Bí quyết đạt điểm cao: Vượt qua kỳ thi năng khiếu ngành Âm nhạc

Chủ nhật - 04/07/2021 21:53 2.095 0
GD&TĐ - Các thí sinh có năng khiếu về âm nhạc muốn theo đuổi chuyên ngành (CN) Sáng tác âm nhạc - Chỉ huy - Âm nhạc học… phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh theo quy định.
Bí quyết đạt điểm cao: Vượt qua kỳ thi năng khiếu ngành Âm nhạc

Bên cạnh đó, thí sinh còn phải bảo đảm điểm số các môn văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Những lưu ý khi thi năng khiếu

Để đạt được nguyện vọng vào học các CN âm nhạc, trước tiên thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông báo tuyển sinh năm 2021 để chọn CN phù hợp nhất với năng khiếu của mình.

ThS Nguyễn Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM cho biết: Thực hành là môn chuyên môn của từng CN như Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học, Piano, Thanh nhạc, nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ truyền thống hay các CN nhạc nhẹ.

Bí quyết đạt điểm cao: Vượt qua kỳ thi năng khiếu ngành Âm nhạc - Ảnh minh hoạ 2
Đồ họa: An Nhiên

Tùy theo từng ngành, CN, yêu cầu cụ thể về bài thi được thông tin rất rõ trong thông báo tuyển sinh của Nhạc viện. Khi đăng ký dự thi, thí sinh cần xác định rõ CN và bậc thi của mình vì bậc thi trung cấp (TC) dài hạn 6 - 7 hay 9 năm sẽ khác với bậc thi TC ngắn hạn 4 năm. Chuyên ngành cổ điển sẽ khác với nhạc nhẹ.

Ví dụ Piano cổ điển khác Piano nhạc nhẹ, Thanh nhạc cổ điển khác Thanh nhạc nhạc nhẹ, Gõ cổ điển khác Gõ nhạc nhẹ... Nhiều thí sinh đăng ký thi Piano cổ điển, vào thi mới biết bài thi của mình được chuẩn bị theo phong cách nhạc nhẹ hoặc ngược lại, dẫn đến phạm quy và bị rớt, trong khi các em có năng khiếu tốt.

Thí sinh nên đăng ký thi thêm một CN 2 (trong danh mục có tuyển CN 2 của trường) phù hợp với độ tuổi, có thể đăng ký cùng với CN 1 (là CN chính của mình), hoặc đăng ký ngay sau buổi thi thực hành theo gợi ý của các thầy cô. Lý do, nhiều khi thí sinh chưa đạt yêu cầu của CN chính nhưng lại đáp ứng tốt đòi hỏi của CN khác, khi thi và đậu rồi, quá trình theo học các em phát huy được khả năng, trình độ của mình. Đây chính là bước ngoặt, một cơ hội khác hẳn so với ước mơ ban đầu khi thi vào Nhạc viện TPHCM của thí sinh…

“Thí sinh bắt buộc phải thuộc lòng tất cả bài thi. Nên học thuộc bài nhuần nhuyễn trước ngày thi ít nhất 1 tháng. Các em thi CN Sáng tác âm nhạc được phép mang theo nhạc cụ như guitar hoặc keyboard (có dùng tai nghe) vào phòng thi chuyên môn”, ThS Mỹ Hạnh cho biết.

Bí quyết đạt điểm cao: Vượt qua kỳ thi năng khiếu ngành Âm nhạc - Ảnh minh hoạ 3
Dàn nhạc hợp xướng do giảng viên, sinh viên Nhạc viện TPHCM biểu diễn. Ảnh: NTCC

Tự tin với môn thi kiến thức tổng hợp

ThS Mỹ Hạnh cho biết: Môn thi kiến thức tổng hợp có yêu cầu thay đổi tùy theo từng bậc học cũng như tùy theo từng ngành (hoặc CN).

Đối với bậc TC dài hạn và bậc TC 4 năm, các CN âm nhạc truyền thống, nhạc cụ phương Tây (trừ Violin), các CN nhạc nhẹ (trừ Piano nhạc nhẹ, Organ điện tử và Thanh nhạc nhạc nhẹ): Thi kiến thức tổng hợp sẽ là nghe và lặp lại các câu nhạc.

Mục đích phần thi này để kiểm tra năng khiếu âm nhạc, khả năng thẩm âm và ghi nhớ nhanh nhạy, khả năng nắm bắt về nhịp điệu, tiết tấu, giai điệu, màu sắc điệu thức và âm chủ ổn định của giai điệu, khả năng phát âm lại chính xác các cao độ, tiết tấu và nhịp điệu sau khi nghe. Mỗi câu nhạc thí sinh được nghe 3 lần, sau đó các em nhắc lại bằng cách phát âm la la la… sao cho giống với giai điệu mà không cần đọc cụ thể tên nốt là gì.

