Nhiều trường đại học tại Việt Nam tuyển sinh bằng phỏng vấn
Mùa tuyển sinh 2021, lần đầu tiên trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh bằng phỏng vấn. Đây là 1 trong 6 phương thức tuyển sinh của trường. Với phương thức tuyển sinh bằng phỏng vấn chiếm 1-5% tổng chỉ tiêu.
Cùng với đó, năm 2021 trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn. Theo đề án tuyển sinh ĐH chính quy và ĐH liên kết quốc tế dự kiến năm 2021. Trong số 5 phương thức tuyển sinh, thì chương trình liên kết quốc tế sẽ áp dụng phương thức xét kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2021, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng 3 phương thức là xét tuyển tài năng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (tổ chức thi riêng). Trong đó, ở phương thức xét tuyển tài năng, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tiến hành xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho thí sinh có đủ điều kiện.
Năm 2021, trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) tuyển sinh đại học theo 2 hình thức tuyển sinh trực tiếp theo hình thức xét học bạ và phỏng vấn và tuyển sinh thông qua hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 16 ngành đào tạo về khoa học- công nghệ. Đối với hình thức tuyển sinh trực tiếp, USTH sẽ xét kết quả học tập THPT và phỏng vấn nhằm đánh giá toàn diện thí sinh.
Cơ hội để đánh giá toàn diện thí sinh
Tại Việt Nam hiện nay, phần lớn thí sinh đăng ký chọn trường và ngành học chỉ dựa vào cảm tính và lời khuyên từ phụ huynh, mà không thực sự xuất phát từ khả năng và niềm đam mê của bản thân. Điều này dẫn tới nghịch lý, sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề hoặc bỏ ngang giữa chừng để đăng ký học một chuyên ngành khác phù hợp hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia tuyển sinh, kết quả phỏng vấn sẽ đánh giá năng lực tư duy, thái độ, kỹ năng, sở thích, năng khiếu... để bổ sung mức độ chính xác trong khả năng, thái độ và thiên hướng nghề nghiệp theo ngành đăng ký dự thi của thí sinh.
Nhận định về hình thức phỏng vấn tuyển sinh, TS.Lê Văn Sơn (Học viện phụ nữ Việt Nam) cho biết, đây không phải là phương thức mới, nó đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều trường đại học trên thế giới và từ rất lâu rồi. Tại Việt Nam cũng đã được áp dụng cho việc xét tuyển các chương trình liên kết quốc tế. Việc áp dụng hình thức phỏng vấn phù hợp với phương thức tuyển sinh của các trường đại học đối tác nước ngoài.
Còn theo TS.Phạm Thị Tuyết Nhung (ĐH Lao động và xã hội) việc gặp gỡ và trao đổi với thí sinh trong buổi phỏng vấn sẽ giúp Hội đồng đánh giá toàn diện thí sinh về kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, tư duy cũng như động lực học tập bên cạnh kết quả điểm số thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển. Qua đó, nhà trường nắm được tâm tư, nguyện vọng và kế hoạch phát triển của thí sinh để có thể tư vấn, hỗ trợ các em sau này.
Về nội dung phỏng vấn, ông Lê Duy Thắng (Phòng Kiểm định chất lượng đào tạo, Trường CĐ Đường sắt) đưa ra quan điểm: Để đánh giá đúng năng lực của thí sinh, các câu hỏi phỏng vấn cần tập trung vào việc tìm kiếm sự phù hợp về học lực, trình độ hiểu biết nghề nghiệp, kế hoạch học tập của thí sinh. Những câu hỏi này không liên quan nhiều đến kiến thức thí sinh học ở phổ thông, chỉ liên quan đến lĩnh vực thí sinh đăng ký. Đây là cơ hội tốt để tiếp cận được thí sinh, điều mà cách thức tuyển sinh khác không bao giờ có được. Tuy nhiên, khi áp dụng phương thức phỏng vấn thì yếu tố quan trọng là cách thức tổ chức tuyển sinh, cách thức tổ chức phỏng vấn để tránh tiêu cực.