Nhận diện khó khăn
Trong thời gian nghỉ dịch, Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội luôn đi đầu trong quận Thanh Xuân về giảng dạy trực tuyến, hiệu quả, kịp thời. Các điều kiện về nhân lực, vật lực để triển khai DHTT tại trường cơ bản được đáp ứng.
Dù vậy, theo cô Nguyễn Thanh Ngọc - giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Giót - đặc thù của khối tiểu học, học sinh còn nhỏ, nhất là học sinh lớp 1, 2, việc chủ động thao tác máy tính hiệu quả chưa cao, vì vậy rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh.
Bên cạnh đó, qua quan sát thực tế ở nhiều trường tiểu học, đặc biệt những trường nông thôn, vùng cao, cô Nguyễn Thanh Ngọc cho biết vẫn còn nhiều khó khăn.
Ví dụ trường ở nông thôn, đội ngũ giáo viên tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Cơ sở vật chất của nhiều trường chưa được trang bị đầy đủ. Thậm chí, phía gia đình học sinh cũng chưa có hỗ trợ cần thiết về thiết bị học tập trực tuyến cho con em tốt nhất. Nhiều học sinh ở với ông bà nên sự hướng dẫn từ người lớn trong quá trình học tập trực tuyến gần như không có, học sinh phải tự thao tác hoàn toàn…
Tại Nghệ An, thông tin từ ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT, DHTT được chính thức triển khai từ học kỳ II năm học 2019-2020. Trước đó, trong triển khai dạy học, các trường đã sử dụng những hình thức trực tuyến để hỗ trợ cho học sinh như: giao bài tập, trao đổi qua mạng xã hội, youtube, mail...
Nhưng các hoạt động trên chỉ mang tính chất bổ trợ, bổ sung nguồn tài liệu, kiến thức cho học sinh. Chỉ đến khi các trường phải nghỉ học đồng loạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nghệ An mới chính thức triển khai một cái bài bản, đồng bộ, và có kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Qua đó, vừa giúp không gián đoạn việc dạy học ở các nhà trường, đảm bảo chất lượng giáo dục và công tác quản lý.
Nói về khó khăn, ông Nguyễn Tiến Dũng nhắc đến hạn chế về hạ tầng kỹ thuật DHTT như phần mềm, công nghệ thông tin, đường truyền... Một số vùng khó khăn, vùng sâu đường truyền, sóng Internet không tới nơi. Địa hình phức tạp cũng gây nhiều khó khăn trong triển khai DHTT.
Thứ 2, thiết bị học tập của học sinh thiếu như máy tính, điện thoại thông minh. Nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số hầu như không có điều kiện để được mua sắm, trang bị những thiết bị này.
Thứ 3 là sự phối hợp giữa giáo viên - phụ huynh trong quản lý học sinh khi tự học ở nhà.
Thứ 4 là năng lực tự học của học sinh nói chung vẫn còn hạn chế. Vì đặc trưng của học trực tuyến đòi hỏi ý thức tự giác, năng lực tự học rất cao. Mà điều này đối với học sinh chỉ mới ở một mức độ nhất định.
“Mặc dù có nhiều khó khăn trong điều kiện DHTT, nhưng ngành Giáo dục Nghệ An nói chung, các nhà trường nói riêng đã triển khai tương đối hiệu quả cả về chất lượng và số lượng học sinh tham gia.
Riêng trong tháng 3, 4/2020: Nghệ An là tỉnh được VNPT thống kê đứng đầu toàn quốc về số lượng giáo viên - học sinh tham gia DHTT trên hệ thống LMS với gần 300.000 tài khoản của học sinh”. - ông Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Đã có hành lang pháp lý
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức DHTT trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội, tinh thần của Thông tư này cho thấy sự công nhận và vai trò tương đồng của giảng dạy trực tuyến và trực tiếp. Đây là điểm rất quan trọng để có thể triển khai DHTT đúng bản chất, phát huy hiệu quả và tính ưu việt của giảng dạy trực tuyến.
Các cơ sở giáo dục sẽ được chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, trong đó có DHTT và các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức DHTT. Đó là thuận lợi nổi bật mà Thông tư mang lại cho các cơ sở giáo dục.
Khẳng định Thông tư mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành có ý nghĩa quan trọng và kịp thời trong giai đoạn này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh trước hết đó là công nhận về tính pháp lí của hình thức DHTT.
