Chưa nhiều thầy cô làm nên “điều kỳ diệu” cho HS
- Từng nhiều năm giảng dạy ở trường sư phạm, dạy ở trường công, làm hiệu trưởng, rồi làm chủ trường tư, gần đây thầy Hòa tham gia cố vấn cho truyền hình thực tế “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”- một chương trình giàu cảm xúc và ấn tượng với giáo viên cũng như công chúng, thầy cảm nhận như thế nào về những điểm mạnh của giáo viên (GV) hiện nay?
GV của Việt Nam được bồi dưỡng, đào tạo nhiều năm, nhiều thế hệ để dạy kiến thức, để dạy lý thuyết là chính. Cho nên, dù ở mọi miền, mọi vùng thuận lợi và khó khăn khác nhau, GV của chúng ta hiện nay thông thường là những người nắm vững kiến thức lý thuyết, nắm vững kiến thức bộ môn mà GV được phân công giảng dạy.
Hầu hết các GV hiểu khá sâu kiến thức lý thuyết, nhiều GV giảng dạy nhiều năm nên nắm rất vững cách dạy lý thuyết và kiến thức trong sách vở. Nếu nói về mặt truyền thụ thì GV của chúng ta đã và đang mang được kiến thức, văn hóa, mang “con chữ” đến cho HS ở khắp các vùng miền của tổ quốc.
làm nên “điều kỳ diệu” cho HS”
Một điều nữa là GV của chúng ta có khả năng quản lý, thuyết phục, tổ chức cho HS trong một lớp học tập trung được vào việc lắng nghe, học bài, ôn luyện kiến thức, rồi đáp ứng các kỳ thi. Đó là khả năng mà GV đang làm được. Đúng theo yêu cầu truyền thống của GD Việt Nam: HS học để nhớ kiến thức, để ghi nhớ, vận dụng vào giải bài tập, làm các bài thi, nếu cần phải thực hiện các kỳ thi theo quy định chung thì dù khó khăn đến đâu HS của chúng ta đều tham gia được, GV của chúng ta đều dạy để đáp ứng được yêu cầu của các kỳ thi. Thậm chí, kết quả của những kỳ thi thường khá cao, cho thấy sự đóng góp của đội ngũ GV. Họ chịu được áp lực trong việc ôn luyện kiến thức cho HS để HS đi thi.
Những ưu điểm, những công sức của GV nhiều thế hệ đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp chung là bảo đảm cho toàn dân có kiến thức, trên cơ sở kiến thức phổ thông mà HS nào học hết lớp 12 đều có được một trình độ văn hóa nhất định, có lối sống phù hợp với xã hội ngày càng văn minh, nhiều HS nhờ thầy cô giáo tận tình dạy dỗ ở bậc phổ thông mà khi trưởng thành đã có lý tưởng sống, có ý chí lập nghiệp.
- Thầy cô của chúng ta nhiều người đã và đang trở thành những tấm gương hết lòng vì học sinh. Điều đó mang lại niềm tin yêu cho học sinh, phụ huynh và cả cái nhìn thiện cảm của xã hội đối với những người đứng trên bục giảng, thưa thầy?
Ở những vùng miền khó khăn, thậm chí ở những trường học ngay trong Thủ đô Hà Nội, không ít những HS có đặc điểm hơi khác các HS khác, có thể HS học yếu, có thể hoàn cảnh gia đình khó khăn... nhưng các HS này cũng được các thầy cô giáo quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện cho học tập để phấn đấu, theo kịp bạn bè. Nhiều HS nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô mà đã tiến bộ. Những HS vượt khó khăn để thay đổi hẳn kết quả học tập, rèn luyện, có những tiến bộ rõ rệt trong ý thức và năng lực cũng không nhiều, nhưng tôi cho đó là một kỳ công của các thầy cô giáo vô cùng tâm huyết với nghề.
