Người trong cuộc lên tiếng
Tại buổi làm việc với Báo GD&TĐ ở Trường MN Tam Văn, cô Lê Thị Tâm và Hà Thị Lệ (2 người được bà Lê Thị Thúy – Chủ tịch Công đoàn nhà trường nêu trong báo cáo - là “mỗi cô phải đưa 2 triệu đồng cho đồng chí Nguyễn Thị Quế đi quan hệ với phòng Tài chính"), khẳng định:
“Chúng tôi được vào biên chế vùng từ tháng 1/2019. Lúc đó, đồng chí Quế chưa lên nhận công tác ở trường. Đến năm 2020, chúng tôi mới nhờ đồng chí Quế đi hỏi chế độ cho mình. Sau khi hỏi được chế độ (mỗi người được hưởng 14,9 triệu đồng), đồng chí Quế gọi chúng tôi xuống ký nhận tiền.
Vì thế, chúng tôi bàn với nhau chuẩn bị một chút quà, để cảm ơn đồng chí Quế. Đó là tự tấm lòng của chúng tôi, chứ đồng chí Quế không đòi hỏi, không gợi ý, vòi vĩnh, nhắn tin hay ép buộc chúng tôi”.
Liên quan đến nội dung “có 10 giáo viên vào biên chế, phải đưa cho bà Quế mỗi người 2 triệu đồng” mà bà Thúy phản ánh, cô giáo Lương Thị Chủ, khẳng định: “Chúng tôi là những người được vào biên chế sau, nên cũng nóng lòng muốn được hưởng chế độ như cô Tâm và cô Lệ.
Do đó, tôi đã bàn bạc với 9 cô giáo và gom mỗi người 2 triệu đồng để nhờ đồng chí Quế đi liên hệ công việc với Phòng Tài chính. Đến ngày 8/1/2021, đồng chí Quế gọi tôi lên phòng làm việc và yêu cầu tôi trả lại cho các giáo viên. Vì thế, tôi đã giữ số tiền ấy. Đến ngày 8/2, tôi mới trả lại cho các giáo viên.
Việc làm nêu trên là do chúng tôi hoàn toàn tự nguyện. Đồng chí Quế không yêu cầu, gợi ý hay ép buộc chúng tôi. Lẽ ra, ngày 8/1, khi đồng chí Quế yêu cầu tôi trả lại tiền cho các cô giáo, tôi phải trả ngay. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ lại 1 tháng sau mới trả lại, là khuyết điểm của tôi. Vấn đề này, tôi cũng đã có bản tường trình gửi Phòng GD&ĐT”.
Cũng tại buổi làm việc, cô giáo Lê Thị Dự - người đã đưa tiền cho cô Lê Thị Chủ, nói: “Khi nghe đồng chí Chủ thông báo góp tiền để đi cảm ơn đồng chí Quế, chúng tôi đã đưa tiền cho đồng chí Chủ, chứ không đưa cho ai khác. Đồng chí Quế cũng không nhắn tin, nhắc nhở hay yêu cầu chúng tôi đưa tiền”.
Về nội dung liên quan đến việc đi thi giáo viên giỏi cấp huyện, các cô giáo cũng khẳng định là tự nguyện gom tiền (mỗi người 1 triệu đồng) để nhờ bà Quế đi cảm ơn lãnh đạo phòng GD&ĐT.
Cô Lương Thị Chủ chia sẻ: “Trong số 5 người đi thi giáo viên giỏi cấp huyện, thì không phải cả 5 người đều góp tiền để nhờ đồng chí Quế đi cảm ơn lãnh đạo phòng như trong báo cáo của đồng chí Thúy. Đồng chí Thúy chỉ nghe nói là có 5 giáo viên đi thi và tự viết vào trong báo cáo gửi Đảng ủy xã, chứ không hỏi han gì tôi.
Thực chất, chỉ có 3 người, gồm Tống Thị Hằng, Hà Thị Lệ và tôi tự góp vào để nhờ đồng chí Quế. Bởi, chúng tôi nghe đồng chí Nhuận nói là, đã tự đi cảm ơn rồi. Khi tôi cầm tiền đưa cho đồng chí Quế, đồng chí Quế không nhận và yêu cầu tôi trả lại tiền cho đồng chí Hằng và Lệ”.
