Phiên họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với đại diện Bộ Giáo dục của 10 nước ASEAN. Tại điểm cầu Việt Nam có đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, đại sứ quán các nước ASEAN, đại diện UNESCO và Bộ LĐ-TB&XH.
Phát biểu chào mừng và chỉ đạo phiên họp qua hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực, đặc biệt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực.
Chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình học tập ứng dụng trên cơ sở việc làm, nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực ASEAN.
Tại hội thảo, ông Andeas Schleicher- Trưởng phòng và điều phối viên của Chương trình OECD đã trình bày kinh nghiệm triển khai giáo dục trên cơ sở việc làm từ về tiếp cận toàn cầu. Đó là những giải pháp thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cùng biện pháp duy trì học tập suốt đời trên thế giới.
Những học sinh được đào tạo nghề đầy đủ sẽ có cơ hội kiếm việc làm tốt. Đây là cơ sở để khích lệ học sinh theo con đường học nghề nhiều hơn, bởi con đường học thuật không phải là duy nhất. Vì vậy, ông Andeas cho rằng, rất cần những giải pháp mạnh mẽ cho giáo dục nghề nghiệp.
Đại diện Bộ Giáo dục Brunei cho biết đã thành lập hội đồng lên kế hoạch gắn kết nguồn nhân lực với lĩnh vực việc làm, giải quyết vấn đề việc làm hiệu quả, minh bạch và thiết thực nhất, tập trung 3 lĩnh vực: Nguồn cung, nhu cầu, những động lực để có thể thực hiện.
Đại diện Bộ Giáo dục Malaysia chia sẻ nhiều kinh nghiệm triển khai hiệu quả mô hình đào tạo học tập dựa trên công việc, và cho rằng, cần nâng cao nhận thức về mô hình này và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết, thời gian tới, sẽ thúc đẩy sáng kiến mô hình ưu việt, dành cho giáo viên, sinh viên và các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lại lao động. Theo đó, các trường cao đẳng trung tâm dạy nghề sẽ định hướng trở thành chuyên gia hàng đầu chuyên sâu trong từng lĩnh vực.
TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, người lao động Việt Nam có truyền thống hiếu học, tuy nhiên, giữa học tập thực tế và học tập lý thuyết có sự khác nhau.
Do đó, cần có sự kết nối giữa bên đào tạo với nhà tuyển dụng trong xây dựng chương trình giáo dục; chú trọng chia sẻ tài nguyên giáo dục đào tạo để chọn lựa tài liệu tốt nhất để giáo dục đạt giá trị cao…
Kết luận phiên họp, GS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định, các ý kiến cho thấy tầm quan trọng của học tập dựa trên công việc, tuy bối cảnh các nước khác nhau nhưng có thể học tập lẫn nhau để tìm ra cách thức hiệu quả nhất. Học tập dựa trên công việc là một thành phần bổ trợ việc học tập.
Phiên họp đầu tiên này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng để các quốc gia trong khu vực tiếp tục thảo luận, xây dựng kế hoạch lâu dài, đồng thời, đưa ra cam kết mạnh mẽ, chia sẻ tài nguyên, tài liệu với nhau nhằm đảm bảo tương lai tốt nhất cho học sinh và cho sự phát triển chung của khu vực.