Năm nay, các trường tư thục có cách tiếp cận học sinh và phụ huynh khác nhau.
Trường muốn “tuyển” cả bố mẹ
Alpha school (Hà Nội) thể hiện sự khác biệt trong tuyển sinh lớp 1 năm nay. Khẳng định không chỉ tuyển trò, nhà trường còn lựa chọn cả phụ huynh để đồng hành cùng hoạt động giáo dục.
Đáng chú ý trong cách tính điểm xét tuyển đầu vào, năng lực của HS chỉ được tính 30% điểm xét tuyển; còn 30% điểm là từ bài chia sẻ quan điểm giáo dục do bố mẹ HS viết; 40% điểm từ Chương trình trải nghiệm Smart Family với sự tham gia của cả phụ huynh và con. Ông Nguyễn Sĩ Thư (Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Alpha) cho biết: Đây hoạt động nhà trường thiết kế nhằm tạo gắn kết giữa gia đình (bố mẹ và con), cũng như giúp nhà trường có cơ hội quan sát sự tương tác, mối quan hệ giữa bố mẹ và con.
“Trong ngày Chủ nhật, cha mẹ và các con được trải nghiệm việc đi xe tuyến đến trường, sinh hoạt, ăn và nghỉ trưa tại trường. Chúng tôi hiểu rằng: Để lựa chọn một môi trường giáo dục, cha mẹ cần phải hiểu trường sắp cho con học, biết thực tế ở trường con mình như thế nào”, ông Nguyễn Sĩ Thư chia sẻ.
Lãnh đạo Hệ thống giáo dục Alpha cho rằng: Khi nhà trường và gia đình đồng hành được cả về quan điểm, phương pháp và định hướng, trẻ em sẽ được hưởng thụ điều tốt nhất. Vì vậy, muốn theo học tại Hệ thống giáo dục Alpha, phụ huynh buộc phải trả lời các câu hỏi của nhà trường tìm ra điểm tương đồng, phù hợp với định hướng giáo dục tại trường.
Ông Nguyễn Sĩ Thư bày tỏ quan điểm: “Mong muốn của nhà trường là được chia sẻ thông tin với phụ huynh trong việc chọn trường cho con. Để có cùng quan điểm giáo dục với phụ huynh, nhà trường cần thấu hiểu và thật sự đồng hành với phụ huynh trong hành trình này”.
Theo ông Nguyễn Sĩ Thư, sự chia sẻ của phụ huynh cũng như việc trải nghiệm cùng con sẽ giúp nhà trường quan sát xem trẻ tương tác với thầy cô, cha mẹ ra sao, phụ huynh có quan điểm, định hướng giáo dục phù hợp với nhà trường hay không… Kể cả vấn đề đưa đón trẻ đi học, khả năng đóng góp tài chính của gia đình cũng cần được rõ ràng ngay từ tiếp xúc đầu tiên giữa gia đình với nhà trường.
Mỗi trường một chiêu tuyển sinh
Chị Đào Ly (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Xác định cho con học trường tư, nhưng tôi không ngờ cuộc chạy đua xin suất vào lớp 1 chẳng khác gì “chạy” trái tuyến ở trường công”.
Điều khiến chị Ly choáng nhất là dự định ban đầu xin cho con vào học Trường Marie Curie (Hà Nội), nhưng chưa kịp đăng ký đã nghe tin hết chỉ tiêu sau 1 ngày tuyển sinh.
“Đọc báo thấy thầy hiệu trưởng thừa nhận trường hết hồ sơ xin vào lớp 1 chỉ trong 1 ngày. Trước tình thế này, gia đình quyết định thay đổi trường cho con, thậm chí không cho con theo học trường tư nữa mà sẽ học đúng tuyến ở trường công”, chị Ly bộc bạch.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội) cho biết cũng “bất ngờ” với việc tuyển sinh nhanh chóng (trong 1 ngày đã hết hồ sơ vào lớp 1). Theo thầy Khang, do dịch bệnh nên kế hoạch tuyển sinh đầu cấp cũng bị ảnh hưởng. Thay vì khoảng đầu tháng 3 nhà trường phát hành hướng dẫn và hồ sơ tuyển sinh lớp 1, năm nay tình hình đảo lộn, việc công bố phương án tuyển sinh muộn hơn mọi năm. Có thể vì điều này khiến phụ huynh lo lắng, sốt ruột, nên ngày đầu trường phát hành 360 hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 ở cơ sở Mỹ Đình, phụ huynh đã đăng ký gần hết.
Thay vì đưa ra những điều kiện tuyển sinh ngặt nghèo. Nhiều trường ngoài công lập năm nay tìm cách thu hút học sinh và phụ huynh bằng việc đưa ra những chương trình giáo dục hấp dẫn. Hệ thống giáo dục thực nghiệm Victory (Hà Nội) công bố “Chương trình tiểu học quốc tế Mỹ” với thời gian học linh hoạt, phù hợp với bất cứ hoàn cảnh nào. Trường này khẳng định: “Học sinh có thể học tại nhà, vào thời gian nào phù hợp, đăng ký tham gia khóa học vào bất kỳ thời điểm nào trong năm”; “Các khóa học được xây dựng trên nền tảng công nghệ dễ sử dụng và thân thiện với người dùng, có thể học trên máy tính và điện thoại, tablet”...