Vẫn còn bất bình đẳng công - tư?
Theo các chuyên gia, hệ thống các trường tư chính là động lực thúc đẩy các trường công lập thay đổi. Vì vậy, sự bất bình đẳng đang tồn tại cần phải được xóa bỏ.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đề xuất làm sao Luật Giáo dục cần cập nhật đủ các mô hình giáo dục trường lớp, hình thức giáo dục mới vào văn bản pháp luật. Song song đó cần có chính sách để các trường tư thục tiếp cận được các định chế tài chính quốc tế, bên cạnh sự quan tâm và ưu tiên đối với lĩnh vực đầu tư vào giáo dục.
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng của hệ thống giáo dục tư thục, PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho biết: Trước đây kinh tế tư nhân rất bị kỳ thị, nhưng hiện nay nó được xem là động lực để phát triển kinh tế. Để phát triển ĐH tư thục sắp tới, PGS.TS Nguyễn Văn Áng cho rằng cần phải xóa bỏ phân biệt công tư, sinh viên học trường công hay tư đều phải được hưởng các quyền lợi như nhau.
“Hệ thống giáo dục ĐH tư thục của chúng ta vẫn chưa thể đạt con số 40% như kỳ vọng đó là do xã hội còn quan điểm nặng nề đối với giáo dục tư thục. Đây là điều cần nghiêm túc xem lại” - PGS.TS Nguyễn Văn Áng nói.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Văn Áng, PGS.TS Thái Bá Cần- Phó Tổng Giám đốc phát triển đại học – Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết, về số lượng thì nước ta thuộc nhóm nước có tỉ lệ giáo dục tư thục thấp. Sự quan tâm phát triển mảng giáo dục này của nhà nước chưa cao.
Quan niệm xã hội về giáo dục như một phúc lợi xã hội còn chiếm ưu thế. Các hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục tư thục thường được đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh giáo dục. Thời gian qua, giáo dục tư thục tại Việt Nam đang phát triển theo hai hướng rõ nét.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia ý kiến tại tọa đàm |
Hướng thứ nhất là hướng đại chúng, các trường tư thục tạo điều kiện cho tất cả đối tượng được học, tùy theo năng lực của bản thân. Nhưng hướng thứ hai rất đáng quan tâm, đó là hướng đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế, đưa ra các chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới về Việt Nam.
“Đây là một trong những cố gắng nỗ lực của rất nhiều trường thuộc hệ thống giáo dục tư thục tại Việt Nam đang xây dựng. Tôi nghĩ cả hai hướng phát triển này đều đang mang lại lợi ích chung cho giáo dục tư thục và giáo dục Việt Nam. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh giáo dục tư thục phát triển.
Chất lượng giáo dục công lập của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, tụt hậu khá nhiều so với sự phát triển của giáo dục thế giới (do kinh phí đầu tư thấp, không có khả năng đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trả lương cho đội ngũ giáo thấp không đủ sức khuyến khích lao động sáng tạo của nhà giáo…)”- PGS.TS Thái Bá cần nói.
Giáo dục tư thục cần hướng đến chất lượng để xây dựng tính cạnh tranh
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện việc xây dựng Bộ luật Giáo dục đảm bảo trên ba nguyên tắc, đó là tính mở, thứ hai là dựa trên năng lực người học, thứ ba là tính tự chủ. Sắp tới, chúng ta cũng không dựa hoàn toàn vào số năm học, bằng cấp mà dựa vào khung trình độ 8 bậc: sơ cấp 3 bậc, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ là bậc 8.
Việc xây dựng khung trình độ như trên là để hội nhập quốc tế, xóa bỏ việc đặt nặng vấn đề bằng cấp. Đặc biệt, khi nhập chương trình quốc tế về Việt Nam sẽ đối chiếu phù hợp với khung trình độ nào để thực hiện.
Vì vậy, các trường tư thục muốn định vị được mình trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng kỳ vọng và sự tin tưởng của xã hội không cách nào khác phải chứng minh bằng chất lượng đào tạo.
Đồng tình với PGS.TS Phan Thanh Bình, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng- Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tin rằng đó là hướng đi đúng đắn của hệ thống giáo dục tư thục trong tương lai. Theo ông, giáo dục tư thục dù là bậc phổ thông hay ĐH vẫn cần hướng đến mục tiêu lớn nhất, đào tạo ra những con người "vừa hồng- vừa chuyên" đáp ứng được nhu cầu xã hội, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Vì lẽ đó, người việc đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng, hậu kiểm PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các trường vẫn cần phải có chuẩn chương trình đào tạo từng ngành cho mình trong quá trình đào tạo.
Các đại biểu tại tọa đàm |
Chia sẻ về hệ thống giáo dục phổ thông ngoài công lập tại TPHCM, ông Hồ Tấn Minh- Phó trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, hiện hệ thống các trường phổ thông ngoài công lập tại TPHCM phát triển rất tốt. Toàn TP có 82 trường ngoài công lập, trong khi trường công lập là 112 trường, đặc biệt là độ tin cậy của phụ huynh học sinh vào trường này rất cao.
Chính sự phát triển mang tính nền tảng như trên mà TP đã có quy hoạch tổng thể liên quan đến các trường này, tức là đảm bảo được điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở vật chất…
“Lợi thế của trường ngoài công lập là được tự chủ về công tác nhân sự, được lựa chọn, kêu gọi giáo viên giỏi về trường dạy. Thứ hai, trường được tự chủ thực hiện theo đề án của TP. Ví dụ, TP muốn tăng cường chuẩn đầu ra ngoại ngữ, nếu trường phổ thông công lập sẽ thực hiện khó, vì sẽ phát sinh chuyện thu bao nhiêu tiền ngoài học phí ra, còn các trường ngoài công lập thì thực hiện được” - ông Minh chia sẻ.
PGS.TS Đỗ Văn Xê- Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cũng nhìn nhận: Môi trường làm việc ở trường tư thoáng hơn, không bị ràng buộc bởi các thủ tục.