Tuyển sinh 2021: Xuất hiện tổ hợp không liên quan đến ngành đào tạo

Thứ sáu - 18/06/2021 06:03 186 0
GD&TĐ - Theo thông báo tuyển sinh của một số cơ sở giáo dục đại học, có sự xuất hiện của những tổ hợp không liên quan đến ngành đào tạo hoặc chương trình đào tạo. Đáng chú ý, trong đó có ngành sư phạm.
Tuyển sinh 2021: Xuất hiện tổ hợp không liên quan đến ngành đào tạo

Có “lệch pha”?

Trường ĐH Hải Phòng thông báo tuyển sinh ngành Sư phạm Vật lý bằng nhiều tổ hợp khác nhau, trong đó có tổ hợp D01 (Toán - Văn - Tiếng Anh), ngành Sư phạm Hóa học tuyển sinh tổ hợp D01 hoặc C01 (Văn - Toán - Lý). Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng thông báo xét tuyển ngành Sư phạm Vật lý, trong đó có sử dụng tổ hợp D07 (Toán - Hóa - Tiếng Anh).

Một số ngành như: Phát triển nông thôn; quản lý đất đai; khuyến nông; bất động sản; kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn của Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) cũng thông báo xét tuyển một số tổ hợp, trong đó có tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa). Đáng chú ý, ở lĩnh vực được cho là thuộc ngành kinh tế cũng được một số trường như: Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh thông báo xét tuyển tổ hợp C00.

TS Đỗ Thị Thanh Toàn – Phó Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Hải Phòng xác nhận: Nhà trường sử dụng tổ hợp D01 để xét tuyển ngành Sư phạm Vật lý và tổ hợp D01, C01 vào ngành Sư phạm Hóa học. Theo lý giải của TS Toàn, ngoài các tổ hợp trên, nhà trường vẫn xét tuyển các tổ hợp truyền thống gồm Toán – Lý – Hóa.

Đặt vấn đề, tổ hợp xét tuyển không liên quan đến ngành đào tạo nhằm lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường? TS Toàn giải thích, nếu thí sinh trúng tuyển vào các ngành trên, nhà trường sẽ đào tạo các em từ kiến thức nền tảng cho đến kiến thức chuyên môn.

Khẳng định, nhà trường sử dụng tổ hợp D07 (Toán - Hóa - Tiếng Anh) để xét tuyển vào ngành Sư phạm Vật lý là phù hợp, PGS.TS Trương Minh Đức – Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) phân tích: Toán - Lý - Hóa thuộc khối Khoa học tự nhiên. Thông thường nếu thí sinh học tốt môn Toán và Hóa học thì sẽ học tốt môn Vật lý. Vì thế, việc xét tuyển ngành Sư phạm Vật lý bằng tổ hợp D07 (Toán - Hóa - Tiếng Anh) là hợp lý.

Lý giải về việc sử dụng môn Tiếng Anh để xét tuyển, PGS.TS Trương Minh Đức trao đổi: Đây là môn học quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên. Trong xu thế hội nhập quốc tế, môn học này được coi là “chìa khóa” để sinh viên nói chung và sinh viên ngành Sư phạm Vật lý nói riêng tiếp cận tài liệu trong học tập, nghiên cứu và công việc sau này. Mặt khác, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có chương trình đào tạo tiên tiến đối với ngành Sư phạm Vật lý. Vì thế, nếu các em học giỏi tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội để tìm được việc làm sau khi ra trường hoặc học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Cũng theo PGS.TS Trương Minh Đức, việc mở thêm tổ hợp D07 (Toán - Hóa - Tiếng Anh) để xét tuyển vào ngành Sư phạm Vật lý nhằm tạo cơ hội cho thí sinh có kết quả học tập tốt các môn Khoa học tự nhiên, nhưng vì lý do nào đó có điểm thi môn Vật lý không cao – có thêm cơ hội được vào học ngành này.

Ngoài ra, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn học mới là Khoa học tự nhiên. Do đó, tổ hợp D07 sẽ thuận tiện cho người học nếu muốn liên thông sang học Khoa học tự nhiên. “Khi xây dựng chương trình, chúng tôi có xây dựng liên thông ngang và dọc. Nên việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển phù hợp với thực tiễn của nhà trường” - PGS.TS Trương Minh Đức nói, đồng thời khẳng định: Xét tuyển như vậy không “lệch pha”.

Tuyển sinh 2021: Xuất hiện tổ hợp không liên quan đến ngành đào tạo - Ảnh minh hoạ 2
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TG

Hệ lụy cho nhà trường và người học

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), các trường được tự chủ tuyển sinh. Điều này đồng nghĩa cơ sở giáo dục đại học sử dụng tổ hợp xét tuyển nào trong tuyển sinh đều thuộc thẩm quyền của trường. Tuy nhiên, nếu sử dụng các tổ hợp xét tuyển không liên quan đến ngành đào tạo hoặc chương trình đào tạo thì không nên. Sự “lệch pha” này có thể dẫn đến những hệ lụy cho nhà trường và người học.

TS Lê Viết Khuyến phân tích: Về phía nhà trường sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu. Với kiểu tuyển sinh này, việc dư luận nghi ngờ các trường cố tình lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép” là điều khó tránh khỏi. Với cách xét tuyển như trên, có thể dẫn đến lãng phí tiền bạc, công sức của người học, thậm chí làm mất đi cơ hội học tập của người khác.

Nhiều em trúng tuyển, nhưng khi vào học mới thấy khó, không thể theo kịp sẽ dẫn đến chán nản, thiếu động lực học tập, thậm chí bỏ học giữa chừng. Nhất là với ngành kinh tế, đòi hỏi tư duy và tính toán, nếu các em trúng tuyển bằng việc xét tuyển tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa), quá trình học sẽ gặp không ít khó khăn.

“Đành rằng, nhà trường sẽ đào tạo các em từ cơ bản cho đến chuyên ngành, nhưng như thế liệu chất lượng có đảm bảo không, và chất lượng lao động sẽ ra sao khi mà chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi đó, các trường sẽ giải trình với người học, với xã hội như thế nào” - TS Lê Viết Khuyến đặt vấn đề.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Theo Quy chế tuyển sinh, việc công bố các tổ hợp bài thi/ môn thi để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/ môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/ môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/ môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp). Hiệu trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh;

Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/ môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/ môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/ môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

“Không nên vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến chặng đường phát triển lâu dài. Cũng không nên tuyển sinh theo kiểu “mở cửa ghi danh”, vì điều này còn liên quan đến chất lượng nguồn lao động của đất nước” - TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập314
  • Hôm nay15,656
  • Tháng hiện tại293,786
  • Tổng lượt truy cập51,649,745
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944