Triển khai Giáo dục quốc phòng và an ninh sao cho hấp dẫn người học

Thứ năm - 21/12/2023 20:08 195 0
Thời gian qua, việc triển khai môn học này có cải thiện rõ nét về chất lượng. Các nhà trường cũng nhận diện thuận lợi, khó khăn và có giải pháp để triển khai giảng dạy thiết thực, hấp dẫn người học, mang lại hiệu quả cao. Môn học quan trọng Khẳng định vai trò quan trọng của Giáo dục quốc phòng và...
Triển khai Giáo dục quốc phòng và an ninh sao cho hấp dẫn người học

Thời gian qua, việc triển khai môn học này có cải thiện rõ nét về chất lượng. Các nhà trường cũng nhận diện thuận lợi, khó khăn và có giải pháp để triển khai giảng dạy thiết thực, hấp dẫn người học, mang lại hiệu quả cao.

Môn học quan trọng

Khẳng định vai trò quan trọng của Giáo dục quốc phòng và an ninh, cô Nguyễn Thị Hoài Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) cho rằng, môn học này giúp học sinh rèn luyện tác phong nghiêm túc, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật tốt.

Thông qua học lý thuyết, học sinh có hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

“Theo Chương trình GDPT 2018, Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học bắt buộc, giữ vai trò quan trọng trong chương trình học tập của học sinh. Triển khai giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh sao cho thiết thực, hấp dẫn người học, sát yêu cầu thực tế, mang lại hiệu quả cao... là những thách thức đặt ra cho các nhà trường, đơn vị và đội ngũ giáo viên”. - Thầy Nguyễn Ngọc Hưng, Trường THPT Nguyễn Thị Định (Bến Tre)

Giờ học thực hành trang bị cho học sinh hiểu biết và kỹ năng về đội ngũ, đội hình, các chiến thuật cũng như một số loại vũ khí, khí tài. Qua đó, học sinh biết phân biệt, sử dụng và trang bị cho mình những kỹ thuật cơ bản để phòng tránh khi kẻ thù sử dụng vũ khí tấn công.

Ngoài ra, với Giáo dục quốc phòng và an ninh, học sinh được trải nghiệm kỷ luật trong môi trường quân đội, hướng các em làm việc theo nguyên tắc, kỷ cương; hoàn thiện kỹ năng sống, trưởng thành hơn...

Thầy Nguyễn Ngọc Hưng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Định (Bến Tre) nhận định, Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, ý chí kiên cường.

“Đây là môn học thiết thực nhưng mang tính đặc thù cao, nội dung chuyển tải lớn trong thời gian ngắn, nên việc đổi mới phương pháp truyền thụ là yêu cầu cấp thiết, quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhận thức sâu sắc về vai trò môn học, Trường THPT Nguyễn Thị Định luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi gợi đam mê học tập, tự tin, rèn luyện kỹ năng quân sự, an ninh cho người học”, thầy Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ.

Với thầy Lê Trung Trực, giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình), giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Môn học này góp phần không nhỏ giúp học sinh nhận thức và hành động đúng đắn, tránh được các tệ nạn xã hội đang tồn tại và phát triển hàng ngày, hàng giờ hiện nay.

Giờ học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Giờ học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên). Ảnh: NTCC

Thuận lợi, khó khăn đan xen

Là môn học khá đặc thù, giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường bên cạnh thuận lợi cũng còn không ít khó khăn. Chia sẻ của cô Phùng Thị Huyền, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên), nhà trường hiện đã có đủ 2 biên chế giáo viên Giáo dục quốc phòng an ninh, đảm nhiệm giảng dạy cho hơn 1.000 học sinh. Các lớp học theo thời khóa biểu chính khóa, mỗi lớp học 1 tiết/tuần trên lớp và trong khuôn viên sân trường.

