Khai mạc tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã rất nỗ lực, cố gắng thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, nhiệm vụ rất quan trọng là đổi mới nhằm mục tiêu tạo chuyển biến căn bản giáo dục phổ thông, chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.
Luật Giáo dục 2019 đã pháp điển hóa toàn bộ Nghị quyết 88 trong Luật, trong đó nội dung về SGK được đưa vào Điều 32. Trong đó nêu rõ: SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội... Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá biên soạn SGK theo quy định của Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Cụ thể hóa chủ trương này, các nhà xuất bản đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn SGK trên cơ sở bám sát chương trình giáo dục phổ thông và các quy định tại Thông tư 33.
Hiện, 5 bộ SGK lớp 1 đã được biên soạn, thẩm định; địa phương cũng đã hoàn thành việc lựa chọn sách để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 từ năm học 2020-2021. "Chúng ta phải chuẩn bị tiếp tục cho lớp 2, lớp 6 để kịp phê duyệt SGK, chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 2 lớp này ở năm tiếp theo" – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý thêm: Thông tư 33 đưa ra 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, và Bộ GD&ĐT đã cụ thể thành 40 chỉ báo. Các thầy cô cần nắm chắc, bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí và các chỉ báo này.
Cũng theo Thông tư 33, đánh giá chung và xếp loại bản mẫu SGK vào một trong ba loại: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt". Trường hợp đạt nhưng cần sửa chữa, đơn vị tổ chức thẩm định trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT văn bản thông báo cho đơn vị đề nghị thẩm định SGK thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung; sau đó thẩm định lần 2. Ở lần thẩm định này, chỉ có 2 kết quả là "đạt" và "không đạt". Do đó, yêu cầu làm phải rất minh bạch, có đối thoại trực tiếp với tác giả về kết quả của hội đồng.
Để thực hiện tốt việc thẩm định SGK, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cần làm tốt 5 việc: Nắm chắc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Chương trình môn học, hoạt động giáo dục mình tham gia thẩm định; nắm chắc quy trình thẩm định theo Thông tư 33; nắm các luật khác có liên quan; nghiên cứu rất kỹ từng bản mẫu; khi có ý kiến khác nhau, trách nhiệm của hội đồng chuyên môn là cùng với Bộ GD&ĐT giải trình trước xã hội.
Hoạt động tập huấn diễn ra trong 1 ngày. Thời gian này, các ứng viên được cung cấp thông tin những điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các vấn đề về chống định kiến giới và dân tộc trong SGK; giới thiệu các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo thẩm định sách giáo khoa; quy trình thẩm định; cách tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa được quy định trong Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT…
Trong khuôn khổ chương trình, ứng viên cũng sẽ tham gia thảo luận nhóm theo từng môn học để cụ thể hóa từng tiêu chí, chỉ báo với môn học mình phụ trách; thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận khi đánh giá SGK lớp 1.