Bắt nhịp việc học sau Tết: Muôn nẻo tìm trò

Chủ nhật - 13/02/2022 01:34 185 0
GD&TĐ - Sau Tết Nguyên đán tại một số địa phương, đặc biệt khu vực miền núi thường xảy ra tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học vui chơi lễ hội hoặc tham gia lao động dẫn tới sĩ số giảm mạnh.
Bắt nhịp việc học sau Tết: Muôn nẻo tìm trò

Dù các nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp, song “bài toán” duy trì tỷ lệ chuyên cần vẫn chưa thể tháo gỡ hoàn toàn.

Đến hẹn lại lo

Thầy Quan Văn Thương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng), trao đổi: Tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết đã có biến chuyển tích cực trong những năm gần đây nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Tỷ lệ chuyên cần thường chỉ đạt hơn 90% do học sinh nghỉ học vài ngày hoặc 1 tuần để tranh thủ lao động sản xuất cùng gia đình vẫn diễn ra.

Thầy Thương cũng cho biết thêm: Với đặc thù 100% học sinh người dân tộc, đời sống kinh tế khó khăn, sau Tết thường rơi vào vụ mùa, các em lại ở độ tuổi có thể lao động nên bố mẹ thường giữ con ở nhà cho đi nương rẫy phụ giúp. Suy nghĩ này “ăn sâu bám rễ” nên việc duy trì sĩ số học sinh sau Tết “đến hẹn lại lo”.

Học sinh dân tộc chiếm 82,3% số lượng học sinh toàn trường. Sau Tết tại Bắc Hà, có một số lễ hội truyền thống các dân tộc như: Xuống đồng, Gầu Tào… đã tác động đến tâm lý và tỷ lệ chuyên cần của học sinh tại địa phương trong việc trở lại trường đúng quy định dù trước khi nghỉ Tết nhà trường đã làm nhiều biện pháp, tuyên truyền. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Khánh Chi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai), thừa nhân: Tình trạng học sinh nghỉ học 2 - 3 ngày hoặc sáng đi học chiều nghỉ để vui chơi, tham dự lễ hội, lao động… vẫn xuất hiện.

Việc duy trì tỷ lệ sau Tết cũng là nỗi lo và đòi hỏi nhiều nỗ lực của thầy cô Trường Tiểu học Pa Nắng (huyện Đa Krông, Quảng Trị). Thầy Lê Minh Tịnh, Hiệu trưởng, trao đổi: Sĩ số học sinh sau Tết thường chỉ đạt tối đa từ 80 - 85%. Các em thường trở lại trường chậm chủ yếu do ăn Tết bên Lào hoặc theo bố mẹ về quê chưa trở lại địa phương theo lịch tập trung của nhà trường.

“Với 99% học sinh dân tộc Vân Kiều tiếp thu còn hạn chế, đặc biệt với học sinh lớp 1, 2 nhanh quên, do đó, việc nghỉ Tết trong khoảng thời gian dài sau đó chậm quay lại trường lớp, hiệu quả giáo dục sẽ không đạt như mong muốn. Giáo viên sẽ mất nhiều thời gian để bồi dưỡng, hỗ trợ kiến thức khi các em trở lại…”, thầy Tịnh cho biết.

Bắt nhịp việc học sau Tết: Muôn nẻo tìm trò - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên trở lại trường sớm chuẩn bị cơ sở vật chất đón học sinh. Ảnh: NTCC

Nỗ lực từ giáo viên, nhà trường

Theo thầy Quan Văn Thương, đời sống của bà con dân tộc nghèo khó, nên khi có cơ hội kiếm sống, gia đình và học sinh thường bị cuốn theo. Đây là thực tế khó thay đổi dù nhà trường đã tiến hành các giải pháp để nâng cao tỷ lệ chuyên cần học sinh sau nghỉ Tết.

Giải quyết thực trạng trên, những năm gần đây nhà trường đã nỗ lực đưa giải pháp duy trì sĩ số học sinh sau Tết. Không để học sinh nghỉ, bỏ học một vài buổi hay 1 - 2 tuần mà cho thôi học. Học sinh dân tộc vốn đã thiệt thòi trong giáo dục, mặt khác, nhiều gia đình và học sinh sẵn sàng nghỉ học nếu không được tạo điều kiện quay lại trường lớp.

