Nguyên nhân bởi không được đầu tư về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định…
Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Từ đó đến nay đã qua gần 2 chu kỳ nhưng chưa lần nào được kiểm tra công nhận đạt chuẩn trở lại. Thầy Hiệu trưởng Phạm Diệu cho biết: “Rào cản duy nhất là trường không đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất. Nhà trường có những dãy phòng học xây dựng từ năm 1983, đến nay đã xuống cấp trầm trọng.
Trường chưa có nhà đa năng, khu giáo dục thể chất, sân bãi tập cũng không có. Các phòng học bộ môn vừa xuống cấp vừa lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn mới. Hằng năm, trường chỉ đủ kinh phí để cải tạo, sửa chữa nhỏ phục vụ dạy và học theo yêu cầu tối thiểu”.
Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) được công nhận đạt chuẩn từ năm 2013. Đây cũng là một trong ít đơn vị hoàn thành công tác chuẩn hóa sớm thứ nhì ở cấp THPT của tỉnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà trường chưa làm hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn trở lại dù đã quá 2 chu kỳ vì vướng các điều kiện về cơ sở vật chất. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tấn, các tiêu chí về kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia đều có thể đạt mức 2, riêng cơ sở vật chất thì không đạt yêu cầu.
Trong khi đó, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2012. Đến năm 2015 trường đạt chuẩn mức 2. Sau năm 2020, khi kết thúc chu kỳ 5 năm đạt chuẩn, trường bị rớt chuẩn vì không được tái kiểm tra.
Sau gần 40 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của nhà trường đã lạc hậu, thậm chí xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ không đảm bảo an toàn cho thầy cô và học sinh. Đơn cử như diện tích phòng học nhỏ, chỉ có một cửa ra vào, không đảm bảo yêu cầu về phòng, chữa cháy. Khu nội trú của học sinh xuống cấp nặng và không thể nâng cấp, sửa chữa, rất nguy hiểm khi trời mưa gió.
Năm 2010, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) có 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm này, toàn quận chỉ còn Trường Tiểu học Hải Vân được công nhận trường chuẩn quốc gia. Các trường tiểu học khác không tái đăng ký kiểm tra để công nhận sau khi kết thúc chu kỳ 5 năm, dù vẫn thực hiện công tác kiểm định chất lượng.
Nguyên nhân, theo như ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu - TP Đà Nẵng, do tình hình tăng dân số cơ học quá nhanh nên quy mô trường, lớp không thể đáp ứng kịp. Hiện nay, các trường tiểu học của Liên Chiểu đều từ 40 - 45 học sinh/lớp để đảm bảo đạt 100% dạy 2 buổi/ngày.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Nam, đến năm 2023, toàn tỉnh có 573/725 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 79%. Trong đó, mầm non có 186 trường (tỷ lệ 82,3%); tiểu học 198 trường (tỷ lệ 87,2%); THCS 166 trường (tỷ lệ 76,1%) và THPT 23 trường, tỷ lệ 42,6%.
Tuy nhiên, theo kết quả rà soát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Quảng Nam, tỉnh chỉ còn 406/725 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56%. Như vậy, Quảng Nam đang có 146 trường mầm non (68%), 130 trường tiểu học (61%), 121 trường THCS (60%) và 9 trường THPT (22%) đạt chuẩn quốc gia.
Có 84/199 trường ở miền núi đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 42,21%. Trong khi đó, theo mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 11 năm 2017 của Tỉnh ủy Quảng Nam, đến năm 2025, toàn tỉnh có 70% trường mầm non, 95% trường tiểu học, 80% trường THCS và 60% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Nguyên nhân rớt chuẩn của 167 trường học ở Quảng Nam sau chu kỳ 5 năm đạt chuẩn do không được đầu tư về cơ sở vật chất đủ chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT để kiểm tra, công nhận lại. 176 trường rớt chuẩn của Quảng Nam, có 14 trường THPT, 40 trường mầm non, 68 trường tiểu học và 45 trường THCS.
Trong số những trường nằm trong danh sách rớt chuẩn của Quảng Nam thì Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, xây dựng mới khối nhà lớp học, thư viện, bộ môn, khối nội trú; sửa chữa, cải tạo nhà đa năng… Vì vậy, sớm nhất phải đến năm 2025, nhà trường mới có thể làm thủ tục để kiểm tra công nhận đạt chuẩn.
Trước thực trạng trên, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp các địa phương rà soát tiêu chí trường chuẩn 167 trường học đã hết hiệu lực công nhận để có giải pháp đầu tư, duy trì và xây dựng các tiêu chí đảm bảo công nhận lại trường đạt chuẩn theo quy định.
Cùng đó, tập trung rà soát, đánh giá cụ thể số lượng các trường mầm non, phổ thông không đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để đề xuất giải pháp đầu tư nhằm góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết số 11 ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy.
Ông Nguyễn Thanh Lịch cho biết, các yêu cầu về đội ngũ, chất lượng dạy học của các trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu đều đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia. Cái khó nhất trong xây dựng trường chuẩn ở địa bàn này là từ năm 2013 trở đi, cùng với quá trình chỉnh trang đô thị của thành phố Đà Nẵng, Liên Chiểu là quận có tốc độ gia tăng dân số cơ học quá nhanh, dẫn đến quá tải trường lớp. 11 trường tiểu học của quận có quy mô khoảng 1.500 học sinh, có một trường 2.200 học sinh.
Dự kiến, năm học 2024 – 2025, Liên Chiểu sẽ tập trung nguồn lực để có thêm 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, gồm Trường Tiểu học Trần Bình Trọng và Triệu Thị Trịnh. “Về cơ bản, 2 trường này đóng chân trên địa bàn không có sự biến động lớn số lượng dân số. Chỉ cần tập trung đầu tư một số điều kiện cơ sở vật chất để sớm về đích”, ông Nguyễn Thanh Lịch thông tin.
Ở cấp THCS, quận Liên Chiểu có 3 trường đạt chuẩn. Ngoài sĩ số học sinh/lớp đông thì hầu hết trường THCS trên địa bàn quận hạn chế về tiêu chí diện tích/học sinh. Như với Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, diện tích đất 5.300m2 nhưng quy mô học sinh là 2.100 em.
“Các cơ quan chức năng đã làm việc với 10 hộ dân xung quanh trường để bàn việc di dời và sẽ thu hồi khu đất đang được một đơn vị Nhà nước sử dụng ngay sát trường để mở rộng diện tích. Hy vọng mọi việc được thúc đẩy sớm để thầy trò Trường THCS Nguyễn Lương Bằng đủ điều kiện xây dựng trường chuẩn”, ông Lịch kỳ vọng.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: “Ngành Giáo dục xác định đây là công việc lâu dài, cần giải pháp tổng hợp, quyết liệt; trong đó trách nhiệm trước hết của ngành, kể cả việc tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương để có sự quan tâm hỗ trợ đầu tư”.
Ông Tường cũng kiến nghị các địa phương quan tâm hơn trong việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở giáo dục đã đạt chuẩn nhưng hiện tại bị xuống cấp, không bảo đảm điều kiện duy trì kết quả; bố trí quỹ đất, tạo sân chơi bãi tập cho trường học. Mặt khác, ưu tiên bố trí đội ngũ, học sinh/lớp theo đúng định mức để xây dựng trường chuẩn.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc