Song bằng kinh nghiệm tích lũy từ năm trước, linh hoạt trong xây dựng nội dung chương trình, hình thức giảng dạy phù hợp thực tế, tin rằng, mỗi thầy cô, nhà trường và địa phương vững tâm thế hoàn thành mục tiêu kép năm học mới.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng: Cộng đồng sẻ chia, cổng trường rộng mở
Trước thềm năm học 2021 – 2022, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu không có học sinh bỏ học vì lí do gia đình khó khăn. Cùng với chính sách hỗ trợ từ thành phố, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã khuyến khích các đơn vị, trường học có những chia sẻ kịp thời với cán bộ, GV, nhân viên và HS gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo đó, Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2021 - 2022 với tổng kinh phí thực hiện gần 87 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, áp dụng cho trẻ mầm non, HS các trường phổ thông công lập, ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Chính sách này không áp dụng đối với trẻ mầm non, HS phổ thông thuộc cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Trước đó, trong năm học 2020 – 2021, Đà Nẵng cũng miễn học phí ở học kỳ I với số tiền hỗ trợ từ ngân sách TP là khoảng 38 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ học phí đại trà ở tất cả bậc học phổ thông, những HS có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiều trường học đã kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm, động viên cán bộ, GV, HS có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống trong khu vực phong tỏa. Một số trường học đã vận động được nguồn kinh phí ủng hộ từ các cựu học sinh, nhà hảo tâm..., không những hỗ trợ được cho cán bộ, GV, nhân viên, HS của mình mà còn chia sẻ cho cả người dân trong các khu vực phong tỏa cứng.
Nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã duy trì Chương trình Ngày yêu thương. Đây là chương trình được phát động trên tinh thần tự nguyện. Đối với các trường học, không vận động HS gia đình chính sách, gia đình diện giải tỏa di dời, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và chỉ nhận sự đóng góp bằng hiện vật chứ tuyệt đối không vận động quyên góp bằng tiền mặt.
Bài học mà chúng tôi mong muốn các em tự trải nghiệm và cảm nhận qua chương trình “Ngày yêu thương” là tinh thần tương thân, tương ái, biết quan tâm, sẻ chia với bạn bè và những người xung quanh. HS ở các quận trung tâm của TP Đà Nẵng sẽ có cuộc gặp gỡ ý nghĩa với các bạn cùng trang lứa là con em của đồng bào Cơ Tu ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện Hòa Vang.
Học sinh tiểu học, THCS ở các quận trung tâm đã mang sách vở, đồ dùng học tập và cả đồ chơi đến trao tận tay các bạn học cùng trang lứa là con em đồng bào Cơ Tu. Các bạn HS đồng bào Cơ Tu cũng tặng lại cho bạn mình những món quà chân chất, mộc mạc, là những con cào cào, chiếc kèn lá, những chú chim do chính các em tự tay tết bằng lá cây rừng hay những chiếc bánh nếp - đặc sản của đồng bào - do cha mẹ các em gói tặng… Việc làm tuy nhỏ bé nhưng HS sẽ được hiểu rằng, yêu thương cho đi cũng là nhận lại.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp tình hình dịch bệnh
Tại Tiền Giang, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, năm học mới đang đến rất gần. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT tỉnh có những tính toán hết sức cẩn thận để có các kịch bản ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Theo khung thời gian năm học 2021 - 2022, đối với bậc mầm non dự kiến bắt đầu năm học sớm nhất là ngày 20/9; bậc tiểu học và hệ giáo dục thường xuyên sẽ bắt đầu vào ngày 13/9; bậc THCS và THPT với khối lớp 9 và lớp 12 bắt đầu từ ngày 6/9, các khối còn lại bắt đầu từ ngày 13/9.
Các trường mầm non sẽ không tổ chức dạy học trực tuyến, mà chỉ dạy học trực tiếp khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và trẻ được trở lại trường. Riêng với học sinh tiểu học sẽ học trực tuyến qua truyền hình, chương trình do Bộ GD&ĐT xây dựng; các khối lớp học còn lại sẽ tổ chức học trực tuyến qua phần mềm. Bên cạnh đó, trong thời gian tới đây, ngành GD-ĐT sẽ phối hợp với VNPT Tiền Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang tổ chức quay hình những bài giảng ở các môn học…
Việc học trực tuyến với học sinh đầu cấp, đặc biệt là học sinh lớp 1 sẽ rất khó khăn. Nhưng khi điều kiện không thể đến trường do dịch bệnh, để không gián đoạn việc học thì học trực tuyến sẽ được ưu tiên. Điều này đòi hỏi giáo viên phải vận dụng tối đa các phương pháp dạy học tích cực. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ các em làm quen với môi trường, phương pháp học tập mới; cho các em làm quen là chủ yếu.
Ngày 5/9, tỉnh Tiền Giang sẽ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 bằng hình thức khai giảng trực tuyến trên hệ thống phần mềm (Quickom, Zoom, Microsoft Teams…) hoặc trên nền tảng mạng xã hội để kết nối giữa nhà trường với học sinh. Tùy điều kiện thực tế, các đơn vị quyết định quy mô và hình thức tổ chức khai giảng trực tuyến phù hợp.
Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái: Mang sách đến tận tay học sinh
Triển khai năm học mới, Ngành GD-ĐT Yên Bái đã chủ động tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và ban hành các văn bản chỉ đạo. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, công tác chuẩn bị và ngày khai giảng năm học mới để tạo được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội.
Chúng tôi cũng rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống điện, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước... bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, giáo viên khi tổ chức, tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Chỉ đạo các đơn vị trường học tổng vệ sinh trường lớp, khuôn viên nhà trường đảm bảo xanh - sạch - đẹp. Trang trí trường, lớp tạo cảnh quan, không khí đón năm học mới. Các trường học, cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể phải đáp ứng đủ các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Yêu cầu các trường báo cáo lãnh đạo địa phương, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, ban đại diện cha mẹ học sinh chuẩn bị chu đáo cho Lễ Khai giảng năm học mới.
Cùng với đó là việc hướng dẫn tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2021 - 2022 trang trọng, gọn nhẹ và bảo đảm ý nghĩa ngày khai trường. Có phương án tổ chức khai giảng khi thời tiết xấu và phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định với các tình huống cụ thể.
Ngành cũng quan tâm hỗ trợ học sinh thuộc diện chính sách, con thương binh, liệt sỹ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc nội trú, bán trú... Phối hợp với hội khuyến học, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ đến trường và vận động học sinh ra lớp.
Tiếp nữa, đó là việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt trong công tác bồi dưỡng thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, 100% giáo viên được tập huấn về các nội dung đổi mới.
Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cho triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Tổ chức 2 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng tại các huyện: Yên Bình, Lục Yên; Mù Cang Chải, Văn Chấn.
Để chuẩn bị SGK, Sở GD&ĐT đã kí Biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần sách – Thiết bị trường học Yên Bái để cung ứng đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng SGK cho học sinh toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tất cả học sinh đều nhận sách, không có hiện tượng thiếu, chậm muộn hoặc sách giả, sách lậu.