Ở tuổi 38, Eddie là trưởng nhóm Phát triển Toán học của Bộ Giáo dục Australia.
Thầy giáo Eddie Woo lớn lên ở vùng ngoại ô North Rocks, bang New South Wales. Cha mẹ anh là người gốc Hoa, chuyển từ Malaysia đến Australia trước khi anh ra đời. Khu North Rocks là nơi sinh sống của những người định cư đến từ nhiều vùng đất khác nhau nên tính đa văn hóa rất mạnh mẽ. Lớn lên trong bối cảnh này, Eddie nhanh chóng cập nhật nhiều kiến thức, văn hóa mới mẻ.
Hồi còn nhỏ, Eddie và em gái thường xuyên bị bắt nạt tại trường học. Bố mẹ luôn dặn dò hai người hãy nhẫn nhịn, bỏ qua những lời dè bỉu và tập trung học hành. Bởi lẽ, chỉ học tập mới giúp con người ta thành công, nhất là tại một đất nước xa lạ.
Nghe lời khuyên dặn của bố mẹ, Eddie cố gắng học hành và thi đỗ vào Trường Trung học Nông nghiệp James Ruse, một trong những trường phổ thông hàng đầu tại bang New South Wales. Điểm tốt nghiệp của Eddie nằm trong nhóm 2% của bang, đồng nghĩa anh có thể đăng ký vào bất kỳ trường đại học nào.
Eddie lựa chọn ngành Sư phạm, bất chấp việc bố mẹ muốn con trai theo Luật. Thầy giáo cho biết, anh muốn trở thành người giúp đỡ và đồng hành cùng học sinh trên hành trình trưởng thành. Quyết định này một phần xuất phát từ quá khứ bị bạo lực học đường. “Quá trình trưởng thành của tôi vốn gặp phải nhiều khó khăn. Điều đó khiến tôi muốn hỗ trợ những đứa trẻ sẽ đối mặt với thách thức tương tự và giúp các em thoát ra khỏi điều đó”, thầy Eddie chia sẻ.
Ban đầu, chàng trai dự định theo học ngành Sư phạm Tiếng Anh và Sư phạm Lịch sử. Tuy nhiên, khi vào trường đại học, anh cảm thấy hứng thú với những mô hình toán học gắn kết chặt chẽ với cách vũ trụ hình thành và vận động. Anh thường giơ tay hỏi giảng viên những kiến thức mở rộng từ giáo trình.
Từ niềm say mê toán học và được các thầy cô định hướng, Eddie chuyển sang ngành Sư phạm Toán học. Với tính cách hòa đồng, tinh thần làm việc nhiệt huyết, anh được nhận làm giáo viên dạy Toán ở một trường trung học. “Tôi lớn lên trong nền giáo dục công lập. Trên thực tế, tôi đã được trải nghiệm nền giáo dục đẳng cấp thế giới nhưng miễn phí. Trở thành giáo viên là sự đền đáp xứng đáng cho quá trình đó”, thầy Eddie nói.
Ý tưởng quay video bài học đến với Eddie vào năm 2012, khi một học sinh trong lớp bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và không thể đến trường. Thay vì để cậu bé tự tìm hiểu kiến thức trong sách giáo khoa, thầy Eddie, khi ấy đang giảng dạy tại Trường Trung học Công nghệ Cherrybrook, đã sử dụng iPhone ghi lại bài học và gửi cho trò. Nhờ cách làm này, cậu bé không chỉ tiếp thu kiến thức dễ dàng, mà còn không bị gián đoạn học tập.
Từ đó, thầy Eddie nhận ra công nghệ có thể giúp môn Toán trở nên phổ biến và dễ tiếp cận với học sinh ở mọi tầng lớp, điều kiện và quốc tịch. Vì vậy, trên các tiết học, anh bắt đầu dựng iPad, quay lại bài học và chia sẻ lên nền tảng YouTube. Trong giai đoạn 2012 - 2018, YouTube là mạng xã hội được rất nhiều thanh, thiếu niên trên thế giới sử dụng, bên cạnh Facebook hay Twitter.
