Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thầy cô giáo và thí sinh TPHCM thuộc diện thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cho rằng đây là đề xuất hợp lý?
Vui mừng khi hay tin xét đặc cách tốt nghiệp
Theo công văn của UBND TPHCM, đợt 1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 TP có hơn 85.000 thí sinh dự thi, đạt 96,25%. Hiện TPHCM có 3.234 thí sinh đủ điều kiện đăng ký thi đợt 2. Tuy nhiên, TP đã thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 9/7 và nhiều biện pháp siết chặt hơn đến hết ngày 1/8. Tình hình dịch bệnh đến thời điểm thi đợt 2 có thể còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới mỗi ngày trên 3.000 ca trong những ngày gần đây.
“Do đó, việc tổ chức thi đợt 2 (dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 8/8) là khó có thể thực hiện, không tạo được tâm lý an toàn cho phụ huynh và cả thí sinh; khó có thể thực hiện toàn diện an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng yêu cầu nghiêm túc khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”, văn bản nêu.
Đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT đối với thí sinh thi đợt 2 nhận được sự đồng tình của nhiều GV và HS. Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) có 14 HS thuộc diện thi đợt 2. ThS Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, học sinh ở một số tỉnh thành phố bị ảnh hưởng có thể được xét đặc cách là phù hợp.
Tương tự, Trường THPT Gia Định (TPHCM) có 10 HS thuộc diện thi đợt 2. TS Hà Kim Phượng - Tổ Văn Trường THPT Gia Định (TPHCM) cũng thể hiện sự đồng tình với chủ trương này. Cô Phương chia sẻ: “Xã hội nói chung và thí sinh nói riêng đều sống trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Người bình thường còn mệt mỏi huống chi là các sĩ tử chuẩn bị đi thi. Biết được thông tin TP đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh thi đợt 2 tôi rất mừng. Và tôi vẫn khuyên các HS của mình hãy vững tin là Nhà nước luôn quan tâm đến các em”.
Khi hay tin TP có văn bản đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT đối với thí sinh thi đợt 2, em Chu Hoàng Nguyên (lớp 12A6.1, Trường THPT Gia Định, TPHCM) bày tỏ sự vui mừng. “Nhà em bị phong toả nên phải thi đợt 2. Điều em cảm thấy lo lắng nhất đó là vấn đề ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Khu nhà em cũng có ca dương tính nên cả nhà ai cũng lo lắng cho vấn đề sức khoẻ. Em cũng ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý trong lúc ôn luyện. Nay hay tin được xét đặt cách em rất vui” - Chu Hoàng Nguyên chia sẻ.
Thêm phương thức xét tuyển?
Với những thí sinh chuẩn bị tinh thần để thi đợt 2 thì vừa mừng nhưng cũng có phần bị hụt hẫng khi có thông tin được xét đặc cách. Em Nguyễn Lê Quỳnh Hương (Lớp 12A8, Trường THPT Võ Văn Kiệt – TPHCM cho biết: Biết tin được đặc cách tốt nghiệp THPT em không vui và lo lắng nhiều.
“Nỗi lo của em là ĐHQG sẽ có những phương án, phương thức xét tuyển để có cơ hội cho bản thân và các bạn thí sinh như em. Hiện em vẫn ôn luyện cuộc thi năng khiếu, đồng thời theo dõi phương án xét tuyển của các trường. Hy vọng lúc tham gia bài thi của các trường đại học em có thể phát huy tốt nhất sức mình” - Nguyễn Lê Quỳnh Hương bày tỏ.
Hiện tại một số trường ĐH đã thông báo điều chỉnh đề án tuyển sinh, bổ sung thêm phương thức mới nhằm tạo điều kiện cho thí sinh được đặc cách công nhận tốt nghiệp có cơ hội được học tại trường. Trong đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) bổ sung thêm phương thức xét tuyển thứ 7 (phương thức xét tuyển đặc cách) để xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT theo Quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh không trúng tuyển các phương thức tuyển sinh khác của UEH và thuộc diện được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021, sẽ được sử dụng kết quả quá trình học tập từng năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 để làm cơ sở xét tuyển.
Đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT về xét đặc cách cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho rằng, nên xét đặc cách cho các thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời sử dụng điểm học bạ để xét tuyển vào ĐH cho các em.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, qua phân tích dữ liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy tương tự năm ngoái, năm nay điểm học bạ cao hơn điểm thi THPT không nhiều. Bình quân nhiều môn trong cả nước chênh lệch dưới 1,0 điểm, trừ môn Sinh, Sử chênh hơn 2,0 điểm. Sự chênh lệch lớn (trên 1,5) giữa học bạ và điểm thi THPT cũng chỉ xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc như: Hải Phòng, Thanh Hóa, và một số tỉnh miền núi; miền Trung có Phú Yên và một số tỉnh Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng… Thậm chí điểm thi còn cao hơn điểm học bạ trong môn Anh ở TPHCM và Bình Dương.
“Như vậy, sự chênh lệch điểm không nhiều, nên việc xét học bạ đủ bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường ĐH, nhất là điểm học bạ còn thể hiện được quá trình học tập của các em” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.