Các câu nhạc sẽ có âm vực (tầm âm) hơn một quãng tám, trong khoảng từ nốt sol ở quãng tám nhỏ (quãng tám số 4) đến nốt mi ở quãng tám thứ hai (quãng tám số 6). Độ dài ngắn của các câu nhạc sẽ khác nhau nhưng không phải cứ dài là khó, ngắn là dễ, bởi nhiều khi câu nhạc ngắn, có ít nốt nhưng tiết tấu thay đổi liên tục, dùng đảo phách hay móc giật, móc kép cùng với âm điệu các quãng lên xuống sẽ khiến thí sinh khó nhớ và khó nhắc lại. Ngược lại, những câu nhạc dài thường có sự phân chia thành 2 nửa, nửa sau có xu hướng nhắc lại có thay đổi nửa đầu, hoặc nửa sau là sự phát triển, mô phỏng, mô tiến tương tự từ nửa đầu sẽ khiến thí sinh dễ nhớ, dễ hát hơn.

Bí quyết đạt điểm cao: Vượt qua kỳ thi năng khiếu ngành Âm nhạc - Ảnh minh hoạ 4
Một buổi biểu diễn của giảng viên, sinh viên Nhạc viện TPHCM, nơi đào tạo trình độ âm nhạc từ trung cấp đến ĐH.

Khi lặp lại câu nhạc, thí sinh cần chú ý hát to, lớn tiếng để giám khảo nghe rõ. Nên lặp lại ngay sau vài giây vì nếu ngừng quá lâu để suy nghĩ, các em dễ quên mất giai điệu. Việc ghi nhớ các khoảng bắt đầu và kết thúc của giai điệu, hoặc của mỗi nửa trong giai điệu vô cùng quan trọng để các em có thể hát lại giai điệu tương đối trôi chảy. Ghi nhớ giai điệu 100 % rất khó nên nếu sai một chút ở giữa cũng là điều dễ hiểu.

Thí sinh cần nhớ môn thi nghe và lặp lại câu nhạc diễn ra rất nhanh (trong vòng vài phút), do đó cần tập trung để ghi nhớ giai điệu. Trong khi chờ đến lượt mình, các em không nên cố lắng nghe và nhắc lại câu nhạc của bạn đang hát, bởi nó sẽ làm giảm sự tập trung cao độ khi đến lượt mình. Nếu không nhắc lại được câu trước, không nên loay hoay cứ nghĩ về nó mà phải ngay lập tức chú ý vào câu sau để không bỏ lỡ một lần nghe nào…

Đối với bậc TC 4 năm các CN Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học sẽ thi kiến thức tổng hợp gồm đọc 1 bài xướng âm trong phạm vi từ 0 đến 2 dấu hóa, trả lời câu hỏi vấn đáp về nhạc lý cơ bản, đàn 1 bài piano tự chọn và ghi âm 1 bài một bè (phạm vi từ 0 đến 2 dấu hóa). Các lưu ý về xướng âm và trả lời câu hỏi vấn đáp tương tự như CN Piano, Violin hay Organ điện tử...

Riêng bài thi ghi âm sẽ tách ra một buổi nữa hoặc được ghép chung với buổi thi chuyên môn. Bài ghi âm thí sinh sẽ nghe lần đầu để xác định gam và nhịp, sau đó mỗi câu nhạc được nghe khoảng 3 lần. Nếu không xác định được chính xác gam gì, các em nên nhanh chóng chọn lấy 1 gam mà mình cho là đúng nhất, cố gắng ghi âm giai điệu dựa theo gam đã chọn. Nếu thí sinh ghi sai gam, nhưng tỷ lệ âm điệu, các quãng bên trong đúng hết, nhiều khả năng các em vẫn có điểm.

Để vượt qua kỳ thi năng khiếu âm nhạc thật tốt, thí sinh nên tham khảo, tìm hiểu các thầy cô đang hoặc đã trực tiếp giảng dạy ở Nhạc viện. Bởi ngoài kinh nghiệm chuyên môn, thầy cô còn hiểu rất rõ mức độ các yêu cầu, đòi hỏi của bài thi, sao cho không quá dễ hoặc quá khó so với trình độ đầu vào của từng bậc học. Ngoài ra, các em có thể tham dự lớp ôn tập, ôn luyện môn chuyên ngành, kiến thức ở trường nhạc. - ThS Nguyễn Mỹ Hạnh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập799
  • Hôm nay29,166
  • Tháng hiện tại307,296
  • Tổng lượt truy cập51,663,255
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944