Đối chất
Trong buổi làm việc với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Quế, cho hay: “Cô giáo Lương Thị Chủ, Lê Thị Dự, Lê Thị Tâm... đã trình bày sự việc với Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Tam Văn, Phòng GD&ĐT, lãnh đạo huyện và báo chí.
Thế nhưng, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Tam Văn lại kết luận “tôi yêu cầu giáo viên phải nộp tiền cho tôi”. Trong khi đó, không có bằng chứng, chứng cứ nào chứng minh tôi yêu cầu giáo viên phải nộp tiền cho mình. Tôi mong Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa vào cuộc làm rõ vấn đề này. Sai đến đâu, tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng đến đấy”.
Liên quan đến việc đóng đảng phí, tại buổi làm việc với chúng tôi, bà Hà Thị Nhuận là người thu đảng phí của nhà trường, thông tin. “Việc thu đảng phí của chi bộ được thông báo chung lên nhóm Zalo. Đến khi họp Hội đồng nhà trường và họp Chi bộ, tất cả Đảng viên đều đóng đảng phí. Riêng đồng chí Quế, không đóng”.
Tại buổi làm việc này, đối chất với bà Nhuận, bà Quế khẳng định: “Hôm ấy, sau khi nộp phí Công đoàn cho đồng chí Lê Thị Dự xong, tôi có gặp đồng chị Nhuận để nộp đảng phí. Đồng chí Nhuận nói: Chị ơi, chị còn số tiền phô tô hôm đánh giá kiểm điểm cuối năm nữa. Cứ để đó, em nộp cho chị rồi còn bao nhiêu sẽ tính và chị đưa cho em sau cũng được.
Vì vậy, trong tâm tôi cứ nghĩ rằng, đồng chí Nhuận đóng đảng phí cho tôi, rồi sau đó thiếu bao nhiêu tiền, tôi sẽ hoàn trả. Bởi lẽ, tôi cũng nghĩ rằng, chị em cùng cơ quan đơn vị, chi bộ với nhau, nên tin tưởng nhau. Hơn nữa, nếu tôi cố tình, chống đối không đóng đảng phí, thì tại sao đồng chí Nhuận và tổ chức Đảng ở đây có 5 Chi ủy viên không ai nhắc nhở tôi?
Trong khi đó, 3 tháng, 6 tháng đồng chí Nhuận không đóng đảng phí lên Đảng ủy xã. Đến 11 tháng, đồng chí Nhuận mới đi đóng đảng phí của chi bộ. Khi đồng chí Nhuận đi nộp tiền về, còn nói với tôi: “Chị ơi, em nộp đảng phí cả rồi”. Sau đó, đồng chí Nhuận đưa cho tôi cất giữ phiếu thu đảng phí của chi bộ.
Đến lúc đồng chí Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT lên làm việc, đồng chí Nhuận mới nói: “Đến đảng phí, mà đồng chí Quế cũng không đóng”, và đưa sổ ra báo cáo với lãnh đạo phòng. Thực tình, tôi không ngờ đồng chí Nhuận đã dùng cách đó để báo cáo với cấp trên là tôi không đóng đảng phí trong 11 tháng”.
Khi được hỏi, vì sao năm 2019, chi bộ Trường MN Tam Văn nộp đảng phí theo quý, nhưng cả năm 2020 không nộp, mà đến tháng 1/2021 mới đóng, bà Nhuận trả lời: “Đó là do tôi xin khất với Đảng ủy xã Tam Văn, nên được họ tạo điều kiện”.
Ngoài ra, trong sổ ghi danh sách Đảng viên đóng đảng phí năm 2019 của chi bộ nhà trường thể hiện tất cả 29 Đảng viên đều không có chữ ký.
Do đó, khi được hỏi, vì sao trong suốt cả năm 2019, không ai ký vào danh sách đóng đảng phí, bà Hà Thị Nhuận trả lời: “Cuốn sổ đó chỉ là danh sách thôi, còn thu tiền của ai, tôi có sổ riêng và từng Đảng viên ký vào”.
Như vậy, rõ ràng ở Trường MN Tam Văn đang có những “góc khuất” cần làm sáng tỏ. Đề nghị UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, làm rõ để giải quyết, xử lý khách quan, công tâm tránh gây ra những hoài nghi không đáng có.