Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số" đã góp phần nâng cao khả năng, kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt.
Ngoài ra, đề án trên được triển khai thực hiện tại 50 trường, 282 nhóm, lớp mầm non và 47 trường, 66 điểm trường tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) ở 7 huyện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân, Đức Linh.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, sau 5 năm (2016 – 2020) triển khai thực hiện đề án, có 4.892/9.557 trẻ DTTS bậc mầm non đến trường, 100% trẻ DTTS ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt. Từ đó, trẻ có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1.
Đối với bậc tiểu học, chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt. Nhất là năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ hơn. Đa số các em có khả năng nói, nghe hiểu để giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học để thu nhận trẻ ở độ tuổi dưới 5 tuổi, đảm bảo học 2 buổi/ngày và bán trú, kinh phí tăng cường tiếng Việt trong hè cho trẻ trước khi vào lớp 1, hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho học sinh tiểu học vùng DTTS. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn".
Bố trí giáo viên là người DTTS tại địa phương hay giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vùng DTTS, có tâm huyết, nhiệt tình, có kỹ năng để giúp trẻ tăng cường tiếng Việt.