Đợt không khí lạnh và mưa tăng cường những ngày đầu tháng 1 đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh miền núi Lai Châu.
Xã vùng cao Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (nơi có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển) những ngày qua, mưa mù bao phủ, nền nhiệt giảm sâu dao động từ 10 – 12 độ, cộng với sương mù gây rét buốt đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy học của thầy và trò.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay khi bước vào mùa đông năm nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện những biện pháp phòng, chống rét cho con em khi ở nhà và trên đường đến trường.
Ông Vương Biên Thùy - Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: “Năm học 2023-2024, toàn xã có 2.438 học sinh ở 3 bậc từ Mầm non đến THCS. Công tác phòng, chống rét được địa phương đặc biệt chú trọng, nhất là đối với học sinh mầm non, tiểu học. Xã phối hợp với Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh thời gian học phù hợp”.
Đồng thời, xã Dào San đã tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh mặc ấm cho con em trước khi ra khỏi nhà. Khi thời tiết rét đậm, rét hại, tổ chức các hoạt động trong lớp, hạn chế cho học sinh ra ngoài trời.
Học sinh được nhắc nhở mặc đủ ấm khi đến trường. |
“Đối với các trường có học sinh bán trú, ở trưa tại trường, chúng tôi yêu cầu thường xuyên kiểm tra phòng ở, đóng kín cửa, có biện pháp chống gió lùa. Bố trí đầy đủ chăn, màn, xốp trải nền, phục vụ bữa ăn, nước uống ấm nóng, đảm bảo đủ dinh dưỡng” – ông Vương Biên Thuỳ cho biết.
Trường Mầm non Dào San có 28 lớp với tổng số 708 trẻ học tập ở 13 điểm trường. Trước tình trạng nhiệt độ giảm sâu, đội ngũ giáo viên của nhà trường chủ động trải xốp nền nhà cho học sinh học tập, vui chơi. Trước khi ngủ, các em được trải chăn làm đệm và đắp chăn đủ ấm. Các phòng học đảm bảo kín gió, giúp phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con em.
Cô Trần Thị Phương Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Dào San chia sẻ: “Thời tiết ở Dào San vào mùa đông rất lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, thậm chí có thời điểm mưa phùn. Nhà trường thực hiện công tác phòng, chống rét bằng cách cho trẻ đi học muộn hơn 15 phút so với mùa hè. Làm tốt công tác xã hội hóa để có thêm quần áo ấm, mũ tất cho các con”.
Chỉ tính riêng năm học 2022 - 2023, các nhà hảo tâm đã trao tặng 2.200 áo ấm, 800 mũ len, 800 đôi tất, 300 chăn ấm cho Trường Mầm non Dào San. Thực đơn của trẻ trong mùa đông cũng được thay đổi phù hợp.
Để đảm bảo sức khỏe và duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh, Trường PTDT bán trú Tiểu học Dào San đã chủ động sửa chữa, che rèm các phòng học, nhằm tránh gió lạnh lùa vào. Học sinh bán trú được các giáo viên thường xuyên nhắc nhở mặc ấm, vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra chăn ấm và thức ăn, nước uống luôn đảm bảo ấm, nóng.
Cô Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Dào San cho biết: "Nhà trường đã triển khai để cho đội ngũ giáo viên thường xuyên tuyên truyền đến gia đình trên hệ thống zalo của nhóm phụ huynh, của trường để thông tin cho học sinh, phụ huynh nắm được việc cho con em mình mặc đủ ấm khi đến trường. Ngoài ra, nhà trường cũng đã có kế hoạch để chủ động cho việc khi thời tiết, nhiệt độ xuống thấp; các giáo viên phải chủ động việc sưởi ấm cho học sinh ở trong lớp học".
Huyện biên giới Phong Thổ có 48 trường học, gần 21.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó, có 41 đơn vị trường, với hơn 10.000 học sinh thuộc diện ăn, ở bán trú. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, ngay từ đầu mùa đông Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường chủ động nhiều giải pháp, phương án phòng chống rét, đảm bảo khung chương trình năm học.
Ông Khổng Văn Thiện, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: "Phòng đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện nội dung phòng chống rét cho học sinh. Theo đó, yêu cầu các trường chuẩn bị cơ sở vật chất để phục vụ cho việc chống rét như nơi ăn, chốn ở của học sinh. Khi nhiệt độ xuống thấp quá thì sẽ cho học sinh nghỉ học".
Khẩu phần ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho học sinh. |
Năm học này, tỉnh Lai Châu có 329 trường, gần 151.000 học sinh ở các cấp học. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các đơn vị quản lý, cơ sở giáo dục chủ động biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Đồng thời, lưu ý các trường quan tâm đến công tác ăn, ở bán trú, đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng trong mùa đông.
Ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: “Các nhà trường được quyền chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp và chủ động tổ chức cho học sinh học bù để đảm bảo khung chương trình năm học. Tùy tình hình thực tế có thể tự điều chỉnh thời gian vào lớp học để học sinh không phải đến trường quá sớm, hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời nếu điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn cho học sinh”.
"Căn cứ vào tình hình thực tiễn của thời tiết, Sở cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị giáo dục trong toàn ngành để triển khai tổ chức rà soát lại các điều kiện. Đặc biệt, tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, để làm sao công tác phòng, chống rét của các đơn vị được thực hiện đảm bảo", ông Tuyển nói.
Vào mùa đông, ở Lai Châu thường chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt là ở vùng cao. Vì vậy, ngành GD&ĐT Lai Châu đã yêu cầu các đơn vị quản lý giáo dục, trường học chủ động theo dõi diễn biến thời tiết; tiếp tục chủ động duy trì các biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo an toàn cho học sinh khi nhiệt độ giảm sâu.
Ý kiến bạn đọc