Vì thế, ngay sau khi công bố điểm chuẩn, không ít đơn vị thông báo tiếp tục xét tuyển bổ sung với số lượng từ vài trăm đến vài nghìn sinh viên.
Nhìn vào bức tranh xét tuyển bổ sung có thể thấy rất hiếm trường tốp đầu còn chỉ tiêu. Xét tuyển bổ sung chủ yếu rơi vào nhóm các trường đặt tại địa phương, trường tư thục, trường có tốc độ tăng trưởng nóng về quy mô tuyển sinh, nhóm các ngành đặc thù, truyền thống. Đáng chú ý, nhiều trường tại địa phương, ngành đặc thù có số thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 rất thấp, nên số chỉ tiêu dành cho xét tuyển bổ sung khá cao.
Tình trạng trường tại địa phương, ngành đặc thù vắng thí sinh, buộc phải xét tuyển bổ sung diễn ra nhiều năm nay. Gần nhất, năm 2023, Trường ĐH Tây Nguyên, tuyển sinh sau hai đợt vẫn có một số ngành chỉ có từ 1 - 5 thí sinh đến nhập học, thậm chí có ngành “trắng” thí sinh như Lâm sinh.
Cũng trong năm 2023, Trường ĐH Đồng Nai không tuyển được người học cho 5 ngành, còn Trường ĐH Quảng Bình chỉ tuyển được khoảng 300 sinh viên. Báo cáo của Bộ GD&ĐT về tỷ lệ thí sinh chọn vào các ngành nghề năm 2023 cũng cho thấy các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là nhóm ngành đặc thù: Nông lâm nghiệp và thủy sản: 0,86%; Khoa học tự nhiên: 0,5%; Toán và Thống kê: 0,5%; Dịch vụ xã hội: 0,41%.
Việc một số ngành đặc thù, trường đặt tại địa phương vắng sinh viên là lời cảnh báo về tình trạng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, không chỉ ở chất lượng mà còn là cơ cấu.
Nhiều ngành đào tạo truyền thống giữ vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế - xã hội đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút người học nên ít nhiều tác động đến kết quả tuyển sinh. Quy hoạch ngành nghề, chất lượng đào tạo và đầu ra việc làm ở các trường đại học tại địa phương vẫn kém sức thu hút, người học có xu hướng chọn trường ở các đô thị lớn.
Xét tuyển bổ sung tạo cơ hội cho các trường đại học tranh thủ tuyển bù chỉ tiêu còn thiếu, giúp thí sinh rộng cơ hội lựa chọn đường vào đại học, nhưng không thể giải quyết được câu chuyện trường/ngành vắng thí sinh, nhất là với ngành đặc thù, trường tại địa phương.
Thời gian qua, một số trường đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động thực hiện nhiều chính sách thu hút như giảm học phí, hỗ trợ ký túc xá, tăng học bổng… vào ngành khó tuyển, nhưng hiệu quả chưa như ý. Thực tế cho thấy dù xét tuyển bổ sung thêm bao nhiêu đợt, nhóm trường tại địa phương, ngành đặc thù vẫn khó để đạt được kế hoạch đặt ra.
Một số trường không đủ sinh viên mở lớp buộc phải đóng ngành, tạm dừng đào tạo, vận động người học chuyển ngành. Tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thu không đủ bù chi, nợ lương giảng viên đã diễn ra ở một số trường tại địa phương, mà Trường ĐH Quảng Bình là ví dụ.
Chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn, quyết định lớn đến sức hấp dẫn thí sinh, nhưng rõ ràng với các trường tại địa phương, ngành đặc thù, câu chuyện không chỉ đơn giản như thế. Bên cạnh công tác chất lượng, còn ngổn ngang nhiều vấn đề khác như nhận thức, tâm lý, xu hướng chọn ngành, trường của người học; chế độ chính sách thu hút với ngành khó tuyển; quy hoạch trường đại học; cơ hội việc làm sau khi ra trường…
Để hạn chế tình trạng vắng thí sinh, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng chiến lược phù hợp, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng nghiệp để thí sinh, phụ huynh có cái nhìn tích cực, đầy đủ hơn về một số ngành nghề khó tuyển, trường đặt tại địa phương.
Nhà nước cũng cần trợ lực hiệu quả hơn về chính sách tài chính, đất đai, sử dụng nhân lực… cho ngành đặc thù, trường tại địa phương. Có như thế, việc tuyển sinh vào nhóm trường/ngành này mới được cải thiện, bảo đảm cân đối về cơ cấu ngành nghề, vùng miền, vì sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực quốc gia.
Tác giả bài viết: Gia Khánh
Ý kiến bạn đọc