Bắt đầu từ video về kiến thức toán cấp 3 theo chương trình phổ thông Australia, Eddie có những lượt theo dõi đầu tiên. Dần dần, số lượng người quan tâm đến kênh của thầy giáo tăng dần. Nhiều học sinh bình luận rằng họ thường xuyên vào xem video của thầy Eddie để ôn luyện kiến thức cho bài thi chuẩn hóa SAT hoặc bài thi tốt nghiệp phổ thông môn Toán.
Các video của thầy Eddie thu hút người xem bởi nội dung thiết thực, phương pháp giảng bài đơn giản, dễ hiểu. Ngoài ra, thầy giáo người gốc Á có lối nói chuyện hài hước, nụ cười luôn nở thường trực trên môi cũng lôi cuốn số lượng lớn người xem.
Thầy Eddie kể, nhiều học sinh nói với anh rằng họ không thích làm toán. Điều này không khiến anh thất vọng mà càng thêm quyết tâm giúp học sinh hiểu và yêu môn Toán hơn. “Dạy học không chỉ là niềm vui đối với tôi mà còn vì xã hội”, thầy Eddie chia sẻ.
Ông Mark Scott, Giám đốc Văn phòng Giáo dục bang New South Wales, Australia cho biết: “Học sinh rất thích thú với cách thầy giáo Eddie giải thích những khái niệm toán học phức tạp. Các em xem liên tục và chia sẻ các video với bạn bè. Eddie là giáo viên dạy Toán mà mọi người đều muốn được học”. Đó là một người thầy truyền cảm hứng, nhanh nhạy khi sử dụng công nghệ để mở rộng phạm vi lớp học và tiếp cận những học sinh chưa từng gặp mặt.
Còn ông Gary Johnson, Hiệu trưởng Trường Trung học Công nghệ Cherrybrook, chia sẻ hành động của thầy Eddie giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Toán tại Australia và làm môn Toán phổ biến. Emily Shakespear, học sinh lớp 12 Trường Trung học Công nghệ Cherrybrook, nhận xét phương pháp giảng dạy của thầy Eddie khiến môn Toán trở nên hấp dẫn, thú vị hơn. “Thầy giáo đã khiến em yêu môn Toán hơn”, nữ sinh nói.
Công nghệ là trợ thủ đắc lực cho giáo viên. |
Từ năm 2023, thầy Eddie gia nhập Trường Giáo dục Sydney, thuộc Đại học Sydney, trong vai trò Giáo sư Thực hành. Anh đồng thời là trưởng nhóm Phát triển Toán học cho chương trình giáo dục Toán học thuộc Bộ Giáo dục Australia. Eddie sẽ truyền đạt những phương pháp giảng dạy sáng tạo đặc trưng của mình cho sinh viên ngành Sư phạm và nghiên cứu giáo dục.
GS Debra Hayes, Trưởng khoa Giáo dục và Công tác xã hội, Đại học Sydney, bày tỏ: “Thầy Eddie được công nhận trên toàn cầu vì những đóng góp nổi bật cho lĩnh vực toán trung học. Anh ấy là hình mẫu cho sinh viên về giá trị của nghề sư phạm và khả năng lan tỏa của giáo viên”.
Năm 2019, theo dữ liệu từ kỳ thi PISA do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, kết quả môn Toán của học sinh Australia đã giảm xuống mức trung bình, thể hiện sự suy giảm rõ rệt về trình độ toán quốc gia.
Theo thầy Eddie, việc đào tạo giáo viên chất lượng cao đóng vai trò quan trọng nhằm giải quyết tình trạng trên và cũng là một phần lý do anh đảm nhận vị trí mới.
Thầy Eddie cho biết: “Giáo viên là nhân tố quan trọng nhất trong việc xây dựng trải nghiệm học tập và kết quả giáo dục của học sinh. Chúng ta có thể đảm bảo học sinh được thừa hưởng nền giáo dục hiện đại, được giảng dạy bởi những giáo viên đầy nhiệt huyết, cập nhật những phương pháp tiên tiến nhất”.
Dù phát triển là một “giáo viên YouTube” nhưng thầy Eddie vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo viên trong giáo dục và công nghệ chỉ giúp người thầy nâng cao, đổi mới phương pháp giảng dạy. Quan điểm trên cũng được các chuyên gia giáo dục tại tổ chức giáo dục Cambridge đồng thuận.
Bà Evelina Galaczi, Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược tại Cambirdge English, cho biết: “Chúng tôi thường được hỏi liệu công nghệ kỹ thuật số có thể thay thế giáo viên ngoại ngữ hay không và câu trả lời của chúng tôi luôn là ‘không’. Công nghệ số không bao giờ có thể trở thành người thầy nhưng nó sẽ là trợ thủ đắc lực của giáo viên, đóng vai trò hỗ trợ và giúp người học cải thiện kết quả. Công nghệ có thể xử lý những nhiệm vụ mà giáo viên không thể làm, do thiếu thời gian và nguồn lực, và tăng giá trị thực cho lớp học”.
Từ ý kiến trên, bà Evelina cho rằng, giáo viên phải ghi nhận mối quan hệ tích cực, chủ động với công nghệ có thể giúp ích cho họ và người học. Giáo viên cần mở rộng và duy trì kiến thức về công nghệ học tập, đồng thời đánh giá nghiêm túc các công cụ học tập kỹ thuật số nhằm xác định những công cụ mang lại lợi ích lớn nhất cho học sinh.
Thầy Eddie truyền cảm hứng học Toán cho nhiều thế hệ học sinh. |
Theo ông Momo Bertrand, chuyên gia giáo dục tại Ngân hàng Thế giới, công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế giáo viên nhưng giáo viên phải phát triển bởi “một cuộc cách mạng trong lớp học đang đến”.
Các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp đã và đang đầu tư hàng tỷ USD để nghiên cứu, phát triển và triển khai các hệ thống AI tân tiến trong những năm gần đây. ChatGPT là một ví dụ. Điều quan trọng không nằm ở sự phát triển của AI, mà ở chỗ con người không thể nhường lại tất cả vị trí cho máy móc.
Ông Momo chỉ ra, khoảng 40% dân số thế giới dưới 24 tuổi. Nếu trường học không chuẩn bị cho thế hệ thanh niên này bước vào thời đại máy móc tư duy thì tương lai của nhân loại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Do đó, các nhà giáo dục vẫn nắm giữ vai trò quan trọng trong dạy và học. Để tận dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy trong bối cảnh hiện nay, ông Momo gợi ý giáo viên nên tăng cường chuẩn bị cho học sinh kỹ năng phản biện.
Khi máy móc trả lời câu hỏi tốt hơn, các nhà giáo dục nên hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi hay hơn. Người học phải luôn tò mò và có nhu cầu khám phá thế giới, không phụ thuộc vào thông tin do công nghệ cung cấp. Điều này còn góp phần giúp học sinh yêu thích học tập và hình thành kỹ năng học tập suốt đời.
Ngoài ra, giáo viên hãy biến AI thành trợ giảng. Các công nghệ giáo dục gắn với AI sẽ đánh giá kiến thức, năng lực của học sinh; xác định những thiếu sót; đưa ra phản hồi để cải thiện kết quả học tập.
Do đó, AI có thể thay giáo viên thực hiện công việc kiểm tra, đánh giá; theo dõi quá trình học tập và phát triển của học sinh. Từ đó, giáo viên có thể chuyên tâm cho công việc giảng dạy.
“Không ai biết thời đại AI sẽ mang lại điều gì nhưng chúng ta biết rằng tốc độ chuyển đổi sẽ tăng vọt. Giáo dục sẽ phải phát triển. Giáo viên cần điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy để phù hợp với một thế giới tràn đầy máy móc”, chuyên gia giáo dục Momo Bertrand cho hay.
Tác giả bài viết: Phạm Khánh (TH)
Ý kiến bạn đọc