Trường nào cũng có, thế hệ nào cũng có những thầy cô tận tụy, hết lòng vì HS. Những tấm gương ấy, những thầy cô giáo bằng tình yêu thương HS vô bờ bến của mình làm chuyển biến những HS chưa chăm ngoan, mà chúng ta có thể tạm gọi là những HS “cần quan tâm đặc biệt” (hay trước đây từng có thời kỳ gọi là HS cá biệt). Chính những thầy cô giáo có trái tim yêu thương học trò như vậy đã tạo cho không ít HS của chúng ta có được một “cuộc đời mới”, từ những sự rèn giũa tận tụy của các thầy cô, mà sau này nhiều HS đã chuyển hóa thành công.
Tôi nghĩ rằng xã hội và bất kỳ ai trong chúng ta không thể phủ nhận công sức của các thầy cô giáo. Nhất là cần phải ghi danh những tấm gương thầy cô đã dày công sức vì HS của mình, nhất là HS “cá biệt”. Tuy nhiên, có một điều phải thẳng thắn thừa nhận rằng những thầy cô giáo làm được những “điều kỳ diệu” với HS của mình chưa phải là phổ biến.
Khó thành công nếu vẫn dạy học kiểu “rót nước vào chai”
Bên cạnh những ưu điểm đáng hãnh diện về các thầy cô giáo. Tôi chia sẻ về những gì đã thấy qua mấy chục năm làm thầy, làm GV chủ nhiệm, làm quản lý GD, làm chủ trường. Có một thực tế nhiều năm vẫn tồn tại, đó là thầy cô giáo của chúng ta quen dạy theo sách giáo khoa (SGK). Mục tiêu GD là “dạy người” vẫn bị lu mờ, trong GD vẫn nổi trội mục tiêu tất cả vì “thi cử”, các kỳ thi là mục tiêu dạy và học được đặt lên hàng đầu và tiếp đến là mục tiêu “thành tích”. Mà đã chạy theo “thi cử”, “thành tích” thì sẽ phải dạy theo hướng truyền thụ kiến thức, cung cấp kiến thức cho HS là chính. Nhược điểm này trong dạy học đã được chỉ ra tại Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Tư tưởng, xu hướng dạy học chỉ truyền thụ kiến thức là chính, khiến các thầy cô của chúng ta chỉ chăm chăm dạy kiến thức trong SGK, đọc SGK, dạy y như SGK, thậm chí có GV dạy không khác SGK một chút nào, không bỏ sót một dòng nào.
Tôi xin nói thẳng là có những nhà quản lý GD, có những hiệu trưởng, có những tổ trưởng chuyên môn phê bình hẳn GV là: “Tôi thấy thầy (cô) dạy còn thiếu điều này trong SGK, SGK có ghi nội dung này không thấy cô nói đến”; thậm chí còn nhắc nhở: “Có chi tiết này, có gạch đầu dòng này thầy (cô) chưa nói đến”... Như thế là “thầy (cô) dạy chưa đủ kiến thức cho HS”; thậm chí như chất vấn GV: “SGK nói thế này sao thầy (cô) lại nói khác?... Tất cả cách nhìn nhận như vậy chỉ tạo cho GV một nhược điểm là chỉ dạy theo SGK và thoát SGK ra là có thể “không biết dạy gì”.
Việc vận dụng kiến thức trong SGK vào thực tế và hướng dẫn cho HS hoạt động trải nghiệm kiến thức đã học thì nhiều GV hiện vẫn đang loay hoay, gặp khó khăn.
- Dạy kiến thức mà chỉ chú trọng dạy lý thuyết thì kiến thức làm gì có sức sống. Nguyên nhân tồn tại này do đâu, thưa thầy?
“GV của chúng ta lâu nay đã phải làm theo “mệnh lệnh”, “nhồi nhét”, nên khi dạy học cũng dạy kiểu mệnh lệnh, nhồi nhét, áp đặt, dạy học vì điểm số, vì mục tiêu thi cử…
Tình trạng dạy học nặng về truyền thụ lý thuyết không chỉ xảy ra ở bậc phổ thông mà đến bậc ĐH cũng có nhiều thầy cô chỉ dạy chú trọng về lý thuyết. Cứ cách dạy như vậy thì HS, SV làm sao có đủ kiến thức để ra đời có thể năng động, sáng tạo? Việc xoay chuyển thói quen, ý thức đã ăn sâu trong GV của chúng ta là rất khó.
Thực tế GD- ĐT nặng về truyền thụ lý thuyết trong giảng dạy như vậy không chỉ là do sức ì, do thầy cô ngại thay đổi, mà là do lâu nay họ được đào tạo từ các trường sư phạm, thậm chí ngay từ thời phổ thông đã toàn học lý thuyết xuông như thế, đến khi trở thành GV thì lại áp dụng đúng cách dạy truyền thống ấy.
Nhược điểm của GV hiện nay mà chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn là về kỹ năng, về phương pháp dạy học phải xem lại. GV hiện nay quen dạy theo cách thuyết giảng, quen dạy kiểu thầy đọc- trò ghi, thầy nói- trò nghe, dạy học theo kiểu “rót nước vào chai”. HS vểnh tai lên nghe thầy cô giảng bài, còn thầy cô như thể người rót kiến thức vào tai HS.
Dạy học mà không quan tâm đến từng đối tượng HS (yếu, kém, khá, giỏi) có năng lực tiếp thu kiến thức khác nhau. Trong một lớp học cứ vào bài học là GV dạy tất cả HS y như nhau, giao bài tập như nhau; rồi 5 lớp 3 lớp trong một khối do một GV đảm nhiệm bộ môn cũng dạy y như nhau, từ cách giảng đến giáo án. Đặc biệt, nhiều GV chưa quan tâm đến đối tượng HS gặp khó khăn trong học tập, mà chúng ta vẫn gọi là những HS yếu, kém.
Nếu HS không tiếp thu được bài, không làm được bài tập GV giao thì phê bình, mắng mỏ HS, chứ không quan tâm HS khó khăn ở đâu trong việc tiếp thu bài? HS tại sao không làm được bài tập? Để giúp HS tháo gỡ khó khăn và học tiến bộ hơn, lại cũng không có phương pháp phù hợp để giảng bài giúp HS khó khăn trong học tập hiểu bài hơn, chăm chỉ học hơn.
- Và còn đó thực trạng dạy học mà vô cảm, không coi trọng yếu tố “dạy người”, khiến ở trong và ngoài ngành giáo dục có không ít nghi ngại, lo lắng về biểu hiện, ứng xử của một bộ phận giáo viên với học sinh của mình, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, gây thiệt thòi cho chính học sinh?
Hiện nay không ít thầy cô giáo đang có một cách duy nhất là truyền thụ kiến thức một chiều, rồi HS học không tốt thì GV than vãn, thậm chí mắng nhiếc, xúc phạm HS: “Sao ngu thế? Sao kém thế?”. Xin lỗi các GV đang ứng xử như vậy với HS là: Bản thân các thầy cô giáo dạy cùng một bài học trong hàng chục năm, dạy đi dạy lại một kiểu bê nguyên trong SGK, dạy đến hàng chục, trăm lần một bài trong SGK thì thầy cô chẳng “thuộc bài” à? Chứ nếu mới học lần đầu bài học đó thì thầy cô chắc gì đã hơn HS?
Nếu chúng ta nói yêu cầu GV sử dụng công nghệ trong giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, thực tế lại cho thấy có không ít GV cũng chỉ làm 1, 2 lần, làm cho có, làm đối phó, thậm chí làm khi có người dự giờ giảng thôi. Còn khi thoát dự giờ, thoát thi thố giảng bài này nọ thì lại đâu vào đấy, lại dạy học theo lối cũ. Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy không ít GV đang làm kiểu đối phó. Vậy thì làm sao đòi hỏi HS học có hứng thú được, học không đối phó được.