Vì vậy, theo thầy Thương, giải pháp tốt nhất vẫn là giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt với chính quyền địa phương làm công tác vận động tuyên truyền đến từng gia đình. Giúp cho phụ huynh hiểu được sự cần thiết của học tập với học sinh trong hiện tại và tương lai… từ đó sẽ chủ động tạo điều kiện và đưa con em tới trường.

“Học sinh chưa ra lớp đầy đủ sau nghỉ Tết dài ngày, phần vì học kém ngại đến trường, mặt khác vì mải chơi hoặc phải giúp bố mẹ đi nương rẫy. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do phụ huynh chưa quan tâm, động viên đến việc học hành của con. Vì thế, học sinh vốn đã ngại học, thiếu tự giác lại càng không muốn trở lại trường học. Khi nào giáo viên đến tận nơi gọi thì miễn cưỡng đi học. Không gọi không đi…”, thầy Đông trao đổi.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm dạy học, quản lý tại trường học vùng cao huyện Yên Minh (Hà Giang), thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long, cho rằng: Sau Tết việc huy động 100% học sinh trở lại trường lớp ở mỗi cấp học có khó khăn riêng.

Do đó, ngoài việc tổ chức các trò chơi, hoạt động văn hóa giải trí truyền thống tại trường học; đảm bảo chất lượng các bữa ăn bán trú, theo thầy Đông, giáo viên phải trở lại trường sớm hơn để đến tận nơi làm công tác nắm bắt tình hình, thăm hỏi và vận động học sinh trở lại trường. Nhà trường giao trách nhiệm cụ thể cho từng giáo viên trong việc duy trì sĩ số lớp…

Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) với 100% học sinh là người dân tộc La Hủ, nhiều em nhà xa trường, điều kiện đi lại liên lạc khó khăn, phong tục tập quán bản địa tác động tới việc học tập nên việc nghỉ, trốn học sau Tết khó tránh. Theo kinh nghiệm của cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Pa Ủ, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phải chủ động đưa ra giải pháp đưa học trò trở lại trường lớp.

Nếu những năm trước đây tỷ lệ học sinh trở lại trường chỉ đạt 80 - 90%. Nhưng hiện nay, khi thầy cô vào tận bản đón học trò ra lớp thì cơ bản các em đã trở lại trường đầy đủ. Chỉ còn một số ốm, bệnh chưa ra lớp. Với cách làm này Tết năm trước, tỷ lệ học sinh Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Pa Ủ ra lớp đạt tới 95% và tăng dần lên 100% những ngày sau đó.

Cũng theo nhiều hiệu trưởng và giáo viên đang dạy học ở các huyện vùng cao khó khăn, nếu như những năm học trước các nhà trường thường tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, trao tặng quà… để “kéo” học sinh trở lại trường lớp thì năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp, các hoạt động tập trung đông người sẽ cơ bản hạn chế.

Do đó, việc tuyên truyền và nhiệt tình tâm huyết của giáo viên trong việc đến từng thôn bản đón học sinh cần được phát huy cao hơn. Đồng nghĩa giáo viên sẽ phải trở lại trường sớm hơn để chuẩn bị cơ sở vật chất và có thời gian huy động học sinh đến trường. Một số thầy cô chuẩn bị tiền lì xì, ra câu đố và  trao thưởng cho trò trong ngày đi học trở lại…

Có thể thấy, với nhiều địa phương vùng cao của Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Đắk Lắk, Quảng Trị… việc duy trì sĩ số học sinh 100% sau Tết còn nhiều hạn chế. Đây là thực tế khó khăn mà nhiều năm qua dù các trường đã tích cực tháo gỡ nhưng chưa đạt hiệu quả tuyệt đối. 

Tác giả bài viết: Đức Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1143 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2930 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập404
  • Hôm nay70,228
  • Tháng hiện tại348,358
  • Tổng lượt truy cập51,704,317
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944