Chính chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập (NCL) từ tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hình thức tuyển sinh đến chủ động thời gian tuyển sinh của Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho các trường NCL bình đẳng trong tuyển sinh.
Chia sẻ áp lực cho trường công
Cho đến thời điểm này, một số trường tư thục ở Đà Nẵng gần như đã hoàn thành khâu tuyển sinh. Như Trường THPT FPT Đà Nẵng bắt đầu tổ chức tuyển sinh lớp 10 từ tháng 3 với kỳ thi xét tuyển đầu vào là bài thi môn Toán logic. Ngoài 100 chỉ tiêu tuyển thẳng, ở đợt 1 tuyển sinh, nhà trường đã tuyển được 120 HS trong tổng số 205 HS dự thi. Trong đợt tuyển sinh đợt 2 vào cuối tuần này, Trường THPT FPT Đà Nẵng có 120 chỉ tiêu so với 350 thí sinh đăng ký dự thi.
Thầy Lê Văn Duẫn, Hiệu trưởng Trường THPT FPT Đà Nẵng cho biết, khác với nhiều địa phương khác, việc Sở GD&ĐT không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường NCL và việc các trường NCL tự chủ trong lựa chọn hình thức tuyển sinh đầu vào, không phụ thuộc vào kỳ thi tuyển sinh hệ công lập do Sở tổ chức đã giúp các trường NCL chủ động được nguồn tuyển. “Như môn Toán, chúng tôi tổ chức thi Toán logic chứ không phải đề Toán như trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập của Sở nên HS không thể dùng kết quả kỳ thi đó để xét tuyển vào trường được”.
Hệ thống giáo dục chất lượng cao
Sky – Line cũng tuyển chọn đầu vào lớp 10 với yêu cầu cao về tiếng Anh. “Nhà trường sẽ phỏng vấn trực tiếp HS bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Thời gian tuyển sinh kéo dài cho đến hết tháng 8 để chọn đủ 64 HS biên chế thành hai lớp 10 cho năm học 2018 - 2019 sắp tới. Trường yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh nên không có chuyện cứ nộp hồ sơ vào là đỗ” - đại diện Trường Sky - Line cho biết.
Ba năm trở lại đây, Sở GD&ĐT Đà Nẵng không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THPT NCL. Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Các trường ngoài công lập có quyền tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của trường mình tùy theo điều kiện đội ngũ, phòng ốc của từng năm học. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng cho phép các trường THPT tư thục có quyền tự tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ THCS, nếu HS có nguyện vọng. Ví dụ như Trường Phổ thông Hermann Gmeiner vẫn có nhiều HS đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Ngoài ra, đối với những trường NCL, nếu trong hồ sơ đăng ký vào lớp 10 của HS không có HS đăng ký nguyện vong 1, nguyện vọng 2 thì sẽ xét tuyển sau khi các em không trúng tuyển các nguyện vọng này”.
Theo phân tích của một CBQL trường tư thục thì chính việc để cho các trường NCL chủ động quyết định thời gian tuyển sinh tạo điều kiện cho phụ huynh, HS có thêm nhiều lựa chọn. “Các em có thể đăng ký xét tuyển vào các trường NCL chất lượng cao từ sớm và nếu không đỗ thì vẫn còn cơ hội thi tuyển vào các trường công. Ngược lại, với thời gian tuyển sinh được kéo dài đến qua hè thì nhiều em rớt từ trường công có thể lựa chọn một số trường tư thục để học”.
Cơ quan quản lý GD thực hiện vai trò hậu kiểm
Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) - cho biết: “Lâu nay, khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh lớp 1, lớp 6, Phòng GD&ĐT đều “áp” một mốc thời gian chung cho tất cả các trường trên địa bàn, không phân biệt công lập hay tư thục. Các trường ngoài công lập đều chủ động công tác tuyển sinh dựa trên uy tín chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường. Phòng GD&ĐT sẽ tiến hành “hậu kiểm” để đối chiếu sĩ số và năng lực của nhà trường xem có đủ điều kiện đáp ứng hay không”.
Còn theo ông Nguyễn Đình Vĩnh: “Các trường NCL có thể tuyển sinh liên tục trong suốt cả năm học. Bởi mình xác định xây dựng thành phố thành trung tâm văn hóa giáo dục thì lượng người nhập cư, về công tác liên tục thay đổi. Cơ quan quản lý GD chỉ làm vai trò hậu kiểm xem có đảm bảo các điều kiện đặt ra hay không thôi, còn các trường tư thục tự chủ hoàn toàn tuyển sinh”.
Cách đây 5 năm, khi một số trường tư thục ở Đà Nẵng bắt đầu chật vật trong tuyển sinh, lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng thời điểm đó đã khuyến cáo các trường tư thục cần điều chỉnh chiến lược phát triển. Và từ đây, một số trường chuyển sang phân khúc chất lượng cao, cạnh tranh bằng những thế mạnh riêng như tăng cường giảng dạy môn Tiếng Anh, dạy kỹ năng sống, các tiết học trải nghiệm… hoặc tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, chính sách của GD là khuyến khích mỗi trường phát triển một thế mạnh riêng như vậy. “Cần phải loại bỏ ngay suy nghĩ trường tư lúc nào cũng đi “nhặt” lại những HS rơi rớt không vào được trường công thì mới có động lực để phát triển được” – ông Vĩnh chia sẻ.