Văn bản do Phó Giám đốc Phạm Khương Duy ký, yêu cầu các đơn vị phân công lịch trực, tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; vệ sinh sạch sẽ khuôn viên trường lớp, bếp ăn, phòng chức năng... hàng ngày. Các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kết nối, thiết lập nhóm trao đổi trên mạng Internet với học sinh, phụ huynh để định hướng học sinh ôn tập, tự rèn luyện tại nhà (nghiên cứu lập kế hoạch triển khai học trực tuyến).
Bên cạnh đó, cần phun thuốc khử trùng, tổng vệ sinh trường, lớp; tập huấn cho giáo viên, học sinh cách phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng đo thân nhiệt, phát khẩu trang, nước rửa tay khi các em quay trở lại học tập; đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần cho giáo viên và học sinh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình, duy trì nề nếp học tập.
Xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh theo nguyên tắc phải đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Thời gian học bù được sử dụng từ quỹ thời gian dự phòng đã được quy định trong Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của Bộ GD&ĐT. Trường hợp cần thiết, có thể tổ chức học bù vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật.
Các cơ sở giáo dục cũng cần xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức học bù cho học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Như vậy, sau Vĩnh Phúc và Đồng Nai, cả nước hiện còn Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Bình thông báo cho học sinh nghỉ học hết 23/2. Các địa phương còn lại cho học sinh nghỉ hết tháng 2/2020 để phòng dịch bệnh từ Covid-19.