Mở đầu ngày làm việc thứ 2, ông Nguyễn Đăng Hợp, Vụ phó Vụ Thi đua, khen thưởng – Bộ GD&ĐT đã trình bày một số kết quả thực hiện nhiệm vụ thi đua, khen thưởng năm học 2019-2020 và phương hướng nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021.
Theo đó, năm học 2019-2020, Vụ Thi đua, khen thưởng đã tham mưu thực hiện có hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng và các Chỉ thị của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước với nội dung thiết thực, hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.
Công tác tham mưu xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường hiệu lực; hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức, hoạt động và bình xét thi đua của các cụm thi đua khối các cơ sở giáo dục và đào tạo theo 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp đảm bảo bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và thực hiện đánh giá trên phần mềm; loại bỏ các tiêu chuẩn, tiêu chí có chứa bệnh thành tích.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe hướng dẫn, giải đáp cách sử dụng phần mềm đánh giá tiêu chí thi đua khối các cơ sở GD&ĐT và thảo luận sâu về những điểm mới trong dự thảo Thông tư có liên quan đến công tác khen thưởng thay thế Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT ngày 28/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các ý kiến của đại biểu đến từ Đồng Tháp, Thanh Hóa, Bắc Giang, Sơn La xoay quanh nội dung khen thưởng cho các cơ sở giáo dục nhân dịp kỷ niệm thành lập đơn vị; bổ sung đối tượng tặng Cờ thi đua; thay thế sáng kiến đối với các cá nhân khi xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng; tháo gỡ khó khăn cho địa phương, nhất là về kinh phí chi trả cho các cá nhân được khen thưởng... được Vụ Thi đua, khen thưởng giải đáp ngay tại Hội nghị.
Cũng tại Hội nghị, các chuyên đề về công tác phối hợp truyền thông thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tập huấn về xử lý khủng hoảng truyền thông trong giáo dục đã được ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chánh VP Bộ GD&ĐT trình bày và đưa ra thảo luận.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sắp diễn ra, năm nay là lần đầu tiên Thủ tướng giao địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức kỳ thi trên địa bàn nên áp lực của cơ quan truyền thông đối với tỉnh, Sở GD&ĐT là rất lớn, vì vậy cần phải có kế hoạch, chủ động để cung cấp thông tin cho báo chí" – Ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Về nội dung này, hội nghị cũng được nghe nhiều chia sẻ của các đại biểu đến từ Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ninh những câu chuyện liên quan đến việc tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí; xử lý khủng hoảng truyền thông đối với một số vụ việc cụ thể; chủ động công tác phối hợp cung cấp thông tin giữa Sở GD&ĐT với cơ quan báo chí...
Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị công tác Văn phòng và tập huấn công tác truyền thông khối Sở GD&ĐT năm 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Văn phòng bộ cần sớm có văn bản hướng dẫn cho các địa phương trước ngày 30/7 về công tác tổng hợp, thống kê, báo cáo; nội dung báo cáo cần đúng trọng tâm, trọng điểm; Đối với công tác cải cách hành chính, Bộ đã ban hành quy chế về công tác văn thư, đề nghị Văn phòng bộ chia sẻ với địa phương để thống nhất về thể thức văn bản nhằm làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác báo cáo.
Đối với công tác truyền thông giáo dục, đề nghị Văn phòng tham mưu với lãnh đạo Sở về quy chế phối hợp truyền thông về GD&ĐT với Ban Tuyên giáo, Sở TTTT, báo, đài trên địa bàn; tổ chức ít nhất 3 tháng 1 họp báo định kỳ tại địa phương, có mời một cơ quan báo tỉnh và cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn cùng các phòng chức năng và một số đơn vị liên quan.
Tham mưu với lãnh đạo Sở đề xuất thêm các đầu mối liên hệ cung cấp thông tin; thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, tuyến bài chuyên sâu để giải đáp các vấn đề mà phụ huynh và người dân quan tâm. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gương người tốt việc tốt để tạo sự lan tỏa, đồng thời, cung cấp thông tin về Bộ để Trung tâm truyền thông hỗ trợ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đặc biệt, khi có sự cố, nhất là liên quan đến kỳ thi thì tuyệt đối không được che giấu thông tin mà phải báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo kỳ thi và Giám đốc Sở để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.
Đối với Văn phòng Bộ, cần sớm gửi kế hoạch truyền thông của Bộ đến các Sở, sau khi nhận được kế hoạch của Bộ, các Sở xây dựng kế hoạch truyền thông của địa phương tạo sự nhịp nhàng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Trung tâm truyền thông cần xây dựng trước một số kịch bản xử lý tình huống truyền thông mẫu gửi đến các Sở để tham khảo; các địa phương phối hợp xây dựng các tuyến bài phù hợp từ nay đến cuối năm như các tuyến bài về thi tốt nghiệp THPT, tuyến bài về SGK mới để lan tỏa thông tin từ Sở đến địa phương và nhà trường.