Trời giá rét, trường vùng cao vẫn ổn định sỹ số
Ngày 23/1, sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chìm trong sương mù, mưa rét đến tận trưa. Cô giáo Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sáng sớm nay, nhiệt độ ở Nậm Cắn khoảng 9 độ và giờ là 12, 13 độ. Tuy nhiên, do có mưa phùn nhẹ nên cảm giác trời rét đậm. Hai ngày nay, số học sinh nghỉ học với lý do ốm và cảm lạnh cũng gia tăng, mỗi ngày có hơn 20 em.
Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chìm trong sương mù, giá rét. Ảnh: NTCC |
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Cắn 1 có 488 học sinh và đang còn 3 điểm lẻ ở các bản Tiền Tiêu, Khánh Thành, Noọng Dẻ. Trong đó có 189 học sinh từ lớp 3 trở lên đang ở bán trú tại trường chính. Học sinh bán trú đều đến từ các bản xa, nên dù thời tiết có giá rét, các em đã ăn ở, sinh hoạt trong trường, thuận tiện cho việc lên lớp. Khu nhà bán trú cho học sinh được đầu tư khang trang, có cửa kính nên hạn chế được gió, rét lùa vào. Học sinh được cung cấp đủ nệm, chăn bông ấm.
Tương tự, sáng nay Trường Mầm non Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) cũng chìm trong sương mù, mưa rét. Tuy nhiên, không chỉ ở trường chính, mà trẻ ở các điểm bản lẻ như: Piêng Cọc, Phá Kháo, Chà Lò, Huồi Tố 2 vẫn đến trường đầy đủ. Cô Hoàng Thị Lan – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiệt độ ở Mai Sơn vào sáng sớm khoảng 9 độ, nhưng đã nhích lên 10 – 11 độ vào buổi trưa. Ở các điểm lẻ trời rét và mưa mù dày đặc hơn, nhất là các bản Mông. Dù vậy, qua báo cáo của các cô giáo phụ trách, sỹ số điểm lẻ vẫn đảm bảo, chỉ vắng 1 em do bị ốm.
Cô giáo Trường Mầm non Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) đốt lửa sưởi ấm cho trẻ. Ảnh: NTCC |
“Phụ huynh có tâm lý muốn cho trẻ đến trường, vì nếu để ở nhà, không có người trông coi. Thông thường, việc đón trẻ buổi sáng thường kết thúc vào 7h30 phút, nhưng hôm nay trời rét, chúng tôi hoàn thành đón trẻ muộn hơn, lúc 8h sáng. Các cô dặn phụ huynh cho trẻ mặc ấm khi đến trường. Ở trường, nếu trời mưa rét, trẻ được giữ lại trong lớp không cho ra ngoài chơi. Tuy nhiên, buổi trưa, thời tiết khô ráo, các cháu muốn ra ngoài hoạt động sẽ có cô giáo trông coi, quản lý. Một số điểm bản thời tiết giá rét, các cô cũng đốt lửa ngoài sân chơi cho trẻ sưởi ấm”, cô Hoàng Thị Lan cho hay.
Tăng cường chăm sóc học sinh bán trú
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) đóng tại địa bàn xã đặc thù – là ốc đảo nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, các bản làng cách xa nhau, và chủ yếu phải di chuyển bằng thuyền, nên rất vất vả cho học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, từ năm 2023, trường đã được chuyển thành trường Phổ thông Dân tộc bán trú, gom học sinh từ bản lẻ về các điểm trường trung tâm ở đi học từ thứ 2 đến thứ 6 mỗi tuần. Năm học này, trường có 170 em ở bán trú, bố trí tại 2 điểm trường chính với 140 em và bản Xàn 30 em. “Thứ 2 vừa rồi, thời tiết đang ấm nên các em đi học đầy đủ. Hôm nay chuyển lạnh đột ngột dao động từ 10 – 11 độ nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến sỹ số”, thầy Lê Tuyên Huấn – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh trong điều kiện giá rét, nhà trường cũng điều chỉnh lịch học để phù hợp. Theo đó, buổi sáng lùi thời gian vào học bắt đầu từ 8h và nghỉ vào 11h15 phút và ăn trưa. Buổi chiều vào học sớm hơn và nghỉ sớm để tránh rét.
