Tư vấn tâm lý học đường: Không chỉ cho học sinh

Thứ sáu - 29/04/2022 05:00 447 0
GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, không chỉ học sinh mà giáo viên và phụ huynh cũng cần được tham vấn tâm lý để hóa giải những áp lực và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực.
Tư vấn tâm lý học đường: Không chỉ cho học sinh

“Kiềng 3 chân”

Sau thời gian học online, T.N.B.G – Trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội) đôi lúc cảm thấy căng thẳng, stress nhưng không biết bày tỏ cùng ai. Có hôm, chưa biết lý do vì sao em bị điểm kém, vậy mà mẹ mắng thậm tệ, buông những lời nói xúc phạm khiến em bị tổn thương và buồn tủi. Những lúc như thế, em phần nào hiểu vì sao nhiều bạn sợ về nhà nếu không may mắc lỗi ở trường, lớp. Có bạn phần vì lo sợ, phần vì bị stress nặng đã không giữ được bình tĩnh nên có hành động dại dột. Còn em hiểu đó là lúc mẹ nóng giận nên mới có những lời nói chưa hay.

Để giải toả và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực của mình, T.N.B.G đóng cửa 1 mình trong phòng viết nhật ký, đọc sách. Khi được hỏi về 5 điều mong muốn bố mẹ thay đổi, T.N.B.G chia sẻ: Hiểu con; không can thiệp “thô bạo” vào chuyện học hành, bạn bè; tôn trọng quyền riêng tư; là bạn của con; dành nhiều thời gian, quan tâm đến con hơn.

Từ thực tế, cô Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội) - nhìn nhận: Sau thời gian dài học online, một số học sinh có biểu hiện stress, lo âu…; cá biệt có em bị trầm cảm nên rất cần được hỗ trợ từ thầy, cô và phụ huynh. Tuy nhiên, không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng cần được tư vấn tâm lý học đường. “Chúng tôi dự kiến tổ chức các buổi toạ đàm với phụ huynh học sinh để tạo sợi dây kết nối, giúp phụ huynh và trẻ hiểu nhau hơn. Qua đó xây dựng và phát triển mối quan hệ kiềng 3 chân: Nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục học sinh, giúp các em phát triển toàn diện” – cô Thuý bày tỏ.

Theo bà Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, mỗi cấp học sẽ có những thay đổi khác nhau về tâm sinh lý. Riêng lứa tuổi THCS và THPT, các em sẽ có thay đổi lớn liên quan đến tâm sinh lý. Đôi khi bố mẹ không theo kịp và cũng không có hiểu biết về sự thay đổi này. Cho nên giữa bố mẹ và trẻ thường có những khoảng cách, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn.

“Nhiều học sinh gặp trở ngại về tâm lý có liên quan đến gia đình. Thông qua những bức thư gửi bố mẹ của trẻ, tôi nhận thấy: Bố mẹ cần có sự thay đổi về cách ứng xử, giáo dục con cái sao cho phù hợp; bởi thực tế giới trẻ cũng có nhiều áp lực. Áp lực này đôi khi không đến từ bố mẹ hay thầy, cô, nhà trường; mà có những em tự tạo áp lực cho mình. Hoặc áp lực từ trong cuộc sống, môi trường xã hội xung quanh…” - bà Hương chia sẻ, đồng thời cho rằng: Nếu bố mẹ không biết cách giải toả, ứng xử phù hợp, các em dễ rơi vào trạng thái buồn bã, luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Nếu bố mẹ lại không biết cách xoa dịu, xung đột xảy ra là điều dễ hiểu.

Tư vấn tâm lý học đường: Không chỉ cho học sinh - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên và phụ huynh cùng đồng hành với các con để hóa giải cảm xúc tiêu cực. Ảnh: TG

Hóa giải cảm xúc

“Vẫn biết, trong cuộc sống bố mẹ có nhiều áp lực, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi trẻ phải hoàn thiện bản thân. Hãy cho các em quyền được sai. Bởi có sai mới trưởng thành. Vì thế, phụ huynh phải biết cách và hãy là nhà tâm lý cho con em của mình” - bà Hương nhắn gửi.

Theo TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), cha mẹ và người lớn cần bình tĩnh, kiên trì, tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu để giúp đỡ trẻ. Tránh xu hướng áp đặt, bạo lực có thể gây ra những phản ứng tiêu cực khác. Chẳng hạn, trẻ đi chơi về khuya không xin phép bố mẹ, trong trường hợp này bố mẹ cần bình tĩnh, nói chuyện, giải thích cho các em hiểu về hành vi chưa phù hợp của mình. Từ đó thiết lập những điều thống nhất chung giữa cha mẹ và con cái.

“Nếu lần sau trẻ vi phạm sẽ phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định. Hình thức kỷ luật này cần được thống nhất, không mang tính xúc phạm nhân cách của trẻ. Tốt nhất là một hệ quả logic của hành vi đi chơi về muộn. Cụ thể, nếu đi chơi về muộn thì tuần sau sẽ không được đi chơi nữa. Và khi trẻ tuân thủ đúng quy định thì cha mẹ khôi phục quyền cho trẻ” - TS Hoàng Trung Học trao đổi.

Ở góc nhìn khác, TS Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Bên cạnh học sinh, phụ huynh cần được tư vấn tâm lý học đường. Những nghiên cứu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sau Covid-19 cho thấy, giáo viên cũng gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần cần phải được chăm sóc, nhất là tại quốc gia đang phát triển và đặt kỳ vọng, gánh nặng lên vai nhà giáo như Việt Nam.

Những khó khăn của giáo viên đến từ khủng hoảng hay trách nhiệm quá nhiều với vai trò là vợ hay chồng, cha mẹ mà trong thời gian giãn cách xã hội họ vẫn phải thực hiện. Với vai trò là giáo viên, họ phải chịu áp lực về việc phải truyền tải đủ nội dung kiến thức, phải tiếp cận và học sử dụng công nghệ mà trước đây không phải thực hiện, trong khi nhiều người không có kiến thức và kỹ năng thành thục về lĩnh vực này.

Thầy cô phải dạy trực tuyến với số lượng học sinh quá đông, các nguồn tài nguyên cho giảng dạy còn thiếu và yếu, thiếu kết nối với đồng nghiệp và học sinh của họ… Đồng thời, nhà giáo cũng phải giãn cách xã hội, có nguy cơ nhiễm Covid-19, khó khăn về tài chính và nguồn lương thực, có thể có người gia đình chết hay mắc bệnh do Covid-19… “Do vậy, việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần của giáo viên cũng rất quan trọng. Thầy cô khoẻ mạnh mới có thể giúp học sinh an lạc, hạnh phúc trong các giờ dạy” - TS Lê Minh Công chốt lại.

“Thời gian gần đây, nhiều học sinh tự tử đều liên quan đến vấn đề tâm lý. Đôi khi không phải vì căng thẳng học tập, mà có thể các em bị áp lực từ những yếu tố khách quan như bố mẹ và con cái chưa hiểu nhau nên dẫn đến căng thẳng, xung đột và có hành động bột phát” - bà Phan Thị Lan Hương nói.

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1143 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2930 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập394
  • Hôm nay68,380
  • Tháng hiện tại346,510
  • Tổng lượt truy cập51,702,469
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944