Hằng năm, giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, hội thảo các cụm nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Trường THPT trên địa bàn huyện được trang bị súng cấp 5 hoán cải; máy bắn tập trên thiết bị máy tính và tính điểm thực thế; các trang thiết bị như lựu đạn tập, tủ đựng súng, giá, bia để học sinh tiện luyện tập…

Tuy nhiên, khó khăn được cô Phùng Thị Huyền chia sẻ là học sinh trên lớp khá đông, trong khi số trang thiết bị để phục vụ cho nhu cầu thực hành chưa đầy đủ. Trường chưa có nhà đa năng nên các giờ Giáo dục quốc phòng an ninh đều học ngoài sân như giáo dục thể chất. Học sinh chưa có trang phục riêng của bộ môn để tiện hơn trong tập luyện các nội dung.

Với Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình), dù trang thiết bị phục vụ giảng dạy tương đối đầy đủ, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo về chế độ giáo viên giảng dạy, nhưng khó khăn lớn nhất trường gặp phải là đội ngũ.

Theo thầy Lê Trung Trực, giáo viên môn Giáo dục quốc phòng an ninh và Giáo dục thể chất, do là giáo viên thể dục được đào tạo chứng chỉ Giáo dục quốc phòng, an ninh nên kỹ năng thực hành động tác một số thầy cô còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Soạn bài giảng điện tử cho nội dung lý thuyết chưa được áp dụng nhiều.

Bên cạnh đó, nhà trường còn hạn chế về diện tích sân tập nên không có mặt bằng để xây dựng thao trường tập luyện các tư thế động tác vận động cơ bản trong chiến đấu, thao trường tập bắn súng tiểu liên AK, sân tập ném lựu đạn…

Chia sẻ về thuận lợi, cô Nguyễn Thị Hoài Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết, triển khai dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh luôn được huyện Trà Ôn, Sở GD&ĐT quan tâm.

Đội ngũ giáo viên đáp ứng về số lượng, chất lượng; được đào tạo theo đúng yêu cầu, có năng lực chuyên môn giỏi; phương pháp dạy học hiệu quả, thu hút học sinh yêu thích môn học. Trang thiết bị giảng dạy khá đầy đủ. Trường thường xuyên rà soát, đăng ký mua sắm trang thiết bị bảo đảm chất lượng dạy học bộ môn, hướng tới đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới. Các loại vũ khí, thiết bị phục vụ dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh thường xuyên bảo trì. Học sinh nghiêm túc, tích cực, phối hợp hiệu quả với giáo viên bộ môn.

Hướng dẫn tháo lắp súng. Ảnh: NTCC

Hướng dẫn tháo lắp súng. Ảnh: NTCC

Cùng với việc dạy học bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT quy định, nhà trường còn linh hoạt kết hợp tuyên truyền học sinh các quan điểm của Đảng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục về an ninh mạng; tuyên truyền sâu rộng Luật Nghĩa vụ quân sự đến học sinh để các em thực hiện đúng quy định của pháp luật…

Khó khăn với nhà trường khi triển khai dạy học môn này là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát huy phẩm chất và năng lực của người học; nghiên cứu, tiếp cận nội dung Chương trình GDPT 2018 chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thông tin về dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường THPT Nguyễn Thị Định (Bến Tre), thầy Nguyễn Ngọc Hưng, giáo viên nhà trường đánh giá có cải thiện rõ nét về chất lượng dạy học. Chương trình học được trường quản lý chặt chẽ như môn học khác, có đánh giá, kiểm tra đúng quy định, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài các tiết học theo chương trình, nhà trường còn tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức ngoại khóa, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú.

“Có thể nói, triển khai dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh được sự quan tâm sau sát của Sở GD&ĐT Bến Tre; trong đó có vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Lãnh đạo nhà trường cũng rất quan tâm đến môn học này. Đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn và năng lực về chuyên môn, được tập huấn tiếp cận đổi mới theo Chương trình GDPT 2018. Đó là những thuận lợi cơ bản khi triển khai.

Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ học sinh còn xem nhẹ, chưa quan tâm đến môn học, ngại khó khăn khi tập luyện nội dung học thực hành nên cũng ảnh hưởng đến kết quả bộ môn. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nội dung chương trình nhiều, gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên trong quá trình truyền tải kiến thức, năng lực, học sinh gặp khó khăn khi tiếp cận. Chương trình khối 10 và 11 trang thiết bị chưa được đầy đủ nên việc giảng dạy cũng có khó khăn”, thầy Nguyễn Ngọc Hưng cho hay.

Hướng dẫn tháo lắp súng trong giờ học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long). Ảnh: NTCC

Hướng dẫn tháo lắp súng trong giờ học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long). Ảnh: NTCC

Đẩy mạnh chất lượng dạy học

Để khắc phục khó khăn, thầy Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, nhà trường đã chủ động định hướng nhận thức, tư tưởng, hành động, xây dựng động cơ học tập cho học sinh. Cùng với việc chú trọng hơn nữa trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nguyên tắc an toàn được quan tâm đặc biệt, không để xảy ra mất an toàn về con người, vũ khí trang bị.

“Là người trực tiếp giảng dạy môn học, tôi mong rằng, việc rà soát, bổ sung trang thiết bị, mô hình học cụ, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh được quan tâm hơn nữa. Hằng năm sẽ có tổng kết rút kinh nghiệm từ các đơn vị để học hỏi kinh nghiệm, giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại trong giảng dạy”, thầy Nguyễn Ngọc Hưng bày tỏ.

Chia sẻ giải pháp của Trường THPT Công nghiệp, thầy Lê Trung Trực cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh rất cụ thể. Theo đó, nội dung, chương trình, hình thức giảng dạy triển khai đúng theo Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ngày 24/11/2020 ban hành Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT. Nhà trường đầu tư mua sắm đầy đủ cơ sở vật chất, bảo đảm dạy học.

Đối với công tác giảng dạy, Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng dạy học tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy thông qua trình chiếu bài giảng điện tử; lấy ví dụ minh họa sát thực tiễn gắn với lịch sử truyền thống và các hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình.

“Nhà trường cũng rất coi trọng việc quản lý, bảo quản các trang thiết bị, bảo đảm an toàn, không để xảy ra mất mát. Quán triệt giáo viên về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi thực hành sử dụng súng, lựu đạn”, thầy Lê Trung Trực thông tin thêm.

Theo cô Phùng Thị Huyền, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải đã và đang đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Bên cạnh đó, thầy cô khắc phục khó khăn, tận dụng không gian có sẵn và thuận lợi nhất cho luyện tập để bảo đảm an toàn, tránh ảnh hưởng tới các lớp…

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả hơn môn học, cô Phùng Thị Huyền mong muốn nhà trường có nhà đa năng, khu tập riêng cho bộ môn để tiện cho học sinh luyện tập; tăng cường số lượng trang thiết bị và tạo điều kiện tốt hơn nữa cho giáo viên giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Bên cạnh các giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp, cô Nguyễn Thị Hoài Dung cho biết, Trường THPT Vĩnh Xuân sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ giáo viên không ngừng học hỏi, trao đổi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức bộ môn; từ đó thu hút học sinh học tập môn này ngày càng hiệu quả hơn. Trường đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát huy phẩm chất và năng lực của người học.

“Hằng năm, trường tiến hành Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh toàn trường, nhằm gắn hoạt động học tập với thực tiễn, góp phần nâng cao trình độ giảng dạy, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập rèn luyện của học sinh. Qua hội thao phát hiện học sinh có thành tích cao để tuyển chọn đội tuyển tham dự Hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh học sinh THPT tỉnh Hòa Bình”. - Thầy Lê Trung Trực, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình)

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập810
  • Hôm nay49,993
  • Tháng hiện tại328,123
  • Tổng lượt truy cập51,684,082
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944