Ứng xử sao với những học sinh đánh bạn?

Chủ nhật - 31/03/2019 19:35 428 0

Ứng xử sao với những học sinh đánh bạn?

Sau vụ nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh hội đồng dã man ở Hưng Yên, nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm sao trị tận gốc nạn bạo lực học đường? Ứng xử ra sao với những học sinh đánh bạn?

Liên quan tới vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên, các ý kiến cho rằng xử lý nghiêm những người có liên quan là cần thiết, nhưng việc quan trọng là tìm giải pháp nào để không còn những vụ tương tự xảy ra.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội): Phạt nặng song song trị liệu tâm lý cho học sinh bạo hành

Qua sự việc ở Hưng Yên, có thể thấy những học sinh đánh bạn không hiểu biết pháp luật, không ý thức được về việc làm sai và phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình như thế nào. 

Các em đánh bạn và có thể là cả những em chứng kiến, quay clip đều tưởng rằng việc đó là bình thường, mà không lường được hết hậu quả xảy ra với bạn và với mình.

Lâu nay chúng ta mới nói đến kỹ năng nhưng chưa nói đến giá trị sống. Học sinh lớp 9 nhưng chưa nhận ra được các giá trị về đạo đức, lòng yêu thương, sự tôn trọng, như thế là không được. 

Vì vậy, sau sự việc ở Hưng Yên và những vụ bạo lực học đường gần đây, không chỉ nhà trường nơi xảy ra bạo hành mà các trường học khác đều cần phải xem lại tất cả chương trình giáo dục đã hiệu quả hay chưa.

Trong các nhà trường phổ thông, thầy, cô giáo không chỉ là người dạy kiến thức văn hóa mà cần là những nhà giáo dục. Để được như vậy, giáo viên phải được trang bị kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi, các nhà trường phải đề cao công tác chủ nhiệm để giáo viên chủ nhiệm sát sao, nắm bắt những biểu hiện khác lạ của học sinh và kịp thời can thiệp, chấn chỉnh.

Sự việc ở Hưng Yên xảy ra ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh nhưng phản ứng của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu chậm, chưa kể có việc làm giảm nhẹ sự việc xảy ra. Cách xử lý không thấu đáo, không sáng suốt sẽ tiếp tục dung túng những hành vi sai phạm sau này.

Theo tôi, vẫn cần có hình thức xử phạt nặng đối với hành vi đánh đập bạn để cảnh báo cho các học sinh khác biết suy nghĩ khi hành động và biết chịu trách nhiệm, trả giá cho hành động đó.

Ngoài việc gia đình phải chịu phạt hành chính, bồi thường cho người bị hại, nên có hình thức để học sinh phải lao động công ích, hoặc một hình thức nào khác để học sinh đền bù cho việc làm sai trái bằng hành động thiết thực chứ không phải lời xin lỗi suông, còn người lớn thì đứng ra xin, bao che cho học sinh.

Bên cạnh đó, những học sinh đánh bạn cũng cần được "trị liệu". Những đứa trẻ vấp ngã phải được trị liệu để hiểu ra sai trái và thay đổi.

Cô Đỗ Thị Tuyết Nga (nguyên hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái): Cần sự sát sao của hiệu trưởng

Là một hiệu trưởng, bất kể xảy ra việc gì với giáo viên hay học sinh trong trường, hiệu trưởng đều phải biết rõ. Để làm được điều này, hiệu trưởng phải có kế hoạch chỉ đạo, điều hành đội ngũ giáo viên, nhân viên và dưới nữa là đội ngũ cán bộ lớp tỉ mỉ, thận trọng và tận tâm. Trong đó chú trọng các phương pháp bảo vệ giáo viên và học sinh.

Nếu trong trường có học sinh bị bạo hành, điều đầu tiên hiệu trưởng phải quan tâm đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tâm lý của em học sinh bị bắt nạt, rồi mới đến việc giáo dục ý thức, suy nghĩ của những học sinh đánh bạn và các học sinh khác.

Cụ thể ngay khi biết sự việc, hiệu trưởng phải mời giáo viên chủ nhiệm, đại diện cha mẹ học sinh đến nhà thăm hỏi, tư vấn, hỗ trợ bước đầu cho học sinh bị đánh.

Trường hợp em học sinh ở Hưng Yên, thông tin cho hay em vốn hiền lành, nhút nhát, lại phải hứng chịu bạo lực tàn nhẫn nên tổn thương là rất nặng nề. Vì thế, nếu thấy cần thiết phải mời chuyên gia tâm lý giúp em ấy ổn định tâm lý.

Tiếp đến, ban giám hiệu phải mời 5 em học sinh cùng gia đình, đại diện an ninh xã, đại diện hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, đại diện phòng giáo dục, cán bộ lớp và một số học sinh chứng kiến sự việc trao đổi.

Những em tham gia đánh bạn và những em chứng kiến phải tường trình, lập biên bản. Hiệu trưởng phải là người lắng nghe kỹ, nắm rõ từng chi tiết sự việc, phân tích đúng, sai một cách nghiêm khắc, công minh và dựa trên các ý kiến góp ý mà quyết định hướng xử lý sai phạm.

Hiệu trưởng phải thành lập hội đồng kỷ luật ngay sau đó, có quyết định kỷ luật đối với học sinh, những người liên quan. Sự việc phải trở thành bài học để giáo viên chủ nhiệm trao đổi, thông tin đến từng học sinh để các em hiểu rằng không được bạo hành, làm tổn thương thân thể, tinh thần người khác.

Đặc biệt, không chỉ em học sinh bị hại mà cả 5 học sinh đánh bạn cũng cần hỗ trợ tâm lý để điều chỉnh tính cách, giúp các em thực sự hiểu hành vi sai trái của mình tác hại như thế nào, chứ không chỉ qua lời xin lỗi mang tính hình thức.

Việc xử phạt là cần và cần làm ngay, nhưng việc giáo dục học sinh để các em thực sự hối lỗi thì cần một quá trình sát sao của hiệu trưởng nói riêng và các thầy, cô giáo cùng gia đình nói chung.

Tác giả bài viết: Theo Tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập417
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm416
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại291,867
  • Tổng lượt truy cập51,647,826
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944