Trong đó có công nhận về việc thực hiện chương trình và hình thức kiểm tra đánh giá định kì trực tuyến và kết quả triển khai DHTT theo chương trình năm học. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai tại các địa phương trong thời gian tới.
Về phía Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Dũng cho biết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn để từ năm học 2021-2022 duy trì cả 2 hình thức dạy học trực tiếp và DHTT trong các nhà trường.
Đối với DHTT, Sở sẽ có hướng dẫn để các nhà trường từng bước triển khai với các mức độ khác nhau như: DHTT hỗ trợ dạy học trực tiếp (thực hiện một phần nội dung bài học, chủ đề), DHTT thay thế DHTT (thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề).
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Điều được nhất khi kết hợp dạy học trực tiếp và DHTT sẽ giúp nhà trường, giáo viên linh hoạt, tự chủ trong tổ chức dạy học để thực hiện chương trình trong từng bối cảnh, tình huống cụ thể.
DHTT sẽ mở ra hình thức dạy học thứ 2 trong điều kiện không thực hiện được dạy học trực tiếp. Ngoài ra, việc dạy học sẽ không còn gói gọn trong không gian lớp học cụ thể mà có thể mở ra phạm vi rộng lớn hơn” – ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
3 nguồn lực quan trọng
Để triển khai DHTT hiệu quả, cô Nguyễn Thanh Ngọc mong muốn sẽ được bồi dưỡng, tập huấn thêm những lớp học chuyên về CNTT; được tham dự nhiều cuộc thi về soạn bài giảng, phần mềm điện tử phục vụ cho giảng dạy, hoặc được tham gia những lớp học truyên đề về bài giảng mẫu phục vụ cho việc DHTT.
Với những trường vùng nông thôn, vùng cao thì cơ sở vật chất cũng là vấn đề mà đội ngũ giáo viên mong muốn được trang bị, đáp ứng, hỗ trợ đầy đủ hơn.
Sự động viên, định hướng thường xuyên của Ban giám hiệu, tổ chuyên môn cũng là yếu tố quan trọng để giáo viên luôn nỗ lực hết mình cho việc sáng tạo, đổi mới phương pháp trong DHTT.
Bên cạnh những yếu tố trên, cô Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, phụ huynh cũng phải hiểu được mục đích của DHTT là giúp học sinh nắm rõ được kiến thức cơ bản của từng bài học. Vì vậy, khi các con tham gia học tập trực tuyến, phụ huynh cần quan tâm chuẩn bị những trang thiết bị và sát sao hơn với những buổi học của con, giúp con có thể tập trung vào bài học hơn.
Tiếp đó, phụ huynh cộng đồng trách nhiệm với nhà trường, nhắc nhở và hướng dẫn con cách thức để học trực tuyến, giúp con thao tác thành thạo và hỗ trợ con trong việc trao đổi hay nộp bài cho giáo viên. Thường xuyên trao đổi với giáo viên để cùng nhau giúp con tiếp cận kiến thức qua DHTT hiệu quả nhất.
“Vai trò của phụ huynh trong việc học sinh học tập kiến thức qua DHTT rất quan trọng. Nếu được phụ huynh quan tâm hỗ trợ, đồng hành thì chắc chắn việc học tập của con sẽ hiệu quả và tiến bộ từng ngày” – cô Ngọc khẳng định.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Nghiêm Xuân Huy, cho rằng, để triển khai DHTT hiệu quả, 3 nguồn lực quan trọng các cơ sở giáo dục cần bảo đảm, đó là:
Thứ nhất: Về con người, cần chuẩn bị cho các thầy cô giáo sẵn sàng về nhận thức, kỹ năng, kiến thức để tổ chức DHTT. Mọi sự thay đổi trong giáo dục nên được bắt đầu từ người thầy.
Thứ hai: Về hạ tầng, các trường cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ phù hợp. Đặc biệt là trang thiết bị để hỗ trợ giáo viên xây dựng nội dung giảng dạy, áp dụng phương pháp giảng dạy mới, thiết kế các hoạt động kiểm tra đánh giá mới…
Thứ ba: Về chính sách, các trường nên xây dựng cơ chế công nhận, ghi nhận nỗ lực của giáo viên trong DHTT; cơ chế hỗ trợ về tài chính và quy đổi khối lượng giảng dạy khi giáo viên tham gia giảng dạy trực tuyến.