Học sinh mặc ấm khi tới lớp tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Cắn 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: NTCC |
Vất vả nhất trong công tác tổ chức bán trú là trường đang thiếu phòng học, phòng ở cho học sinh. “Điểm trường chính có tất cả 140 em bán trú nhưng chỉ có 3 phòng ở nên chật chội. Còn điểm bản Xàn phòng bán trú được cải tạo từ phòng học cũ, nay đã mối mọt, xuống cấp nguy hiểm nên đã chuyển các em vào ở nhờ nhà dân. Nhà trường bố trí đủ chăn ấm, và thường xuyên có giáo viên quản lý, chăm sóc các em để đảm bảo an toàn”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trời rét, thực đơn cho học sinh bán trú của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn) cũng được điều chỉnh. Cô Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng cho hay, thực đơn buổi sáng trước đây thường có bánh mì, bánh chưng, nhưng hiện được thay bằng cơm nóng hoặc cháo, mì. Buổi trưa, tối, tất cả thức ăn gần sát giờ nhà bếp mới nấu và được bỏ vào khay, đóng kín để đảm bảo vẫn còn nóng ấm. Trưa, tối, nhà bếp cũng sẽ nấu thêm nước ấm để học sinh tắm rửa. Hiện nhà trường chưa cho học sinh nghỉ học nhưng ban giám hiệu nhà trường sẽ theo dõi thường xuyên thời tiết và nhiệt độ để. Nếu nhiệt độ giảm sâu hơn, nhà trường sẽ chủ động cho học sinh nghỉ và báo cáo với Phòng giáo dục và đào tạo huyện.
Học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) có chăn ấm cho Báo Giáo dục và Thời đại trao tặng. Ảnh: NTCC |
Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, Nghệ An thông tin: Sáng nay, chưa có trường nào trên địa bàn huyện thông báo cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, thời tiết trong hai ngày nay mưa rét, lạnh so với hơn những ngày trước rất nhiều. Đặc biệt là ở những nơi có địa hình cao trên 1000m như xã Tây Sơn, Nậm Cắn, Mường Lống, Na Ngoi, Huồi Tụ…
Chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường có giải pháp để phòng chống rét đậm, rét hại cho học sinh, củng cố cơ sở vật chất đảm bảo ấm áp, tránh gió lùa, đủ ánh sáng cho học sinh học tập. Đối với trường có trẻ em, học sinh nội trú, bán trú phải đảm bảo khẩu phần ăn thực phẩm sạch, đồ ăn, uống nóng, đủ năng lượng và chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ công tác y tế học đường.
Chủ động kế hoạch dạy học khi thời tiết khắc nghiệt
Trước đó, trong Quyết định về phê duyệt Kế hoạch năm học, Sở GD&ĐT Nghệ An đã hướng dẫn các trường cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học nghỉ khi trời rét dưới 10 độ, cho học sinh THCS nghỉ khi lạnh dưới 7 độ.
Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ sở giáo dục quyết định cho học sinh nghỉ học khi có thiên tai; trong trường hợp thiên tai xảy ra khi học sinh đang hoạt động tại cơ sở giáo dục; thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Sở GD&ĐT Nghệ An đã hướng dẫn các trường cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học nghỉ khi trời rét dưới 10 độ, cho học sinh THCS nghỉ khi lạnh dưới 7 độ. Ảnh: NTCC |
Đặc biệt, từ cuối tháng 12/2023 đến nay, dự báo thời tiết có diễn biến phức tạp, Sở tiếp tục ra các công văn về việc chỉ đạo phòng chống rét đậm, rét hại cho học sinh.
Cụ thể, để phòng chống rét đảm bảo sức khoẻ cho trẻ em, học sinh, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo. Trong đó, chú trọng việc thường xuyên nhắc nhở cha mẹ mặc đủ ấm cho trẻ mầm non, học sinh mặc đủ ấm cho bản thân. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến học sinh ở trường nội trú, bán trú từ việc đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn, phù hợp với điều kiện thời tiết rét, lạnh.
Cô giáo hướng dẫn trẻ quàng khăn ấm khi đi học tại điểm bản Phá Kháo, Trường Mầm non Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: NTCC |
Ông Nguyễn Trọng Hoàn Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: "Chúng tôi cho phép các nhà trường linh hoạt trong dạy học. Trong thời gian học sinh nghỉ học do rét đậm, rét hại kéo dài, đối với các trường có đủ điều kiện, có thể chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến; đối với các trường không tổ chức dạy học trực tuyến tiếp tục thực hiện các hoạt động chuyên môn khác theo quy định".
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chỉ đạo, trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, căn cứ điều kiện thời tiết thực tế mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian vào học, tan học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Không bắt buộc học sinh mặc đồng phục, không để học sinh đến muộn phải chờ ở ngoài cổng trường, bố trí hợp lý các giờ học Thể dục, Giáo dục quốc phòng, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại.
Ý kiến bạn đọc