GV dạy học chỉ quan tâm đến kiến thức, quan tâm đến kết quả kiểm tra kiến thức đó như thế nào, chứ thiếu sự quan tâm đến con người trung tâm của hoạt động dạy và học ở đây là HS, dạy học mà không quan tâm đến cảm xúc của HS.
GV đang thiếu sự quan tâm đến việc ta dạy học là ta dạy cho mỗi trò như một cá thể riêng (một lớp học là nhiều cá thể HS khác nhau), mỗi trò là một tâm hồn riêng, một thế giới riêng, mỗi HS có hoàn cảnh riêng, có năng lực, khả năng tiếp thu của mỗi HS khác nhau.
Thậm chí nhiều HS có khả năng tiếp thu kiến thức tương đương nhau, nhưng hoàn cảnh sống của HS khác nhau, thì tâm tư, cảm xúc về học tập cũng có thể khác nhau. Nếu GV coi tất cả HS như một HS thì rất có thể GV đã coi HS nhưng những cái máy để nghe giảng, đều ghi lại kiến thức mà GV “rót vào”.
Có lời lẽ xúc phạm HS, thậm chí đánh HS vì HS không làm theo ý mình, không học theo ý mình, nghĩa là GV đã làm theo quy tắc, theo kỷ luật mà GV tự đặt ra một cách cứng nhắc, vô cảm.
- Dạy học mà không quan tâm đến cảm xúc của HS với bài học, với hoạt động giảng dạy của thầy cô, khiến tình trạng HS học đối phó càng trở nên nặng nề?
GV gọi HS trong giờ học đứng lên để kiểm tra kiến thức, HS không trả lời được thì GV mắng luôn, chứ không cần biết có thể hôm nay HS đang buồn vì chuyện gia đình, hay mẹ của HS ốm nặng, hoặc có thể ông của HS mới mất... nên HS không tập trung học được, không làm bài hay học thuộc bài đầy đủ được.
Thậm chí, HS rất nhạy cảm, có khi sáng đi học bị bố mẹ mắng oan việc gì đó, hoặc thể trạng HS hôm nay mệt mỏi không thể nạp kiến thức... Chỉ hôm nay thôi, chỉ vài hôm thôi, nhưng GV không quan tâm. Nhiều thầy cô chỉ nhăm nhăm HS không học đúng yêu cầu của GV thì kỷ luật, phạt, yêu cầu tất cả HS, bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải: Học- Ghi nhớ- Thuộc bài.
Tôi đã từng trao đổi với các phụ huynh và giáo viên ở trường tôi rằng: Điều khác giữa GD truyền thống, giữa GD mà chúng ta đang làm lâu nay, với GD mà chúng ta gọi là hiện đại, đổi mới, hướng tới nền GD tiên tiến... khác nhau ở chỗ: GD truyền thống chỉ coi kiến thức là chính, coi kiến thức là cái mà nhà trường, GV phải cung cấp cho HS, là cái mà thể hiện sản phẩm GD qua thi cử.
Còn GD hiện đại, tiên tiến phải quan tâm trên hết là nhân tố con người trong dạy và học, trong GD, quan tâm đến từng HS, dạy học là dạy từng con người, dạy HS nên người, chứ không phải chỉ dạy HS kiến thức. Dạy học là phải giúp HS hình thành năng lực, phẩm chất, đúng như Nghị quyết 29 chỉ ra: GD phải quan tâm đến con người.
Nếu GD, GV vẫn tiếp tục quan tâm đến cơ chế, đặt nặng kiến thức lên hàng đầu trong hoạt động GD, quan tâm trên hết đến kết quả thi cử... thì thiệt thòi HS gánh đủ và GD như vậy là không có hiệu quả thật sự. Chăm lo đến từng HS và giúp mỗi trò tiến bộ, theo tôi, là vấn đề mà từng GV phải luôn tâm niệm, để tìm ra phương pháp dạy học, phương pháp GD tốt nhất cho HS của mình.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy!