mông. Thầy giáo Liễu Anh Cường tâm sự: Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, tham mưu để đưa vào Nghị quyết của HĐND xã và Nghị quyết của Đảng ủy xã để có sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện. Giáo viên đến từng thôn bản để giải thích cho phụ huynh HS hiểu. Phụ huynh từ hiểu đã đồng lòng cùng nhà trường, tạo điều kiện để con em học tập tốt nhất.
Để thực hiện thay sách cho lớp 2 và lớp 6 năm tới, chúng tôi đang yêu cầu giáo viên lớp 5, giáo viên lớp 6 tiếp tục nghiên cứu các bộ sách và sách hướng dẫn lớp 5, có những nội dung tiếp cận được với lớp 6 sang năm. Trên cơ sở góp ý của GV, các tổ bộ môn ghi nhận và ý kiến cùng hội đồng sư phạm trường đưa ra cách thức triển khai dạy học. Trong đó đặc biệt lưu ý chương trình mới theo hướng phát triển năng lực, giúp các em tiếp cận, làm quen để có tâm lý học tập tốt nhất.
Trưởng phòng GD&ĐT Trấn Yên Vũ Quốc Long tâm sự: Thực hiện chương trình mới tích hợp, giáo viên không phải ai cũng làm được ngay, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường ưu tiên chọn GV có kinh nghiệm tham gia trước, các GV khác sẽ có hướng dẫn tập huấn, sinh hoạt chuyên môn theo bài học để giáo viên cùng làm quen và trao đổi kinh nghiệm.
Kế thừa kinh nghiệm thực hiện hiệu quả thay sách lớp 1, để triển khai thay sách lớp 2, lớp 6, Phòng GD&ĐT đang điều chỉnh, sắp xếp lại một số môn cho hợp lý. Đến nay sách giáo khoa mới đã được thông qua, chúng tôi tiếp tục yêu cầu các nhà trường tổ chức nghiên cứu sách, tiếp tục đề xuất cách thực tổ chức thực hiện trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất.