Xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học: Nâng cao chất lượng trải nghiệm học tập toàn cầu

Thứ năm - 21/11/2019 04:03 520 0

Xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học: Nâng cao chất lượng trải nghiệm học tập toàn cầu

GD&TĐ - Quốc tế hóa giáo dục đại học sẽ góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới để từ đó mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho SV. Quốc tế hóa được hiểu là giai đoạn cao nhất trong quan hệ quốc tế giữa các trường đại học.

Học trong môi trường quốc tế

80 SV của 5 khoa gồm Cơ khí, Cơ khí giao thông, Điện, Điện tử Viễn thông và Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến vừa tham gia Khóa học thực nghiệm lần 3 do Trường ĐH Quốc gia Yokohama, Văn phòng Đại diện ĐH Quốc gia Yokohama và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) hợp tác tổ chức. Nội dung của khóa học tập trung nhấn mạnh và hướng đến việc giảng dạy phương pháp NCKH cho SV thông qua các mô hình nghiên cứu, mô phỏng và thực nghiệm cùng những trang thiết bị được các GS Trường ĐH Quốc gia Yokohama cung cấp.

Khóa học được chia thành 3 lớp với các mô hình nghiên cứu khác nhau: Lớp thực nghiệm về nhiệt học, lớp thực nghiệm trên bộ dụng cụ cơ khí và lớp thực nghiệm về robot. Trong suốt khóa học, các GS sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giảng dạy. SV vì vậy, ngoài cơ hội được thực hành, thực nghiệm, nâng cao kỹ năng học tập và làm việc theo mô hình nhóm còn có điều kiện trau dồi kỹ năng ngoại ngữ. Khóa học còn có sự tham gia hỗ trợ của 7 SV Trường ĐH Quốc gia Yokohama và 10 SV của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sẽ tham gia Chương trình Sakura Sicience năm 2019 tại Nhật Bản.

TS Đặng Đức Long - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Với xu hướng quốc tế hóa đại học, ngoài giảng dạy bằng ngôn ngữ quốc tế thì việc tuyển chọn SV nước ngoài đến học tập sẽ tạo cách nhìn đa dạng hơn cho SV và muốn quốc tế hóa được thì phải có SV quốc tế để tạo môi trường đa văn hóa. Với việc SV tiếp xúc, hiểu biết về cách nghĩ, cách làm việc và các nền văn hóa khác nhau là rất quan trọng, tạo điều kiện cho SV nhanh chóng thích ứng khi tham gia thị trường lao động quốc tế”.

Từ các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế với các trường đối tác, các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm học bổng dài hạn và cả học bổng ngắn hạn theo diện trao đổi SV từ 6 tháng đến một năm. Đây là cơ hội để SV được hòa nhập vào môi trường học tập quốc tế, với những trải nghiệm mới về phương pháp học tập, ngôn ngữ, văn hóa. Các trường ĐH có tổ chức dạy học theo các chương trình quốc tế đều đẩy mạnh trao đổi SV ở cả hai hướng gửi SV theo học ở các trường đối tác và tiếp nhận SV nước ngoài.

Ở hướng gửi SV đi, sẽ có các khóa học ngắn hạn như chương trình mùa hè, ở chương trình dài hạn sẽ có những chương trình SV học một năm ở trường đối tác sau đó quay trở lại tiếp tục học tại trường. Về tiếp nhận SV quốc tế, các trường ĐH Việt Nam có thể tiếp nhận SV trường đối tác sang học một học kỳ, một năm hoặc thực tập. Như VNUK đã tiếp nhận 3 SV của Anh sang thực tập một năm tại VNUK và 4 SV Hungary sang học một học kỳ ở môn Quản trị và kinh doanh quốc tế. Kỳ tuyển sinh năm 2019 này, VNUK có 3 SV quốc tế đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Bangladesh theo học ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh quốc tế đến từ Ấn Độ.

Theo TS Nguyễn Phúc Nguyên - Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), để có thể thực hiện chương trình trao đổi SV với các trường đối tác thì các chương trình đào tạo phải tiệm cận với chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, việc chuyển tiếp SV của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng mới chỉ thực hiện được ở những khoa có tính quốc tế như Thương mại, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng, Marketing, Kế toán và Du lịch.

Chính vì vậy, các chương trình đào tạo chất lượng cao của các Trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đều tham khảo ít nhất 2 chương trình đào tạo của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới đã được các tổ chức kiểm định giáo dục có tính quốc tế công nhận nhằm đảm bảo sự liên thông và công nhận lẫn nhau. Cũng theo TS Nguyễn Phúc Nguyên: “SV du học theo diện chuyển tiếp là con đường ngắn nhất để tiếp cận với môi trường đào tạo quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian đi du học tuy ngắn, nhưng cũng giúp SV có động lực để tìm các nguồn học bổng khác để được học lên cao hơn”.

Đưa SV ra nước ngoài thực tập được xem là một xu hướng mới giúp SV được thử thách trong môi trường làm việc quốc tế được các cơ sở giáo dục ĐH đang tích cực triển khai. Ngoài ra, một số trường ĐH, như Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang thí điểm triển khai mô hình giảng viên nước ngoài đồng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho SV cùng với giảng viên trường sở tại.

Xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học: Nâng cao chất lượng trải nghiệm học tập toàn cầu - Ảnh minh hoạ 2
 GS Tomoyuki Shimono giảng dạy về robot trong Khóa học thực nghiệm do nhóm GS Trường ĐH Quốc gia Yokohama giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. 

Những “con đường” quốc tế hóa đại học

TS Đặng Đức Long nhận xét, cùng với quá trình hợp tác quốc tế, giáo dục Việt Nam cũng đồng thời “nhập khẩu” chương trình đào tạo ở các nước có chất lượng cao; sử dụng phương pháp dạy - học, cách thức đánh giá và cách thức quản lý đào tạo của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế.

Việc “nhập khẩu” chương trình, phương pháp và công nghệ quản lý sẽ góp phần tạo sự chuyển biến mới, khắc phục được 5 yếu điểm của các trường ĐH Việt Nam hiện nay: Sự lạc hậu về chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo; sự lạc hậu và thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm; sự lạc hậu về phương pháp quản lý; sự hạn chế và năng lực của đội ngũ giảng viên; sự thiếu gắn kết với thực tế khi đào tạo và nghiên cứu khoa học.

“Cộng đồng khoa học luôn ở phạm vi toàn cầu nên hợp tác quốc tế sẽ hỗ trợ tích cực cho nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ, cập nhật chương trình đào tạo, hình thành các bộ môn chuyên ngành mới, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ nghiên cứu khoa học” – TS Đặng Đức Long phân tích.

Đơn cử như dự án BUILD - IT được Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID và Đại học Arizona State thiết kế với mục tiêu giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống giáo dục ĐH trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM). Với trên 16 đối tác là các tập đoàn công nghệ cao, 16 trường ĐH đối tác, sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, Bộ Công Thương, dự án đang giúp cải thiện chính sách về giáo dục đại học, nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy, đổi mới phương pháp sư phạm, phát huy công nghệ lớp học/phòng lab…

Các trường ĐH ở Việt Nam tham gia dự án BUILD - IT gồm: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ. BUIL-IT có những khóa tập huấn nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo chất lượng cho giảng viên như mô hình học tập dựa vào dự án, phát triển công cụ đánh giá môn học dựa trên nghiên cứu, xây dựng chính sách trường đại học, kỹ thuật thiết kế thang đánh giá năng lực của người học, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo - kiểm định chất lượng trường theo AUN - QA…

Có nhiều cách để quốc tế hóa đại học như hợp tác trong từng chương trình cụ thể; xây dựng đại học quốc tế tại Việt Nam, đầu tư để nâng chuẩn đạt chuẩn quốc tế trên cơ sở một trường ĐH hiện có như cách làm của ĐH Cần Thơ. Việc xây dựng ĐH quốc tế đang tăng lên, các trường ĐH do nước ngoài đầu tư như ĐH RMIT, ĐH Anh quốc Việt Nam, ĐH Mỹ tại Việt Nam, với hệ thống trường công lập, có ĐH Việt - Đức, Việt - Nhật và Việt - Pháp và Trường ĐH Quốc tế, ĐH Đà Nẵng trên cơ sở Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh.

Bài toán chi phí mời giảng viên nước ngoài

Một kinh nghiệm của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng triển khai thành công với Chương trình tiên tiến là mời các GS của các trường đối tác về giảng dạy trong thời gian nghỉ giữa các semesters/quarters hoặc mời các GS đang trong thời gian nghỉ sabbatical. Để đảm bảo chất lượng đào tạo khi GS chỉ có thể về giảng dạy trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 - 4 tuần, PGS. TS Phạm Văn Tuấn – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi đã thử nghiệm một giải pháp đơn giản và kết quả được xem là khá hiệu quả. Trước hết, cho mỗi môn học, chúng tôi chuẩn bị đội ngũ hỗ trợ cho GS gồm trợ giảng (TA) và trợ lý thí nghiệm (LA). Bài giảng, bài tập và bài thí nghiệm được các GS gửi sang trước khoảng một tháng để TA, LA và SV đọc chuẩn bị.

Các TA và LA của môn học sẽ giới thiệu tổng quan, ôn tập các kiến thức nền, huấn luyện việc sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm, công cụ phần mềm mô phỏng cần cho môn học trước khi GS đến giảng dạy chính thức. Các TA sẽ giúp việc chấm điểm giữa kỳ cũng như bài tập, bài thực hành thí nghiệm. Sau khi giảng dạy tại Việt Nam xong, với sự trợ giúp của TA, GS nước ngoài sẽ tiếp tục tư vấn từ xa trả lời các thắc mắc, giúp SV ôn tập. Sau đó, TA sẽ giúp GS tổ chức kỳ thi cuối kỳ, phối hợp với GS chấm điểm và trả bài giải cho SV. Mô hình này sẽ giúp SV có đủ thời gian để tích lũy kiến thức, qua đó đạt kết quả học tập tốt hơn”.

Ngoài mời GS các trường đối tác giảng dạy như cách làm của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, VNUK còn tích cực tìm kiếm một số giáo sư đang sinh sống và giảng dạy ở khu vực Đông Nam Á hoặc các giáo sư vừa nghỉ hưu ở nước ngoài hoặc giảng viên của một số chương trình do Liên hiệp châu Âu tài trợ dưới dạng trao đổi giảng viên ngắn hạn. “Những cách thức này cũng chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn và khó đảm bảo tỷ lệ 30% giảng viên là người nước ngoài giảng dạy như mục tiêu đặt ra. Về lâu dài, chúng tôi đang hướng đến áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến. Hiện nay, VNUK đã bắt đầu triển khai dạy - học online với giáo sư nước ngoài và sẽ tăng cường dần theo hướng này” - TS Đặng Đức Long chia sẻ.

Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Những khía cạnh tích cực của quốc tế hóa có thể thấy như vai trò của nó trong xây dựng tiềm lực kinh tế và xã hội thông qua thúc đẩy và nâng cao chất lượng, giúp các NCKH đạt được những chuẩn mực quốc tế; thông qua các chương trình trao đổi giáo dục sẽ giúp người học có cơ hội trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập và tăng cơ hội việc làm cho SV.

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập675
  • Hôm nay40,512
  • Tháng hiện tại318,642
  • Tổng lượt truy cập51,674,601
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944